Cần tôn trọng và ứng xử đúng mực với quyền của phụ nữ

11/12/2021 - 16:54

PNO - Việc thiết lập và tôn trọng ranh giới trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là cách ứng xử đúng mực với quyền của phụ nữ.

Trong game show Hành lý tình yêu phát sóng trên VTV3 mới đây, một nam thanh niên nói “ly hôn nếu chỉ sinh con gái” và “nữ giới phải ngồi mâm dưới”. Phát ngôn này lập tức gây phẫn nộ dư luận, buộc đạo diễn chương trình và nhân vật chính phải xin lỗi. Vấn đề là, những phát ngôn gây sốc như vậy lại được phát một cách đàng hoàng trên sóng truyền hình.

Thay vì tuyên truyền bình đẳng giới cũng như những tư tưởng mới tiến bộ, thì những người thực hiện chương trình lại để những hạt sạn như thế xảy ra. Có thể đó là tai nạn nghề nghiệp, có thể nhận thức hạn chế, và cũng không loại trừ khả năng, họ muốn dùng những phát ngôn như vậy để câu view.

Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - đặt câu hỏi: “Sao những phát ngôn vi phạm Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình khơi khơi phát trên sóng truyền hình quốc gia vậy?”.

Đạo diễn game show Hành lý tình yêu gửi tâm thư xin lỗi công chúng sau ồn ào “ly hôn nếu đẻ con gái” của nam thanh niên tham gia chương trình
Đạo diễn game show Hành lý tình yêu gửi thư xin lỗi công chúng sau ồn ào “ly hôn nếu đẻ con gái” của nam thanh niên tham gia chương trình

Hồi tháng Năm, dư luận cũng một phen ồn ào với những phát ngôn đùa cợt bị xem là “phân biệt giới tính”, “xúc phạm phụ nữ” của hai doanh nhân đối với một nữ CEO gọi vốn trong chương trình Shark tank Vietnam trên VTV3. “Ở Việt Nam, người ta vẫn cho rằng, quyền của người phụ nữ là một quyền riêng, không nằm trong nhân quyền. Họ nghĩ, phụ nữ chỉ cần quyền làm đẹp, quyền làm mẹ… thế là tốt lắm rồi. Thực ra, quyền của phụ nữ đang bị xâm phạm trên internet cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phụ nữ bị bêu rếu trên hai không gian đó nhiều hơn đàn ông. Họ dễ bị tổn thương hơn”, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.

Theo chuyên gia tội phạm học phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, internet và các phương tiện truyền thông đại chúng mang lại nhiều cơ hội mới cho các hoạt động vì quyền của con người, trong đó có quyền phụ nữ, nhưng đồng thời cũng phát tán, cổ xúy hành vi bạo lực giới mới. Quyền con người áp dụng với mọi con người trên trái đất này, không khu biệt quyền con người của nam giới cao hơn nữ giới, người lớn tuổi cao hơn trẻ em. Quyền con người mang tính phổ quát, người ta tôn trọng, đề cao và hướng tới nó, để con người được sống, được tự do, mưu cầu tất cả những gì thuộc về hạnh phúc của mình và những gì mang tính tiến bộ, tích cực nhất.

Mỗi thời đại, mỗi môi trường khác nhau, các yếu tố tác động đến việc bảo đảm quyền con người cũng khác nhau, thường có xu hướng bị những hành vi lệch chuẩn, hoặc các yếu tố chính trị, pháp lý, quan hệ về giới… tác động đến giá trị phổ quát đó.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn lưu ý: “trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, của nền kinh tế thị trường, có nhiều điều tốt đẹp, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm cho quyền con người bị tác động, bị xâm phạm và ảnh hưởng, nhất là những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. Thế giới và Việt Nam đang đấu tranh cũng như tiến hành các giải pháp đảm bảo tốt nhất quyền của con người trong xã hội.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn xem phát ngôn “ly hôn nếu sinh con gái”, “phụ nữ ăn mâm dưới” trên sóng truyền hình là trường hợp điển hình cho việc xâm phạm quyền con người, đặc biệt quyền của phụ nữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông cho rằng, bản thân những người làm công tác truyền thông đại chúng phải đề cao tính nhân văn, tính văn hóa, yếu tố tích cực của đời sống xã hội. Đồng thời tôn trọng pháp luật trong việc đảm bảo quyền con người, quyền bình đẳng giới và đấu tranh, ngăn chặn, không để những hiện tượng, câu chuyện, sự việc mang tính tiêu cực, phản văn hóa, trái đạo đức xuất hiện trên sóng truyền hình.

Ông nói: “Các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ là cơ quan tuyên truyền, mà còn là lực lượng truyền tải các thông điệp văn hóa, những nội dung đạo đức, truyền thống tốt đẹp… Nếu những người làm công việc đó không tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích, lợi nhuận, vô hình trung sẽ đánh mất chức năng rất quan trọng là giáo dục, định hướng và phát triển văn hóa, các anh không xứng đáng với vị trí đó”.

Ông đánh giá những câu chuyện như vậy được hợp thức hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng “có tác động ghê gớm tới công chúng, nhất là giới trẻ, để lại tác hại lâu dài. Ta cần phê phán, lên án, xử lý, hạn chế những hiện tượng phản văn hóa, trái với tiến bộ xã hội như vậy”. Đồng thời, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh, cũng cần hoàn thiện chế tài, đưa ra khung pháp lý để xử lý, giải quyết. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI