Căn phòng hạnh phúc của nữ phạm nhân: Trải lòng của cán bộ trại giam

04/11/2016 - 07:00

PNO - Ông T. cho rằng căn phòng hạnh phúc có vai trò lớn trong việc thúc đẩy quá trình cải tạo có mục đích, hướng về gia đình của các phạm nhân.

Từ khi Dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân… của Bộ Công an được công bố đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, tại điều 5, chương 2 có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng không quá 24h, nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Phòng hạnh phúc giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn

Trước Dự thảo mới của Bộ Công an, PV đã có cuộc trao đổi với ông T. - một cán bộ Trại giam Nam Hà (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để hiểu rõ hơn về việc áp dụng chính sách được nhiều ý kiến đánh giá là nhân văn này.

Thực tế chứng kiến, tiếp xúc với các phạm nhân, nên ông T. hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Với nhiều năm kinh nghiệm của mình, vị cán bộ nhận định: "Con người ai cũng có những ham muốn.

Can phong hanh phuc cua nu pham nhan: Trai long cua can bo trai giam
Việc phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: TTO

Tuy nhiên, theo quy định để phạm nhân có thể được gặp vợ, người nhà tại căn phòng hạnh phúc thì họ phải đạt được những điều kiện, tiêu chuẩn nhất định mới được phép làm như vậy. Ai cũng có nhu cầu, đó không phải là cái gì cao sang cả".

Ông T. cho rằng "căn phòng hạnh phúc" có vai trò lớn trong việc thúc đẩy quá trình cải tạo có mục đích, hướng về gia đình của các phạm nhân.

"Bản thân họ đã phấn đấu rất tốt để có thể được gặp riêng người thân và sau đó họ còn làm tốt hơn nữa. Điều này cũng sẽ tác động tới tâm lý của phạm nhân một cách tích cực chứ không thể kém đi", ông T. nhận xét.

Cũng theo vị cán bộ Trại giam Nam Hà, ngoài việc đáp ứng những nhu cầu sinh lý của con người, các phạm nhân sẽ còn muốn phấn đấu cho những lần sau và sống có mục đích.

Phạm nhân không bị tước bỏ tất cả

Nói về việc quản lý, giám sát việc thực thi chính sách được nhiều người đánh giá là nhân văn, ông T. chia sẻ, các cán bộ trại giam sẽ căn cứ vào thái độ, ý thức chấp hành, cải tạo, thi đua của các phạm nhân như thế nào để có thể quyết định cho từng trường hợp của phạm nhân. Ngoài ra còn rất nhiều tiêu chí, yếu tố khác để đánh giá phạm nhân.

Chia sẻ thêm, vị cán bộ công an cũng cho hay, tại trại giam Nam Hà, cũng có nhiều trường hợp vợ đưa cả con vào gặp bố nhưng đa phần gặp tại phòng riêng như vậy chỉ là vợ gặp chồng.

Trước các ý kiến lo ngại về trường hợp các ông chồng có thể gặp riêng các phạm nhân nữ vấn đề tránh thai sẽ trở nên khó kiểm soát, ông T. cho rằng, vấn đề đó thực sự không đáng lo ngại.

"Với sự tiến bộ của khoa học, hiện nay những biện pháp tránh thai trở nên đơn giản hơn nhiều, việc này cũng không thể đánh giá chủ quan. Đương nhiên, các cơ quan thi hành sẽ phải có trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện cam kết", ông T. bày tỏ quan điểm.

"Đối với các bị can tạm giam, tạm giữ vẫn có thể tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội, đây cũng là một trong những lĩnh vực mà pháp luật quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền con người.

Trong trại giam các phạm nhân chỉ bị tước bỏ một số quyền chứ không phải là tước bỏ tất cả. Ví dụ như người ta vẫn được học văn hóa, xem ti vi, tham gia nhiều hoạt động,...", vị cán bộ Trại giam Nam Hà chia sẻ.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI