Không sinh con trai sẽ ly hôn - "Hành lý tình yêu" dựa vào đâu để gán ghép cho Huế?

03/12/2021 - 17:05

PNO - Ngày 3/12, Công Hoàng (30 tuổi) - diễn viên bán chuyên đang sống tại TPHCM - đã quay clip gửi lời xin lỗi đến người dân Huế.

Trong clip Hoàng chia sẻ: "Vừa rồi, em có tham gia gameshow Hành lý tình yêu  được phát sóng trên VTV3, em có phát ngôn theo quan điểm cá nhân không đúng thuần phong mỹ tục của người Huế gây ra sự bức xúc đến với bà con người Huế. Mọi lỗi lầm em xin nhận hết về mình, họ hàng và gia đình không biết về nội dung em phát ngôn trên sóng truyền hình.

Công Hoàng lúc tham gia gameshow Hành lý tình yêu
Công Hoàng lúc tham gia gameshow Hành lý tình yêu - Ảnh: Chụp từ màn hình

Nhân dịp này, Hoàng muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến khán giả và những khán giả ở Huế, vì những phát ngôn của bản thân đã ảnh hưởng lớn đến người dân. Qua đây, Hoàng xin hứa từ nay sẽ tham gia các dự án có chọn lọc kỹ về nội dung, tránh ảnh hưởng đến gia đình và quê hương".

Công Hoàng có quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế và theo bố mẹ vào sống tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu từ nhỏ. Hiện Hoàng đang sống và làm nghệ thuật tại TPHCM.

Công Hoàng có những phát ngôn trong chương trình đã 'bôi nhọ' văn hóa Huế
Công Hoàng có những phát ngôn trong chương trình đã "bôi nhọ" văn hóa Huế

Bức xúc trước ê kíp làm phim trên trang Facebook của nhiều người Huế đều cho rằng cả VTV3 và ê kíp làm chương trình cũng như nhà sản xuất chương trình đã “nợ người Huế một lời xin lỗi tử tế”. Bởi lẽ giữa lúc cả đất nước đang gồng mình chống dịch COVID-19 thì VTV3 phát sóng một gameshow với tên gọi “Hành lý tình yêu”. Một gameshow được dàn dựng để vui nhưng mắc sai lầm nghiêm trọng khi đã mang văn hoá Huế ra làm trò đùa.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, chị Đặng Thị Nga ở TP. Huế cho biết, nếu không ngăn chặn những game show kiểu này từ đầu thì có thể một ngày nào đó văn hoá của đất nước Việt Nam cũng sẽ bị những game show xúc phạm để thu lợi nhuận.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa

Chàng trai Công Hoàng được đạo diễn Lê Hoàng chọn làm nhân vật chính trong game show đóng vai con trai Huế đó thực sự là một người chuyên diễn trên rất nhiều game show khác nhau. Từ nhỏ Công Hoàng sống ở Bình Châu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu chứ không phải sống tại Huế. Trong các gameshow Công Hoàng phát âm nhiều giọng khác nhau tuỳ vào từng vai diễn, vì vậy nghe giọng Công Hoàng trong gameshow này là giả giọng Huế.

Đạo diễn Lê Hoàng cũng đã diễn khá lố khi mắng diễn viên Công Hoàng té tát và giãy nảy trên sàn diễn y như cảm xúc thật! “

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Xuân Hoa, Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng đây là chương trình giải trí thiếu chiều sâu về văn hóa, chỉ mang tính hời hợt nhằm câu view, thu hút người xem. Vì vậy, hiện tượng mà chương trình đưa ra để phê phán đã bị đẩy lên quá mức, hoàn toàn không phải là hiện tượng thực tế của xã hội.

Họ nghĩ rằng Huế là cố đô, là vùng đất cổ xưa nên gán vào với những hiện tượng cổ hủ, lạc hậu mà thực ra họ không hiểu được những giá trị văn hóa, tinh hoa dân tộc đã được kết tinh trên vùng đất này. “Họ gán ghép hiện tượng lạc hậu thực sự không hiện diện, không có trong đời sống hiện nay. Đó là sự cổ hủ của một thời rất xưa, không phải chỉ có ở Huế mà trong toàn xã hội Việt Nam phong kiến. Bây giờ cuộc sống đã vượt qua, nhận thức xã hội đã thay đổi, hiện tượng mong muốn sinh con trai nối dõi tông đường chỉ còn đọng lại ở mức độ rất nhỏ và chỉ trong tâm thức người Việt. Dù ở đâu, khi sinh được con trai thì đều vui mừng bởi họ nghĩ dòng dõi được tiếp nối, nhưng nếu không sinh con trai thì họ vẫn rất quý trọng con gái. Quan điểm “không sinh con trai sẽ ly hôn” không mang tính đại diện, nhưng kịch bản đưa ra điều này như là hiện tượng của người Huế, gây sự phản ứng trong cộng đồng”, ông Hoa bày tỏ.

Chạp giổ ở  Huế không có chuyện phân biệt mâm trên, mâm dưới, Ảnh: Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh
Chạp giỗ ở một họ tộc xứ Huế  không có chuyện phân biệt phụ nữ ngồi mâm trên, mâm dưới - Ảnh: Tư liệu Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh

Huế không phải là vùng đất trọng nam khinh nữ mà chính là vùng đất xiển dương vị thế của phụ nữ trong xã hội từ rất sớm. Cách đây hơn 100 năm, nơi đây đã có trường Nữ sinh Đồng Khánh; rồi xuất hiện tầng lớp phụ nữ trí thức, có tiếng tăm và vị thế trong xã hội xưa như: Đạm Phương nữ sử, bà Nguyễn Đình Chi… cho đến nhiều nữ trí thức tiêu biểu ngày nay. “Chương trình được phát sóng ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc không lâu, khi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải “chấn hưng văn hóa dân tộc”. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của cố đô Huế phải được bảo tồn và phát huy, nhưng đằng này họ lại gán ghép với phong tục cổ hủ, đi ngược hoàn toàn với chấn hưng văn hóa”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

Được biết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế hiện đã có báo cáo đến Ban Tuyên giáo Trung ương xung quanh vụ việc của chương trình gameshow Hành lý tình yêu (phát sóng tối 29/11 trên VTV3), và đề nghị chỉ đạo chấn chỉnh chương trình.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI