Cha mẹ thích xài đồ cũ, con Gen Z nói "không biết giấu mặt đi đâu"

28/04/2025 - 06:00

PNO - Người ta xài đồ cũ vì hoàn cảnh, vì thói quen, hay vì một lý do nào khác?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bữa nọ, anh trai tôi mời mọi người đến nhà ăn bữa cơm gia đình. Thật lâu rồi tôi mới có dịp ghé nhà anh dùng cơm. Ở gian bếp, chị em tôi bật cười khi chạm mắt vào món đồ dùng nào cũng thấy có vết hàn, vá - hình ảnh mà có lẽ chỉ thế hệ 8X như tôi trở về trước mới thấy quen. Từ chiếc nồi gang, đến thau đựng nước, ca múc nước… Ngoạn mục hơn cả là tấm chặn rác ống cống cũng được hàn ghép chằng chịt.

Con gái lớn của anh thuộc thế hệ Gen Z, cháu kể: “Không biết bao nhiêu “cuộc chiến” giữa cháu với ba mẹ, mà cháu toàn thua. Cháu đã đi làm có tiền, nên mua sắm đồ về cho ba mẹ để khỏi dùng đồ cũ. Vậy mà bao nhiêu đồ cháu mua về là bấy nhiêu thứ chất lên gác. Mẹ cháu quý lắm nhưng nói để dành”. Chẳng biết để đến bao giờ khi anh chị tôi giờ cũng gần 60.

Cháu gái tôi than thở: “Nhiều khi bạn bè đến chơi nhà, con xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu. Nhà cũng có của ăn của để mà sao ba mẹ con cứ sống khổ vậy?”.

Tôi biết, anh chị tôi không cảm thấy điều đó là khổ. Có lẽ ở thời của anh chị, mọi thứ khó khăn nên hình thành thói quen tận dụng đồ đạc cũ, dùng mọi thứ trong sự nâng niu, giữ gìn, sao để tuổi thọ của món đồ càng lâu càng tốt.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần mua bán gì đó, người lớn trong nhà tôi phải vượt qua chặng đường rất xa bằng đường đò để mua về. Có lần, tôi được chị gái đi chợ về mua cho cây lược. Một cây lược màu hồng, bằng nhựa thôi mà tôi khi ấy ở tuổi lên 5 xem như món tài sản quý, nâng niu như báu vật. Sau này khi lớn lên, đã làm ra tiền mua được mọi thứ cho mình mà mỗi lần nhìn cây lược, lòng tôi vẫn dâng tràn cảm xúc.

Người ta xài đồ cũ vì hoàn cảnh, vì thói quen, hay vì một lý do nào khác như là sự quen thuộc? Tôi cũng không rõ. Bây giờ hàng hóa đồ dùng nhiều và rẻ, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là mua được, nhưng anh chị tôi vẫn không thay đổi thói quen gìn giữ từng món đồ cũ. Có vẻ như những thứ đã ăn sâu vào tâm trí chẳng dễ gì thay đổi được.

Tôi cũng có thói quen sửa chữa đồ đạc linh tinh trong nhà, phần lớn là vì không muốn gọi thợ đến, vừa khá mất thời gian, vừa không biết thợ có đáng tin không; một phần khác vì xem thử có “vớt vát” xài thêm được không, rồi mới tính đến phương án mua mới. Như hôm nọ, chiếc remote ti vi nhà tôi đột nhiên không có tín hiệu, thay pin mới vào vẫn im lìm. Tôi tìm thông tin trên mạng để mày mò sửa. Không ngờ, làm theo cách họ hướng dẫn, chiếc remote hoạt động lại bình thường, bền bỉ đến hôm nay. Sửa được, tôi vui đến không tưởng.

Vậy nên tôi phần nào hiểu niềm vui mỗi khi sửa đồ đạc của anh trai và chị dâu. Họ một phần không muốn con tốn kém, một phần tìm thấy niềm vui trong thành quả của chính mình, cảm giác tự hào về bản thân cũng nhiều hơn…

Nếu có người thích dùng đồ mới thì cũng có những người quen thuộc với những món đồ dùng lâu ngày. Những ai cùng hoàn cảnh, cùng thế hệ của anh chị sẽ có sự cảm thông hơn. Vá víu, hàn, sửa... để dùng lại đâu phải là chuyện xấu xa gì. Đó còn là tính tốt, biết tận dụng để không lãng phí đồ đạc, chứ món gì hư cũng bỏ đi, vừa lãng phí tiền bạc, vừa xả rác thải vào môi trường.

Chị chỉ thích những món đồ cũ kỹ - Ảnh minh họa: Freepik
Những món đồ cũ kỹ mang trong mình bao nhiêu kỷ niệm với chủ nhân - Ảnh minh họa: Freepik

Bữa đó, chị nói vui mà rất thật lòng: “Cả tình cảm thời chị cũng vậy, vợ chồng có chuyện gì đóng cửa bảo ban nhau, sửa sai cho nhau, kiên nhẫn với nhau chứ đâu như giờ, trái tính trái nết tí là chỉ nghĩ đến ly hôn. Đồ đạc có vá víu một tí, nhưng còn dùng được thì cứ dùng, sao lại bỏ đi!”.

Tôi nói với cháu tôi, chẳng cần phải làm “cuộc cách mạng” thay đổi người có tuổi làm gì. Ở tuổi của cha mẹ con, miễn sao họ thấy vui là được.

Thiên Kim

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Hồng Hà Cách đây 2 ngày

    Bậc có tuổi nâng niu, trân trọng đồ vật lắm, đó cũng là đức tính tốt của các cụ. Sợ chê cười nhất là sống không có nhân cách. Nói năng thô tục, bẩn, lôi thôi, ô nhiễm môi trường còn đồ cũ mà sạch gọn, ngăn nắp rất đáng trân trọng vì vừa gợi nhớ kỷ niệm xưa vừa đỡ hoang phí. Mình nghĩ vậy.

  • Phạm Ngọc Cách đây 2 ngày

    Mình cũng rất thích tự sửa để dùng, vừa là niềm vui và tiết kiệm

  • Giang 28-04-2025 14:38:14

    Đồ vật chỉ là đồ vật, sao thấy xấu hổ vì mình sử dụng đồ cũ. Cái gì còn sử dụng được cứ sử dụng, hư nếu sửa được thì cứ sửa, bảo vệ môi trường và túi tiền. Ai nói gì không quan trọng, quan trọng là nhà của ba mẹ, ba mẹ muốn để gì thì để.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI