Cái tiệm tạp hóa “gây họa”

10/03/2021 - 12:29

PNO - Em thương mẹ chồng nên muốn mẹ được nghỉ ngơi, không phải lo về tài chính. Nhưng càng về sau, em đã để tâm trí mình bị cuốn vào… cái tiệm tạp hóa, thay vì để ý đến cảm xúc của mẹ.

Chào chị Hạnh Dung,

Bảy năm qua em sống cùng mẹ chồng êm ấm. Thế nhưng bây giờ nhà em rơi vào cảnh tréo ngoe. 

Mẹ chồng em có một tiệm tạp hóa nhỏ, nó giúp mẹ đơn thân nuôi con đến khi tốt nghiệp đại học. Vậy nên sau này, dù lợi nhuận không đáng kể, mẹ vẫn quyết duy trì.

Chuyện sẽ không có gì nếu mẹ không quá vất vả. Cái chân mẹ vốn bị tật (mẹ là thương binh), giờ càng hay đau. Việc bán tạp hóa khiến mẹ phải chạy tới chạy lui. 

Từ ngày về làm dâu em đã nói mẹ đóng tiệm tạp hóa để nghỉ ngơi, vợ chồng em sẽ lo tài chính, nhưng mẹ không đồng ý. Sau này, em sinh con, mẹ vừa trông cháu vừa bán hàng nên cả hai việc đều không trọn vẹn. Em khuyên nhủ không thành nên đành chấp nhận.

Mới đây, vì thức dậy sớm dọn hàng mà mẹ bị ngã, gãy chân. Bây giờ mẹ phải nằm một chỗ để dưỡng thương, và thỉnh thoảng lại than thở là “không biết bao giờ mới đi lại được để bán hàng”.

Điều khiến em băn khoăn nhất là càng về sau, sự tồn tại của cái tiệm tạp hóa càng khiến em khó chịu, thường xuyên gắt gỏng, hoặc phớt lờ lời mẹ. Chồng em cũng muốn mẹ nghỉ ngơi, nhưng không kiên quyết, thỉnh thoảng anh còn đi lấy hàng, dọn hàng giúp mẹ. 

Thú thật, đôi lúc nhìn hai mẹ con anh loay hoay với cái tiệm tạp hóa, em thấy bực mình xen lẫn coi thường. Em tự hỏi, có phải chính suy nghĩ luẩn quẩn này đã khiến mẹ vất vả và nghèo khó. 

Em phải làm sao để lấy lại sự vui vẻ, kính trọng và lễ phép với mẹ - khi trong lòng em luôn bức bối không thể giải tỏa?

Hà Phương (TP.HCM)

Chuyện sẽ không có gì nếu mẹ không quá vất vả- Ảnh minh họa
Chuyện sẽ không có gì nếu mẹ không quá vất vả- Ảnh minh họa

Em Hà Phương mến,

Em thương mẹ chồng nên muốn mẹ được nghỉ ngơi, không phải lo về tài chính. Nhưng càng về sau, em đã để tâm trí mình bị cuốn vào… cái tiệm tạp hóa, thay vì để ý đến cảm xúc của mẹ.

Có thể đúng như em nói, cái tiệm tạp hóa đã làm mẹ chồng em vất vả. Nhưng chính nó đã cho bà sự tự tin, một chỗ dựa trong quãng đời đơn thân nuôi con. Và dù cuộc sống đã thay đổi, tiền bạc không thiếu, bà vẫn chưa đủ tự tin dứt khỏi chỗ dựa đó.

Tiệm tạp hóa còn là “tấm khiên” khiến mẹ em cảm thấy tự lập, được có ích. Những người già thường có một áp lực mang tên “có ích”. Họ rất sợ mình trở nên vô dụng. Việc mẹ giữ lại tiệm tạp hóa có thể vì lý do này.

Lời khuyên đóng tiệm tạp hóa của em có bản chất là một lời bày tỏ tình cảm (em sẵn sàng lo toan tài chính để mẹ nghỉ ngơi). Em hãy nhất quán với tình cảm đó, hãy bày tỏ sao cho tạo ra sự yên tâm cho mẹ bằng những hình thức khác.

Đừng nôn nóng dứt mẹ ra khỏi tiệm tạp hóa, mà hãy tập trung phát triển công việc để có thu nhập ổn định, và chia sẻ với mẹ về sự ổn định đó để giải tỏa cho mẹ nỗi sợ bấp bênh. 

Nếu mẹ quá vất vả, em hãy thu xếp việc riêng để bà đỡ phải làm việc nhà, đỡ phải giữ cháu. Khi thu xếp, em đừng quên nói với mẹ rằng việc làm một lúc quá nhiều thứ là không phù hợp với độ tuổi của mẹ.

Có khi, chính lúc được toàn tâm toàn ý với tiệm tạp hóa, mẹ em lại nhận ra điều bà cần chính là được ở bên và phụ giúp con cháu, chứ không phải bận rộn bán buôn.

Chốt lại, em hãy nhớ, xuất phát điểm của ý muốn “dẹp tạp hóa” là vì thương mẹ. Đừng nửa chừng không toại ý thì quay sang bực bội và gây phiền muộn cho mẹ, em nhé! 

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI