Cao Bá Hưng: “Trong tôi luôn réo rắt thanh âm đàn tỳ bà”

21/12/2016 - 06:41

PNO - Sau một đêm ngủ dậy, Cao Bá Hưng choáng váng khi biết mình trở thành tâm điểm, thậm chí báo chí còn “dựng” Hưng dậy lúc 3 giờ sáng để hỏi về sáng tác, về câu chuyện “cháu bảy đời của Cao Bá Quát”…

Sau một đêm ngủ dậy, Cao Bá Hưng choáng váng khi biết mình trở thành tâm điểm, thậm chí báo chí còn “dựng” Hưng dậy lúc 3 giờ sáng để hỏi về sáng tác, về câu chuyện “cháu bảy đời của Cao Bá Quát”… Hưng nói mình không biết phải làm gì với điều ấy, dù bản thân từng được nhiều người quan tâm sau khi ca khúc Bốn chữ lắm mà Hưng phối trở thành hit, hay nhóm Bốn chị em mà Hưng là “một mảnh” trong đó từng được quan tâm ngay khi xuất hiện trên sân khấu Vietnam’s Got Talent 2015…

Phi "bị ép" bất thành âm nhạc

Từ bé, Hưng chưa bao giờ thích âm nhạc, dù sinh ra trong một gia đình mà họ bên nội toàn những gương mặt tên tuổi của âm nhạc dân tộc. Bố Hưng là nghệ sĩ Cao Bá Phương, tay guitar của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, bác Hưng là nhạc sĩ Kim Quang, là nghệ sĩ Hồ Nga - trưởng nhóm nhạc dân tộc Mặt Trời Đỏ… Năm - sáu tuổi, Hưng bị bố “lôi” đến cây đàn tỳ bà, với sự nghiêm khắc.

Cho đến bây giờ Hưng vẫn không hiểu vì sao đó lại là đàn tỳ bà mà không phải là guitar như sở trường của bố, chỉ nhớ rằng khi ấy chưa bao giờ mình thích học đàn. Mỗi khi đến giờ học, Hưng thường nhăn nhó khổ sở và lẩn tránh. “Thậm chí bố dùng cả vũ lực luôn đấy. Đến giờ học là bố hét lên: Ra học ngay!”, Hưng kể.

Vậy mà không biết tự bao giờ, âm nhạc ngấm vào máu Hưng và trở thành nguồn sống, là sự quan tâm duy nhất của lứa tuổi học đường nhiều trò “ma quỷ”. Chỉ có điều, Hưng càng lớn, bố càng để Hưng tự do học mà không ép vào khuôn khổ. Và Hưng, những lúc cao hứng lại dùng đàn mà ngồi ngay đấy ký xướng, sáng tác như một kiểu giải tỏa những suy nghĩ vừa lóe lên trong đầu mình.

Từ lúc nghĩ ra câu đàn cho bài hát đầu tiên, Hưng đã biết mình muốn trở thành nhạc sĩ chứ không phải là nhạc công, dù đó không phải là con đường mà bố muốn Hưng theo. Cho đến bây giờ, dù vẫn “ớn lạnh” khi nhớ lại những ngày đó, nhưng Hưng nói mình biết ơn bố vô cùng.

Cao Ba Hung: “Trong toi luon reo rat thanh am dan ty ba”

Trái với dự đoán của nhiều người, Hưng nghe nhiều nhạc quốc tế, tiếp cận nhiều và khá thích nhạc điện tử. Trong hơn 10 bài mà Hưng sáng tác, có nhiều ca khúc nhạc điện tử bắt tai. Thế nhưng, trong mỗi sáng tác đấy, chất dân gian vẫn nhìn thấy mồn một dù Hưng có chủ ý hay không. Hưng chưa bao giờ phải gồng mình với suy nghĩ phải đưa nhạc cụ này, giai điệu này vào bài hát để làm mới âm nhạc dân tộc hay để giới trẻ được tiếp cận thứ nghệ thuật quý giá này, vì nó là thứ cần được giữ gìn...

Chỉ là, như mạch máu trong người, bất kể câu từ nào hay giai điệu nào vừa lóe lên trong đầu Hưng, nó đều chứa đựng cái réo rắt của tỳ bà, cái “í a í a” của âm nhạc dân tộc. “Tôi nghĩ tự trong tiềm thức mình đã có những điều đó nên khi viết bất kỳ bài hát nào, chất dân gian đương đại cứ thế mà ra. Dù đó là một bài nhạc điện tử nó vẫn cứ có cái gì đó của dân gian đương đại”, Hưng nói. Năm 13 tuổi, Hưng đã sáng tác và đã như thế.

Năm 2015, Hưng cùng em gái mình và hai chị Thảo Linh, Phương Linh - con gái của nghệ sĩ Hồ Nga, thành lập nhóm nhạc Bốn chị em, tham dự Vietnam’s Got Talent. Bốn anh chị em chơi nhạc dân tộc, là ý tưởng của bố và bác, nhưng Hưng lại thích thú vô cùng, sự thích thú đến tự nhiên như bản năng. Khi ấy Hưng vừa hoàn thành sáu năm du học Học viện Nghệ thuật Quảng Tây - Trung Quốc theo chương trình “tạo nguồn” do UBND TP.HCM đài thọ, về nhạc cụ dân tộc. Hưng có cơ hội “ứng dụng” những gì mình đã được tiếp thu, theo cách rất riêng của tuổi mới lớn.

Khán giả chỉ biết đến Hưng như thế, nhưng với dân làm nghề thì khác. Một ngày của đầu năm 2015, Hưng nhận được một cuộc điện thoại, người bên kia xưng là ca sĩ Trúc Nhân. Nam ca sĩ này muốn Hưng hòa âm ca khúc mới nhất của mình là Thật bất ngờ. Cho đến bây giờ, Hưng vẫn không biết vì sao Trúc Nhân lại tìm mình, chỉ đoán rằng đó là diễn biến đến từ những bài hát mà Hưng tự sáng tác, tự hòa âm và tự hát rồi đăng tải trên trang cá nhân. Thật bất ngờ là dấu son mới của Trúc Nhân sau thành công của ca khúc Bốn chữ lắm.

Và cho đến giờ, khi Cao Bá Hưng tỏa sáng với bài hát Tương tư tại chương trình Sing My Song, người ta mới nghiệm ra đó đúng là ca khúc đậm dấu ấn của Cao Bá Hưng, với lối hòa âm… thật bất ngờ. “Có một người từng nói với tôi, âm nhạc của mỗi người chính là từ những giai điệu mà người đó nghe mỗi ngày. Tôi may mắn được học nhiều thứ khác nhau, nghe nhiều thứ khác nhau. Nó khiến tôi có nhiều chất liệu và làm nên điều riêng của mình”, Hưng chia sẻ.

"Dở gì cũng được, tuyệt đối không được dở văn"

Những ngày vừa qua, cùng với bài hát dân gian đương đại gây sốt, một điều về Cao Bá Hưng mà nhiều người quan tâm, nhiều đến mức khiến Hưng dở khóc dở cười, là Hưng có đúng là hậu duệ của Cao Bá Quát hay không. Hưng nói, ngay từ khi hình thành nhận thức, bản thân anh đã biết điều đấy, qua các câu chuyện kể của bố, qua các văn tự Hán Nôm xưa mà cụ Cao Bá Quát để lại, dù Hưng không thể đọc được. Hưng là học sinh chuyên văn, bố mẹ và các bác đều có khả năng sáng tác thơ văn.

Đến giờ, Hưng vẫn nhớ mãi câu răn của bố: “Dở cái gì cũng được, tuyệt đối không được dở văn!”. Hưng không biết vì sao cho đến bố, ông lại rẽ sang âm nhạc mà không phải là thơ văn như các cụ của mình, nhưng niềm tự hào về dòng dõi là điều chưa bao giờ ngơi nghỉ ở bố Hưng và các bác Hưng.

Sự tự hào mình là hậu duệ của một danh nhân khiến Hưng luôn cố gắng, với suy nghĩ nếu không thể giỏi hơn bố và bác mình thì cũng không được tệ hơn. Còn với bố Hưng, ông dành cho hai con của mình sự nghiêm khắc ở mức cao trong việc dạy dỗ. Đó là thái độ nói chuyện với người lớn phải như thế nào, kính ngữ ra sao, chủ ngữ không được thiếu như thế nào… Hưng nói, anh chưa từng thấy ở đâu có sự nghiêm khắc như bố dành cho mình, như thể nếu không như thế thì bố Hưng sẽ mang cái tội rất lớn với tổ tiên.

Cao Ba Hung: “Trong toi luon reo rat thanh am dan ty ba”

Từng có người gặp Hưng, nhìn cách Hưng dạ thưa và dùng kính ngữ trước mỗi câu nói, đã bị sốc. “Họ nói là tôi sao lại lễ phép đến mức quá đáng như thế, cứ bình thường đi chứ. Họ đâu biết tôi đang bình thường, nếu không phải thế thì mới bất thường, và chết với bố”, Hưng cười chia sẻ. Chẳng những nghiêm khắc, bố Hưng còn là người “siêu lạnh lùng” với con cái.

Đêm cái tên Cao Bá Hưng trở thành cơn sốt, mẹ vui và cười tít mắt thì mặt bố vẫn lạnh như băng. Câu nói bố dành cho Hưng khi ấy là: “Cần cố gắng hơn nữa, có đôi chỗ chưa ổn, chỗ này cần phải điều chỉnh như thế này…”. Trước nay, bố vẫn luôn là người “kiểm duyệt” gắt gao các sáng tác của Hưng, chỉ đến khi mang bài Tương tư đến với Sing My Song thì Hưng kiên quyết giấu, nhưng sự “kiểm duyệt” đó vẫn diễn ra như thế.

Sự cởi mở hiếm hoi mà bố dành cho anh em Hưng, là tôn trọng tư duy âm nhạc và quan điểm sống. Chưa bao giờ bố mẹ yêu cầu hay gợi ý Hưng làm cái này hay phải thế kia. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy của Hưng. Cô em gái 16 tuổi Khánh Linh của Hưng hiện đã sang Đức du học, và cho biết muốn theo đuổi thời trang chứ không phải âm nhạc. Hưng tiếc nuối điều ấy vì biết em mình có gì, nhưng cũng như bố mẹ, Hưng dành cho em mình sự tôn trọng trong lựa chọn.

18 tuổi, Cao Bá Hưng từng gặp nhiều câu hỏi về tại sao thế này, vì sao thế kia. Hưng nói, bản thân anh chưa bao giờ nghĩ quá sâu xa đến thế mà chỉ có hai khái niệm là bài hát đó hay hoặc ca khúc đó không hay. Riêng với âm nhạc dân tộc, nó vẫn là mạch máu để hình thành nên một Cao Bá Hưng riêng biệt, dù đó là bài hát sôi động ồn ào. Mặt khác, với Hưng, nhóm Bốn chị em sẽ vẫn ở đó, cho dù là 10 hay 20 năm nữa khi khán giả tìm kiếm, Bốn chị em sẽ xuất hiện. “Chúng tôi sẽ vẫn ở đó, chắc chắn thế”, Hưng nói.

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI