Cần chế tài mạnh để ngăn Netflix xuyên tạc, sai phạm

13/10/2022 - 05:51

PNO - Tình trạng Netflix phát hành phim có tình tiết, nội dung xuyên tạc lịch sử, sai sự thật về Việt Nam đã kéo dài suốt hơn sáu năm qua. Mới đây, nền tảng này tiếp tục có phim Little Women bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu gỡ bỏ. Vì sao tình trạng này cứ kéo dài?

Vi phạm chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử Việt Nam 

Trước Little Women, Netflix từng có ba lần chiếu những bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 5/2020, Put Your Head on My Shoulder (tựa Việt: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) có hình ảnh “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Sau đó 5 tháng, bộ phim Madam Secretary (tựa Việt: Bà ngoại trưởng) cũng gặp vấn đề tương tự. Tiếp đó, vào tháng 5/2021, Pine Gap tiếp tục có những nội dung, hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đáng nói, những lần sai phạm này đều gần như mắc cùng một lỗi và diễn ra liên tục. Phải chăng Netflix không hề rút được kinh nghiệm nào từ những lần mắc lỗi trước đó, hay những lời xin lỗi sau đó của Netflix chỉ là cho có?

Little Woman - bộ phim mới nhất phát sóng trên nền tảng Netflix bị yêu cầu gỡ bỏ vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam - ẢNH: INTERNET
Little Woman - bộ phim mới nhất phát sóng trên nền tảng Netflix bị yêu cầu gỡ bỏ vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam - Ảnh: Internet

Trong tất cả các trường hợp nêu trên, mọi chuyện đều được đặt vào tình thế đã rồi. Phim chiếu, khán giả phát hiện sai phạm thì Netflix xin lỗi và gỡ khỏi kho ứng dụng nội dung tại Việt Nam. Với tình trạng như hiện nay, không ai dám chắc, trong tương lai Netflix có tiếp tục vi phạm hay không. Ở bình diện khác, các sản phẩm nội dung này vẫn được phát sóng trên toàn cầu, tạo nên cái nhìn sai lệch về Việt Nam.

Một vấn đề được đặt ra suốt nhiều năm qua: Vì sao đến nay, Netflix vẫn chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, trong khi nền tảng này hiện đang có gần 200.000 người dùng? Điều này gây thất thu thuế cho Nhà nước, vừa đặt cơ quan quản lý vào tình trạng “cầm dao đằng lưỡi”. Khi Netflix có sai phạm, cơ quan quản lý không thể áp dụng những chế tài cần thiết - hình thức mà các doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh sản phẩm trực tuyến trong nước Việt Nam đang chịu quản lý.

Đừng để trở thành tiền lệ xấu!

Bên cạnh Netflix, Việt Nam hiện có khá nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới thu tiền thuê bao định kỳ như: iFlix (Malaysia), Apple TV (Mỹ), WeTV, IQIYI (Trung Quốc)… Việc Netflix không đăng ký kinh doanh ở Việt Nam và liên tục có những sản phẩm vi phạm, xuyên tạc đã, đang và sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, nếu cơ quản quản lý không có các biện pháp chế tài nghiêm khắc.

Xét về tiềm lực tài chính và độ phong phú của kho nội dung, ưu thế trên thị trường OTT rõ ràng thuộc về các công ty nước ngoài. Các DN OTT Việt Nam đang chấp hành sự quản lý về nội dung rất chặt chẽ với hội đồng phân loại phim riêng, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí trong khi các OTT nước ngoài thì không.

Madam Secretary
Madam Secretary  có hình ảnh “đường lưỡi bò” trên Biển Đông được chiếu trên Netflix

“Khoan bàn đến chuyện bảo hộ DN trong nước, chúng tôi chỉ muốn và cần có sự bình đẳng về nội dung, chính sách thuế, và các chính sách có liên quan giữa OTT trong nước và nước ngoài” - đại diện một DN OTT Việt Nam chia sẻ. Đây không phải lần đầu tiên, câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh và không công bằng được đặt ra. Vấn đề này không chỉ được các đơn vị kinh doanh nội dung trên nền tảng số trong nước kiến nghị nhiều lần, mà cơ quan quản lý cũng đã nhận thấy, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp phù hợp. 

Nhiều quốc gia mà Netflix không đăng ký kinh doanh (tương tự như Việt Nam) đã áp dụng những chế tài đặc biệt để quản lý. Chẳng hạn, tại Indonesia, Telekom Indonesia - nhà mạng lớn nhất của quốc gia này - đã chủ động chặn Netflix nhằm buộc công ty này tuân theo các quy định về kiểm duyệt cũng như phải xin giấy phép hoạt động. Tại châu Phi, Ủy ban Xếp loại phim ảnh Kenya (KFCB) cũng kiên quyết chặn Netflix nếu công ty này không đăng ký kinh doanh…

Sai phạm lần này của Netflix tại Việt Nam một lần nữa cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý các nền tảng internet xuyên biên giới. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ người xem (trước những nội dung sai lệch và cả việc bảo vệ thông tin cá nhân), mà còn bảo vệ các DN OTT trong nước. 

Cũng cần nói thêm rằng, ở thị trường Mỹ và châu Âu, Netflix đang có sự tăng trưởng chậm lại và chịu sự cạnh tranh của những nền tảng mới nổi như Disney+ hay Amazon (năm 2021, đơn vị này đã chi 8,45 tỷ USD mua hãng phim MGM chuẩn bị cho cuộc đua OTT). Việc Netflix tăng cường mở rộng thị phần sang các quốc gia châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á - vốn có ưu thế về dân số trẻ và lượng người dùng các thiết bị công nghệ là điều nền tảng này theo đuổi. Vì vậy, việc áp dụng chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng “lờn mặt” của Netflix là rất cần thiết. 

Nhã Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI