Cảnh giác với xúc xích, lạp xưởng, giăm bông có màu bắt mắt

29/08/2013 - 07:55

PNO - PN - Pa tê, giăm bông, xúc xích, lạp xưởng là món khoái khẩu của không ít người. Người ta thường dùng natri nitrit trong quá trình sản xuất những thực phẩm này để sản phẩm có màu đỏ tươi và giữ màu thịt tươi lâu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Canh giac voi xuc xich, lap xuong, giam bong co mau bat mat

Ảnh minh họa: internet

Làm sao để chọn lựa những sản phẩm an toàn cho sức khỏe? Chuyên viên tư vấn nữ công Đỗ Kim Trung - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: Lạp xưởng thực chất là thịt nạc (có trộn thêm ít mỡ) được ướp gia vị cùng với rượu Mai Quế Lộ dồn vào ruột heo rồi sấy khô hoặc phơi dưới nắng giòn. Khi không dùng chất bảo quản, lạp xưởng có màu đỏ nhạt, ít mỡ, có mùi thịt khô đặc trưng. Vì vậy, loại lạp xưởng nào có màu đỏ tươi, bắt mắt chắc chắn có dùng thêm phụ gia. Ngoài những dấu hiệu kể trên, khi mua lạp xưởng nên chọn loại đã được hút chân không, khô, không bị ẩm mốc hay có mùi lạ.

Giăm bông hay còn gọi là da bao được làm từ thịt chân giò rút xương. Nếu không dùng chất bảo quản, lớp da bao bên ngoài sẽ có màu trắng nhạt của da heo tự nhiên hoặc ngả sang nâu (nếu luộc/hấp không khéo). Trường hợp dùng màu thực phẩm để nhuộm thì lớp da bao cũng chỉ có màu đỏ nhẹ chứ không đỏ tươi như màu công nghiệp. Thêm một đặc điểm để nhận diện màu công nghiệp là nếu dính vào tay sẽ không rửa ra ngay được, trong khi màu thực phẩm dễ dàng tan và trôi theo nước. Phần thịt bên trong da bao nếu không dùng phụ gia sẽ có màu hồng nhạt và mùi thơm của thịt.

Nguyên liệu chính để làm pa tê là gan heo, gan bò cộng với một số nguyên liệu khác như thịt, bánh mì, sữa tươi. Khi được làm tự nhiên, nó sẽ cho ra một màu nâu như màu cà phê sữa. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận với những loại pa tê có màu hồng, trông đẹp mắt và hấp dẫn.

PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: Theo thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm, nhà sản xuất có thể dùng chất natri nitrit, kali nitrit trong chế biến các sản phẩm từ thịt nhưng với lượng tối đa là 125mg/kg sản phẩm. Người tiêu dùng cần đọc nhãn mác khi mua hàng. Tên chất phụ gia, mã số quốc tế INS, không ghi vắn tắt, nếu chỉ ghi chất bảo quản, chất điều vị… là không rõ ràng, không đáng tin cậy.

 An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI