PNO - Thời gian qua, hòa chung vào không khí cả nước cùng chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhiều văn nghệ sĩ, từ những tên tuổi dạn dày kinh nghiệm đến những người mới, có nhiều cơ hội tham gia các tác phẩm hướng đến dịp kỷ niệm ý nghĩa. Dù khó khăn, vất vả như thế nào, người nghệ sĩ đều khát khao sáng tạo ghi dấu ấn đặc biệt tri ân những người đã làm nên 1 Việt Nam thống nhất, tự cường hôm nay.
NSƯT Hạnh Thúy: mong muốn góp phần xây dựng ký ức lịch sử cho khán giả
10 năm trước, NSƯT Hạnh Thúy góp mặt trong đoàn văn nghệ sĩ diễu hành, năm nay, chị biểu diễn chương trình nghệ thuật mở đầu lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Được gặp gỡ, trò chuyện cùng nhiều nhân chứng lịch sử những ngày này làm chị xúc động và thêm nung nấu phải tiếp tục lan tỏa niềm tự hào và tình yêu Việt Nam theo cách của mình. “Ngày xưa, các cụ góp sức, góp thanh xuân, góp máu xương dựng xây đất nước thì bây giờ, mình là nghệ sĩ thì chỉ có thể góp 1 tiếng nói trong lành, góp 1 cái nhìn trong trẻo, góp phần tái hiện lịch sử đầy tự hào đó và lan tỏa đến mọi người” - Hạnh Thúy chia sẻ.
NSƯT Hạnh Thúy (phải) là đạo diễn và tham gia 1 vai trong vở Những cánh hoa trinh trắng, đạt huy chương bạc Liên hoan Sân khấu TPHCM 2024 - Ảnh: Linh Đoan
Hạnh Thúy đã thực hiện vở kịch Những cánh hoa trinh trắng về sự hy sinh của đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ (Hà Nam) trong những trận bom oanh tạc của không quân Mỹ (năm 1966-1967) từ chính tinh thần đó. “Tôi luôn yêu cầu học trò phải làm 1 vở lịch sử khi tốt nghiệp. Quá trình làm vở là để các bạn tìm hiểu về lịch sử và thông qua đó góp phần xây dựng ký ức lịch sử cho khán giả. Những cánh hoa trinh trắng được tác giả Lê Chí Trung và Tạ Tuấn Minh viết rất hay. Tôi thích nhất là họ không dựng nên những anh hùng, mà các cô chỉ là những người con của làng quê buộc phải trở thành anh hùng. Những cô gái trẻ với ước mơ bình dị là được sống cuộc sống bình thường, được yêu, được mặc áo dài trắng trong ngày cưới, được mẹ ru ngủ, không phải nghe tiếng bom rơi, đạn nổ… Dù lập bao nhiêu chiến công, chịu bao hy sinh, mất mát, những con người đó chưa bao giờ nghĩ mình là anh hùng…” - Hạnh Thúy kể.
Ê-kíp vở diễn cũng cử đại diện tìm gặp cụ Nguyễn Thị Tình (trung đội trưởng đội nữ dân quân Lam Hạ năm xưa), thì cụ chỉ nói đơn giản “tao làm xong việc tao phải làm rồi”. “Rất nhiều người đi ra từ cuộc chiến mà tôi gặp đều như vậy, như mới đây cả 3 người lính trên chiếc xe tăng 390 đều nói rằng, có bao người góp tay cho chiến thắng và họ chỉ may mắn là người đến mục tiêu trước… Sức mạnh của đất nước chúng ta chính là từ những con người bình dị nhưng khi đất nước cần lại đứng lên, làm xong trách nhiệm công dân lại quay về cuộc sống đời thường mà tận hưởng niềm vui hòa bình mà họ đã đóng góp. Là công dân Việt Nam, là người nghệ sĩ, tôi có trách nhiệm lan tỏa tinh thần này” - NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng viết ca khúc để khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Những ngày tháng Tư, khi người dân cả nước hướng về cột mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cũng không ngoại lệ. Anh hòa vào niềm vui chung của dân tộc bằng những sản phẩm âm nhạc được đầu tư, nhằm ngợi ca những người lính cả trong thời chiến và thời bình, đồng thời khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Việt Nam.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trong MV Phi đội ta xuất kích - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vào đầu tháng Tư, ca sĩ Phi Hùng ra mắt MV Phi đội ta xuất kích. Đây là món quà âm nhạc tâm huyết mà ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng Thượng tá Hoàng Văn Thuần và đạo diễn Hòa Yên thực hiện để gửi tặng bộ đội Phòng không - Không quân, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày đánh thắng trận đầu của bộ đội Không quân (3/4/1965 - 3/4/2025).
Ca sĩ Phi Hùng cho biết khi thực hiện sản phẩm này, được nghe câu chuyện từ chỉ huy và các chiến sĩ của Trung đoàn 935, anh càng yêu, nể phục hơn những người lính Không quân - lực lượng đã có một hành trình dài bảo vệ đất nước. Và từ sự nể phục ấy, Nguyễn Phi Hùng muốn lan toả tinh thần chiến đấu, tính trách nhiệm cùng tình yêu quê hương của các chiến sĩ.
Sau MV Phi đội ta xuất kích, ca sĩ Phi Hùng giới thiệu ca khúcHành khúc tuổi trẻ Việt Nam do chính anh sáng tác. Nam ca sĩ cho biết khi được nhìn thấy những hình ảnh của các lực lượng ngày đêm hợp luyện cho buổi diễu binh, diễu hành và tình yêu nước của người dân, anh rất xúc động, muốn lan toả lòng yêu nước, yêu TPHCM đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Diễn viên Hoàng Minh Triết: Vừa hồi hộp vừa mừng vì nhận vai Hai Thưng
Là 1 diễn viên trẻ, lần đầu tiên tham gia phim điện ảnh đã được góp mặt trong dự án lớn và ý nghĩa như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, còn vào vai chiến sĩ cách mạng, là 1 sự may mắn lẫn tự hào của Hoàng Minh Triết. Minh Triết cho biết, nhân vật Hai Thưng - 1 cán bộ đầu đàn của nhóm tình báo, luôn dùng cái đầu lạnh, không bao giờ để tình cảm lấn át - quá khác với bản thân và tâm lý nhân vật nặng nên làm anh “rất run” khi vào vai.
Diễn viên trẻ Hoàng Minh Triết (trái) trong vai Hai Thưng trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
“Còn nhớ khi lần đầu tôi đến thử vai, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chỉ trò chuyện, không đề cập gì đến kịch bản hay vai diễn. Lần thứ hai, tôi được yêu cầu nói về bản thân. Lần thứ ba tôi mới cầm được kịch bản nhưng thử vai Bảy Theo. Sau đó đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bảo tôi thử tiếp vai Hai Thưng. Bẵng đi 1 tháng sau lúc tôi tưởng không còn hy vọng gì thì được thông báo đậu vai. Ngày đến đoàn phim, nhìn tấm bảng ghi dòng chữ “Hoàng Minh Triết vai Hai Thưng” tôi phải tự vả nhẹ vào mặt mình để biết không nằm mơ. Thực sự tôi vừa hồi hộp vừa mừng khi được là Hai Thưng” - Minh Triết kể.
Trong gia đình, Minh Triết có ông ngoại và 1 người bà con gọi là ông Tư từng là bộ đội. 2 ông đã trải qua nhiều cuộc chiến khắp 2 miền Bắc - Nam và đều đã mất. Để chuẩn bị cho vai diễn Hai Thưng, Triết đã tham khảo các tài liệu của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa và vào Netflix coi lại các phim chiến tranh của Việt Nam và nước ngoài. Nhà ở quận 5, mỗi khi có công việc ở quận 1 đều đi ngang trụ sở công an, Minh Triết cũng chú ý quan sát các chiến sĩ có quân hàm lớn xem cách họ hành xử, tiếp nhận thông tin ra sao để tối về đứng trước gương tập luyện, bắt chước.
Tôi cũng phải giảm 12kg để vào vai. Tôi nhớ ngày đầu tiên ghi hình là cảnh Hai Thưng theo chân Bảy Theo chui xuống địa đạo, đứng xem tấm bản đồ Bảy Theo vẽ và đưa cho anh 1 mẩu giấy. Cảnh quay khá trầy trật với tôi vì chưa hoàn toàn nhập vai, nét mặt còn trẻ trung và kiểu “thời bình” quá. Tầm 1 tuần sau tôi mới quen dần, ngày nào tôi cũng thức đến 3 - 4g sáng để coi lại các cảnh đã quay. Phim ra mắt nhận được nhiều phản hồi tích cực, vai diễn Hai Thưng cũng được nhiều người quan tâm là điều vượt quá mong đợi của tôi” - Hoàng Minh Triết chia sẻ.
Không có những chiến hào, không có lửa khói bom đạn, cuộc chiến của những chiến sĩ tình báo, biệt động thành diễn ra âm thầm trong lòng đô thị Sài Gòn.