Cải lương mơ trở lại thời hoàng kim

24/04/2021 - 06:39

PNO - Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dần phục hồi sau mùa dịch kéo dài. Và thật bất ngờ khi sàn diễn cải lương lại đang hoạt động nhộn nhịp nhất.

Liên tiếp dự án

Trở lại sớm nhất là sân khấu nhỏ Sen Việt của “ông bầu” Nguyên Đạt vào tối 6/3 với vở cải lương Ngôi hoàng hậu (kịch bản: Ngô Văn Du, chuyển thể cải lương: Nguyên Phương, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt). 

Ở sân khấu lớn, tiên phong trở lại là Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long với vở San Hà - Xã Tắc (kịch bản: Bạch Mai, đạo diễn: Bình Tinh) tại rạp Hồng Liên (quận 6, TP.HCM) vào tối 20/3. Những khán giả đã mua vé cho suất diễn tết bị hủy nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch đều giữ lại vé và đến ủng hộ đêm diễn rất đông. Trước sự ủng hộ của khán giả, khán phòng phải kê thêm ghế súp. Nghệ sĩ Bình Tinh - trưởng đoàn kiêm đào chánh - quyết định tái diễn vở vào ngày 24/4.

Tiếp đến, vở cải lương tuồng cổ vui nhộn Tứ tử đậu tân khoa (kịch bản: Bạch Long, đạo diễn: Chí Linh) của sân khấu Chí Linh - Vân Hà cũng trở lại tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) tối 26/3. Tại điểm diễn này, tối 27/3, một vở cải lương tuồng cổ khác là Tống Nhân Tôn hoàng đế (kịch bản: Quang Nhã, đạo diễn: NSƯT Vũ Luân) của sân khấu xã hội hóa Vũ Luân tiếp tục đến với khán giả. Không hẹn mà gặp, cả sân khấu Chí Linh - Vân Hà và sân khấu xã hội hóa Vũ Luân đều chọn kịch bản nổi tiếng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài của cố soạn giả Đức Phú để dựng lại và cùng ra mắt tối 13/6 tại hai điểm diễn ở trung tâm quận 1.

NSƯT Vũ Luân và bạn diễn trẻ Khánh Tâm trong vở cải lương Tống Nhân Tôn hoàng đế  - lấy cảm hứng từ kịch bản Xử án Bàng Quý Phi nổi tiếng trước đây
NSƯT Vũ Luân và bạn diễn trẻ Khánh Tâm trong vở cải lương Tống Nhân Tôn hoàng đế - lấy cảm hứng từ kịch bản Xử án Bàng Quý Phi nổi tiếng trước đây

Lọt thỏm giữa các vở cải lương tuồng cổ là sự hiện diện khiêm tốn của vở cải lương lịch sử Thủy chiến (tác giả: Quang Nhã) tối 10/4. Vở diễn vốn được hoàn thiện từ bài thi tốt nghiệp của nữ đạo diễn trẻ Kim Tiến, với ê-kíp chính là các diễn viên trẻ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. 

Trước đó, phiên bản mới vở cải lương Nàng Xê Đa (kịch bản: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) cũng đã được tái diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tối 3/4. Đo lường lượng khán giả qua hai suất diễn (trước và sau đợt bùng dịch), “ông bầu” Hoàng Song Việt “bật mí” vở cần ba suất diễn nữa thì có thể “huề vốn”. Đây là hiệu quả kinh tế rất đáng mong chờ đối với một vở cải lương đầu tư lớn trong tình hình sàn diễn bấp bênh hiện nay. Trước mắt, Nàng Xê Đa sẽ trở lại với khán giả TP.HCM trong tháng Bảy và đến miền Bắc vào cuối tháng Tư và tháng Sáu tới.

Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ với kịch bản nổi tiếng Lưu Bị cầu hôn giang tả, sẽ khai diễn tối 1/5 tại sân khấu nhỏ Sen Việt. Lần trở lại này của gia tộc Minh Tơ với lực lượng nòng cốt là NSƯT Trường Sơn, NSƯT Tú Sương, các nghệ sĩ Thanh Loan, Xuân Yến, Xuân Trúc, Điền Trung, Lê Thanh Thảo… đang rất được khán giả đón đợi.

Nỗ lực từ các sân khấu xã hội hóa

Không khí rộn ràng này mang đến niềm phấn khởi cho người làm nghề, cùng sự kỳ vọng của những người yêu mến cải lương. Trong tình hình sân khấu bấp bênh, thì đây là những nỗ lực đáng trân trọng. 

Sân khấu Chí Linh - Vân Hà sau năm năm kiên trì các suất diễn nguyên tuồng đã dần tìm được lượng khán giả ổn định, và thực hiện được mong muốn gửi gắm tâm huyết của đôi nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà trong việc đào tạo thế hệ kế thừa. Những nghệ sĩ trẻ như Võ Minh Lâm, Hoàng Hải, Văn Hợp, Văn Mẹo, Thúy My, Thanh Toàn, Kim Tiến, Kim Thùy… đều có cơ hội rèn nghề, nâng cao bản lĩnh từ sân khấu này.

Sân khấu cải lương tuồng cổ luôn đầu tư rất mạnh cho phục trang thật lộng lẫy, bắt mắt
Sân khấu cải lương tuồng cổ luôn đầu tư rất mạnh cho phục trang thật lộng lẫy, bắt mắt

Ở Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, đào kép chính cũng phải chủ động tiếp thị, bán từng chiếc vé đến khán giả. “Bà bầu” Bình Tinh cũng trực tiếp quảng bá đoàn qua mạng xã hội, kênh YouTube, fanpage riêng. Bình Tinh cũng đa dạng hóa hướng tiếp cận của đoàn qua sản xuất phim cải lương, cụ thể, vừa ra mắt bộ Cô gái Đồ LongGiang sơn mỹ nhân, cũng như thực hiện các trích đoạn cải lương lịch sử biểu diễn sân khấu học đường. Sự năng động này giúp Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tiếp cận được một lượng khán giả trẻ. 

Sân khấu nhỏ Sen Việt cũng sáng đèn đều đặn mỗi cuối tuần. Với quy mô chỉ 100 ghế, sân khấu tập trung cho các vở diễn thể nghiệm hoặc mô hình “sân khấu mini”, vở diễn nhỏ gọn, ít người, thời lượng vừa phải đáp ứng nhu cầu khán giả hiện đại. Từ ngày 17/3, nơi đây còn hoạt động theo hình thức hội quán vào các ngày trong tuần, nhằm tạo sân chơi cho người yêu thích cải lương, tăng cường sự kết nối giữa khán giả và những người làm sân khấu. 

Đặc biệt, dự án Nàng Xê Đa đã thể hiện được tư duy mới, nỗ lực bắt kịp thời đại. Suất diễn tối 3/4, ngoài những khán giả trực tiếp đến rạp, Nàng Xê Đa còn thử nghiệm hình thức bán vé cho khán giả xem online. “Khán giả mua vé sẽ được cung cấp code để vào xem livestream vở diễn. Dù chỉ bán được 37 vé, nhưng đây được xem như bước thử nghiệm nhằm đẩy mạnh hình thức này, để tìm thêm khán giả cho mình, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh”- “ông bầu” Hoàng Song Việt cho biết.

Trước đó, sân khấu Đại Việt cũng đã chủ trương đổi mới hình thức quảng bá, truyền thông. Từ khâu thiết kế poster, quay chụp quảng bá, hoạt động fanpage đều theo hướng chuyên nghiệp như các công ty giải trí hiện đại…

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, sàn diễn cải lương đang nóng lên, tạo được hiệu ứng để khán giả ủng hộ, nhưng để duy trì hiệu ứng này, cần những sản phẩm nghiêm túc để đo lường khán giả. Ông nói: “Chúng ta không thể đi vào “vết xe đổ” như trước kia, cho ra đời những sản phẩm “ăn xổi ở thì” để thu lời nhanh, rồi tự đánh mất uy tín của chính mình. Cần phải chấp nhận cải lương không thể tìm lại vị thế độc tôn như xưa, khó có thể cạnh tranh với các hình thức giải trí hiện đại, nhưng khi được đầu tư xứng đáng, thực hiện nghiêm túc, vẫn sẽ tìm được khán giả tri âm”. 

Đông A

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI