Cần sớm có giải pháp bảo vệ người, bảo tồn voi

15/12/2022 - 06:29

PNO - Tỉnh Nghệ An hiện có 5 đàn voi với khoảng 16 con, là tỉnh có số voi hoang dã lớn thứ ba cả nước, sau tỉnh Đắk Lắk và Đồng Nai. Tuy nhiên, trong số 5 đàn thì có đến 3 đàn không còn khả năng phát triển do thiếu voi đực.

 

Ở huyện miền núi Quỳ Châu của tỉnh Nghệ An, voi thường rời rừng, ra phá lúa, hoa màu của dân, thậm chí vào từng nhà lục tìm thức ăn. Voi vào làng ngày càng dày lần hơn và tỏ ra lì lợm hơn, không còn sợ tiếng chiêng, mõ.

Đàn voi gồm 2 con cái liên tục vào khu dân cư, khu canh tác của người dân xã Châu Phong để kiếm ăn - ẢNH: KHÁNH TRUNG
Đàn voi gồm 2 con cái liên tục vào khu dân cư, khu canh tác của người dân xã Châu Phong để kiếm ăn - Ảnh: Khánh Trung

Voi vào tận nhà tìm thức ăn 

Trở về sau gần 1 ngày băng rừng tìm dấu vết đàn voi, ông Vi Đức Thuận - 54 tuổi, ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu - cho hay, đàn voi đã đi sâu vào rừng gần chục cây số, không còn đe dọa đến người dân. 
Ông Thuận là 1 trong 5 người trong tổ xua đuổi voi rừng của xã Châu Phong.

Mỗi tuần vài lần, ông cùng các thành viên trong tổ đi vào rừng kiểm tra, xác định vị trí của đàn voi để kịp thời báo cho người dân địa phương biết, đề phòng. Ông nói: “Voi rất hay ra khỏi rừng, làm hư hỏng lúa, hoa màu của người dân. Chúng vào tận nhà dân mò tìm thức ăn. Chúng tôi đã tìm đủ cách xua đuổi nhưng chúng không sợ nữa”.

Chỉ vào cánh cửa sổ xộc xệch, sắp rơi sau khi bị voi quật, chị Lương Thị Thái - ở bản Đôm 1, xã Châu Phong - kể, lúc đó là rạng sáng 10/12, vợ chồng chị đang ngủ thì nghe tiếng động lạ. Khi bật dậy kiểm tra, chị thấy con voi rừng đang dùng vòi cố giật tung cửa sổ. Vợ chồng chị Thái không dám mở cửa để ra ngoài hô hoán, đành nín thở cầu cho con voi không phá cửa chính, xông vào nhà. Sau khi phá cửa một lúc, con voi này tiếp tục đi sang nhà anh Lương Văn Mai. 

Lúc này, vợ chồng anh Mai cũng đang ngủ. Con voi đi thẳng vào nhà bếp lục lọi rồi dùng vòi quật vỡ hũ hèm dùng để nấu rượu. Hàng trăm người dân cùng lực lượng của Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu và tổ xua đuổi voi xã Châu Phong đã đến bản Đôm 1 để xua đuổi voi. Họ gom củi đốt lửa, gõ chiêng, dùng loa hò hét, thậm chí bấm còi hụ nhưng không ăn thua. 

Sau khi ăn hết hũ hèm, con voi này tiếp tục thong dong qua nhà bên cạnh lục lọi và ăn chuối ngay hiên nhà. Mãi đến gần sáng, người dân mới đuổi được con voi này vào rừng khi nó đã ăn no nê đủ thứ trong nhà dân. Theo người dân địa phương, đây là con voi mẹ trong đàn voi chỉ có 2 con, sống ở những cánh rừng tự nhiên của xã Châu Phong, Châu Hạnh. 

Trước đó, rạng sáng 8/12, con voi con cũng tách khỏi mẹ, tìm đến trang trại của bà Vi Thị Hùng - 65 tuổi, ở xã Châu Phong - kiếm ăn. Sau khi vào nhà bếp lục lọi, hất chiếc máy cắt cỏ văng xa hơn 30m, con voi này tiến đến nơi vợ chồng bà Hùng đang ngủ khiến bà phải chạy về làng (cách đó chừng vài trăm mét) kêu cứu. 

Chồng bà Hùng bị dị tật ở chân nên không thể chạy. Con voi vẫn đứng chình ình trước cửa chòi. Dân làng đã tìm nhiều cách xua đuổi nhưng voi vẫn không đi. Sợ nguy hiểm, họ phải dùng thang đưa chồng bà Hùng thoát ra ngoài bằng lối sau căn chòi.

Ông Vi Đức Thuận nói: “Hai mẹ con con này thường đi cùng nhau nhưng không hiểu sao lần này, chúng tách ra”. Đến sáng 9/12, con voi con hơn 30 tuổi này tiếp tục đến Tỉnh lộ 544, thong dong đi giữa đường khiến mọi người không dám chạy xe qua.

Cách xã Châu Phong chừng vài chục cây số, trong vài tháng qua, con voi cái già cũng đã 3 lần về xã Nam Sơn, quật chết 1 con bò, phá hỏng nhiều héc ta lúa và đồ đạc của người dân. UBND các xã này phải lập tổ phản ứng nhanh để xua đuổi voi, đồng thời tuyên truyền để người dân không làm tổn thương voi khi chúng ra khỏi rừng. 

Voi rừng không còn sợ người 

Ông Nguyễn Văn Tráng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết, sau khi địa phương này xây hào ngăn voi, việc voi tiến sát khu dân cư đã giảm đáng kể. Đàn voi 8 con được ghi nhận ở xã Phúc Sơn là đàn voi lớn nhất và có khả năng tăng số lượng nhất ở tỉnh Nghệ An do có cả voi cái lẫn voi đực. 

Con voi cái hơn 30 tuổi thong dong đi dạo trên tỉnh lộ khiến người đi đường bất an  - ẢNH: KHÁNH TRUNG
Con voi cái hơn 30 tuổi thong dong đi dạo trên tỉnh lộ khiến người đi đường bất an - Ảnh: Khánh Trung

Ông nói: “Mùa này thiếu thức ăn nên đàn voi thường xuyên ra khỏi rừng, phá hoại hoa màu của dân. Chúng tôi phát loa đề nghị người dân cảnh giác, đồng thời tránh làm hại đến đàn voi”.

Một cán bộ kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho hay, voi về bản phá hoa màu là do môi trường sống của chúng bị thu hẹp, các khu rừng nguyên sinh bị chuyển thành đất sản xuất khiến voi thiếu hành lang di chuyển, thiếu thức ăn. Ngoài ra, một số con voi thiếu bạn tình nên vào mùa động dục, chúng đi tìm và thường trở nên hung dữ. 

Mỗi tháng, Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu phải mang hơn 200kg muối trắng rải ở những nơi mà voi rừng thường đi qua ở trong rừng, cách xa khu vực canh tác của người dân để giúp voi không bị thiếu muối.

Ông Lê Xuân Đình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu - cho biết, trước đây, đàn voi ở huyện này khá đông, nhưng bị sát hại dần nên nay chỉ còn 1 mẹ, 1 con cái. Mỗi con voi thường có tuổi thọ khoảng 100 năm. Do không có voi đực nên trong tương lai, đàn voi 2 con này sẽ không còn. 

“Biết là nguy hiểm nhưng phải chấp nhận sống chung với voi thôi, không còn cách nào khác. Biện pháp xua đuổi voi vào rừng là đánh trống, khua chiêng, đốt lửa” - ông Lê Xuân Đình nói. Nhưng ông cũng cho hay, voi đã lờn với những cách này, không còn sợ hãi bỏ chạy như trước nữa. Ông nói thêm, để bảo tồn cặp voi rừng và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân, hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền về các kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng xua đuổi voi.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án khẩn cấp bảo tồn voi và một trong những nhiệm vụ khẩn cấp là di chuyển, nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ hoặc đàn voi không đủ đực, cái. Nhưng đến nay, ngành kiểm lâm vẫn chưa tìm ra cách hiệu quả để voi nhập đàn. Phương án tốt nhất là di chuyển những con voi đơn lẻ về nhập vào đàn voi ở vườn quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rừng rộng lớn, có chức năng bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Bà Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An - cho biết, phương án này tốt nhưng rất khó thực hiện do vùng sinh thái mới có thể không hợp với voi hoặc voi không hòa nhập được với đàn mới. Để di chuyển voi rừng, phải bắn thuốc mê. 
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Cường - Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát - cho rằng, phương pháp bắn thuốc mê cũng không mấy hiệu quả, ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng chưa thành công: “Để di chuyển voi thì biện pháp duy nhất là bắn thuốc mê, nhưng thuốc mê phải mất 40 phút mới có tác dụng. Khi đó, voi đã chạy vào rừng mất rồi”. 

Mục tiêu của dự án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020 (do UBND tỉnh Nghệ An lập) là giữ nguyên hiện trạng và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, ngăn chặn xung đột giữa voi và người. Trong quá trình triển khai dự án, các địa phương đã xây được 4km hào ngăn voi, hơn 28km đường tuần tra bảo vệ rừng, 3 trạm dừng chân trên các tuyến tuần tra.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát - cho biết, đến nay dự án mới chỉ được bố trí hơn 20 tỉ trong tổng số 86 tỉ đồng nguồn vốn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. “Hiện tỉnh Nghệ An đã đồng ý cho điều chỉnh dự án đến năm 2025. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để điều chỉnh một số nội dung như việc tuần tra, theo dõi di chuyển của voi, tuyên truyền để người dân bảo vệ voi” - ông Cường nói.

Theo đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quần thể voi hoang dã tại 3 tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai cần phải được bảo tồn. Sau đó, đề án được điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2025 đồng thời bổ sung thêm dự án bảo tồn voi hoang dã khẩn cấp tại Hà Tĩnh và Quảng Nam.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI