Cẩn thận với bài thuốc trị sán dải heo

25/03/2019 - 10:00

PNO - Nhai nuốt quả keo, ăn quả trâm bầu, giã tỏi hòa với dầu hỏa rồi bôi xung quanh hậu môn của trẻ… là những bài thuốc xổ sán dải heo truyền miệng đang được các bà mẹ chia sẻ “tích cực” trên mạng.

Tuy nhiên, dược sĩ y học dân tộc khuyên rằng nên đi khám và xổ sán theo chỉ định của bác sĩ Tây y để tránh nguy hiểm.

Hiện nay, trên mạng xã hội các bà mẹ đang lan truyền, chỉ cho nhau cách xổ sán dải heo cho con theo lối dân gian. Chị P.T.M. chia sẻ trên trang Facebook về cách điều trị sán dải heo bằng cách: cứ cho trẻ nhai quả keo và nuốt vào bụng sẽ khiến con sán dải heo bị say, tự thả móc trôi ra ngoài khi trẻ đi tiêu. 

Can than voi bai thuoc tri san dai heo
Ăn thịt chín, có nguồn gốc rõ ràng phòng tránh nhiễm sán dải heo

Còn chị P.K.D. chia sẻ từ một diễn đàn về mẹ và bé những cách tẩy giun, xổ sán không cần dùng thuốc tây: đun lá sử quân tử uống, ăn trái trâm bầu, ăn hạt bí ngô. Một bà mẹ khác còn bày cách dụ sán xơ mít theo lối dân gian là giã tỏi hòa với dầu hỏa rồi bôi xung quanh hậu môn của trẻ, không chỉ sán mà các loại giun đũa, giun kim cũng theo đó mà tự chui ra ngoài.

Để hỗ trợ cho phương pháp bôi dung dịch dầu hỏa với tỏi vào hậu môn thì còn cần cho bé ăn cả tỏi sống để “nội ứng ngoại hợp”. Theo chị này, tỏi có tính chất sát trùng nên ký sinh trùng rất kỵ. Nhìn chung, những bà mẹ nói trên đều cho rằng xổ giun sán bằng cây trái rất lành tính, không hại gan thận như thuốc Tây. 

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Trần Văn Trễ - nguyên Trưởng khoa Dược, Viện Y dược học TP.HCM - nói: “Tôi khuyên mọi người nên đi khám và xổ sán theo chỉ định của bác sĩ Tây y, vì Tây y đã nghiên cứu và xác định được hiệu quả rõ ràng cũng như cách định lượng sao cho phù hợp”.

Can than voi bai thuoc tri san dai heo
 

Dược sĩ Trễ không phủ nhận công dụng với giun sán của một số cây lá nhưng ông nhấn mạnh: đừng nghĩ thảo dược dân gian là an toàn. Nếu uống vào mà làm độc con giun sán, khiến giun sán chết tức là cũng có độc với người, giun sán say thì người cũng say. Không có một công thức chung nào cho tất cả, thể trạng mỗi người một khác, dùng thảo dược theo kiểu truyền miệng tự phát rất nguy hiểm.

Dược sĩ Trễ và các đồng nghiệp cũng từng mất 5 năm nghiên cứu về quả trâm bầu làm thuốc xổ giun sán, tuy nhiên quả này có độc. Hiệu quả tẩy giun chỉ đạt khoảng 30% nhưng 15% bệnh nhân bị nấc cụt - một phản ứng phụ do độc chất trong trái trâm bầu gây ra.

Hoặc đối với lá sử quân tử, mặc dù trên sách vở vẫn ghi loại thảo dược này có tính năng tẩy giun sán nhưng ngày nay trong Đông y các thầy thuốc cũng không còn sử dụng vì có độc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Liên quan tới phương pháp bôi dung dịch tỏi pha với dầu hỏa vào xung quanh hậu môn để dụ sán chui ra ngoài, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh cảnh báo đây là cách thức phản khoa học.

Tại phòng khám da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Thanh đã gặp vài bệnh nhân do bôi thuốc tự chế vào hậu môn, kết quả vùng da nơi ấy bị kích ứng, lở loét, thậm chí nứt hậu môn.

Can than voi bai thuoc tri san dai heo
 

Theo bác sĩ Thanh, sán dải heo thân có rất nhiều đốt, đốt đầu là cơ quan chỉ huy, có nhiều móc, nhiều trấu ngược chiều với phần thân. Bình thường, dù không làm gì thì khi ngâm nước ấm hoặc theo nhu động ruột các đốt sán vẫn tự tuột ra ngoài nhưng cái đầu vẫn bấu chắc vào thành ruột và tạo ra những đốt thân mới.

Không cần làm xét nghiệm, chỉ cần quan sát phân nếu có các đốt sán sẽ nhận biết được rõ ràng. Lúc này mọi người hãy đi khám, có thể bác sĩ sẽ cho làm thêm huyết thanh chẩn đoán.

Đối với sán dải heo, thuốc tẩy giun thông thường không đạt hiệu quả. Bác sĩ sẽ kê thuốc tẩy giun sán đặc hiệu, làm con sán chết theo cơ chế tê liệt thần kinh, sau đó men tiêu hóa trong ruột sẽ tự tiêu hủy. Bằng cách đó mới diệt sán dải heo triệt để, không có con sán nào chỉ nhờ bôi tỏi pha dầu hỏa vào hậu môn mà tự quay đầu chui ra. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI