Cần nhiều 'bánh mì thanh long' hơn nữa

26/02/2020 - 17:01

PNO - Khi người tiêu dùng xếp hàng chờ mua bánh mì thanh long với giá cao hơn bánh mì thông thường, vị thế của thanh long đã khác hẳn so với khi loại nông sản này chất đống, chờ người tới “giải cứu” với giá rẻ bèo. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các sản phẩm chế biến để nâng giá trị nông sản, thay vì cứ mãi xuất thô.

Bánh mì thanh long
Bánh mì thanh long

Chế biến để nâng giá trị nông sản 

Theo công thức mà ông Kao Siêu Lực - chủ hệ thống ABC Bakery - công khai khi làm món bánh này, tỷ lệ thanh long trong bánh mì  không nhiều. Nếu muốn giải cứu thanh long, mua vài chục ổ bánh mì loại này cũng chỉ "giải cứu" chưa tới 1kg thanh long. Tuy nhiên, câu chuyện này đưa đến một cách nhìn khác, một hướng khác về việc tạo giá trị cho các loại nông sản, để không cần phải kêu gọi giải cứu. Nếu các loại nông sản này trở thành những món ăn lạ, có yếu tố đặc biệt, người mua sẽ tự tìm đến chúng chứ không lệ thuộc quá nhiều vào thương lái.

Đây không phải là lần đầu, một loại nông sản bình thường khiến người tiêu dùng trong nước đổ xô tìm mua khi được chế biến khác đi. Hơn một năm trước, nhiều người cũng lùng mua "fast food cá tra" (thức ăn nhanh chế biến từ cá tra) của một doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre. Chủ doanh nghiệp này cũng không ngờ sản phẩm của họ lại được đón nhận nồng nhiệt  đến vậy. Cá tra vốn chỉ được kho, chiên, nấu canh, hoặc cao lắm thì làm thành viên trong những món ăn bình dân, nhưng khi được chế biến thành fast food kiểu Tây, vị thế của nó khác hẳn. Nhiều người không nhận ra đó là cá tra mà tưởng đó là sản phẩm của KFC, McDonald’s… Thói quen tiêu dùng nhanh trong nhịp sống hiện đại khiến những sản phẩm mới lạ, độc đáo, nhanh gọn dễ được chấp nhận hơn.

Mười hai năm trước, ông Philip Kotler - một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới - đã phát biểu trong một hội thảo ở TPHCM: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp từ các nước cũng đã đưa ra lời khuyên tương tự khi biết Việt Nam có rất nhiều nhóm nông sản xuất khẩu đứng hàng nhất nhì thế giới, trong khi văn hóa ẩm thực lại vô cùng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhà sản xuất Việt biến những sản phẩm thông thường thành sản phẩm chế biến theo quy trình công nghệ bài bản. Nông sản vẫn chỉ được xuất thô, buôn bán qua thương lái và lệ thuộc vào một thị trường.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu thông qua đúng lúc hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm do việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị dịch COVID-19 làm gián đoạn. Nhiều người đánh giá hiệp định này mở ra cơ hội để các mặt hàng nông sản Việt Nam vào châu Âu nhiều hơn, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp ngành nông sản hiểu rõ rằng, châu Âu có thể xóa bỏ thuế các loại nông sản nhưng rất khó vượt qua hàng rào phi thuế quan khắt khe (tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kỹ thuật chế biến, truy xuất nguồn gốc).

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - thông tin, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có hơn 9.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận thị trường châu Âu. Gần đây, nhiều người trẻ chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp, nhưng hầu hết chỉ tập trung vào nuôi trồng, ít có dự án chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Những sản phẩm nuôi trồng cũng phải đối diện với khó khăn về đầu ra như mọi nông dân khác.

Làm khác được không?

Ông Nobuyoshi Kan - Trưởng đại diện Công ty Ocean Trading (Nhật Bản) tại Việt Nam - tiết lộ, người tiêu dùng Nhật rất chuộng các sản phẩm từ cá tra. Chỉ số dinh dưỡng trong cá tra không thấp hơn so với cá tầm, cá hồi. Trong khi người Việt thích chế biến tươi, người Nhật thường mua các sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền hoặc xử lý nhanh qua lò vi sóng. Ông Kan cho rằng, xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam đang thay đổi do ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, nên có thể tạo ra giá trị mới cho cá tra nếu chế biến thành những sản phẩm tiêu dùng nhanh.

Thực ra, trong nhiều ngành hàng nông sản hiện có, cũng đã xuất hiện những cách làm mới, khác hoàn toàn với số đông. Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản tại TPHCM chia sẻ, ông khá thành công khi biến trứng gà tươi thành bột trứng. Thấy nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước hằng năm bỏ ra không ít tiền để nhập bột trứng về làm các sản phẩm như bánh kẹo, đồ hộp, trong khi có những tháng, trứng gia cầm rớt giá, người nuôi không bán được, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi phải âm thầm đem đổ bỏ. Ông mua máy móc, công nghệ về sản xuất bột trứng, vừa giải quyết được đầu ra cho nông dân lẫn đầu vào cho các đối tác. 

Trong khi hồ tiêu những năm gần đây liên tục rớt giá (hiện chỉ còn 38.000 đồng/kg), một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn xuất khẩu những sản phẩm hồ tiêu có giá lên đến 22 triệu đồng/kg, bán trong nước cũng 15 triệu đồng/kg. Đó là sản phẩm tiêu Bầu Mây của nông dân Lâm Ngọc Nhâm. Anh Nhâm chọn trồng giống tiêu địa phương và chăm sóc tiêu bằng loại phân tự chế từ cua, trứng và sữa; chọn thu hoạch khi hạt đạt chất lượng tốt nhất. Anh tạo ra 16 sản phẩm hạt tiêu khác nhau như tiêu đỏ, tiêu không hạt, tiêu tươi và tiêu xanh. Anh còn chế biến loại tiêu không hạt thành thực phẩm chức năng, ăn như kẹo, chia sản phẩm ra nhiều dòng theo độ cay, phù hợp từng độ tuổi khác nhau, xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Phạm Thị Thu Hằng - CEO Công ty cổ phần Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch  Bầu Mây, là vợ của anh Nhâm - cho biết, vợ chồng chị còn trồng cây hoài sơn (khoai mài) cộng sinh với cây tiêu rồi lấy củ hoài sơn chế ra loại bột dành cho những người ăn kiêng. Theo chị Hằng, nếu tiêu rớt giá, vẫn còn sản phẩm từ cây hoài sơn.
Để có thêm nhiều sản phẩm như bánh mì thanh long, fast food cá tra, bột trứng, tiêu không hạt, ngoài sự sáng tạo của người dân, chủ doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như về vốn, thị trường từ cấp trung ương. 

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI