Cái giá phải trả quá đắt

19/01/2024 - 06:58

PNO - Ô nhiễm không khí càng kéo dài thì cái giá phải trả càng cao và càng khó giải quyết.

Trong những ngày gần đây, ô nhiễm không khí ở TPHCM qua chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng khá cao. Ngay từ năm 2009, báo cáo về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra rằng, ở TPHCM, riêng các khu công nghiệp đã thải ra 8.251kg bụi, 15.487kg NO2, 2.389kg CO, 148.058kg SO2 mỗi ngày.

Những ngày qua, theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí ở TPHCM liên tục vượt chuẩn - Ảnh: Tam Nguyên (chụp ở đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5) vào ngày 29/12/2023)
Những ngày qua, theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí ở TPHCM liên tục vượt chuẩn - Ảnh: Tam Nguyên (chụp ở đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5) vào ngày 29/12/2023)

Ngày nay, nếu kể cả các nguồn ô nhiễm bụi từ các cơ sở công nghiệp đốt nhiên liệu hóa thạch, sự rò rỉ chất ô nhiễm trong quá trình sản xuất, khí thải do giao thông, xây dựng và hoạt động của cộng đồng thì lượng bụi thải ra - đặc biệt là bụi mịn - rất đáng báo động.

Ngoài làm gia tăng các bệnh lý về hô hấp, bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp. Một số hạt bụi có thể chứa các chất độc hại làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, bệnh đường ruột, mắt, bệnh ngoài da… Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm bụi, cần có những biện pháp bảo vệ môi trường đồng bộ. 

Thứ nhất phải xử lý khí thải và bụi công nghiệp. Các cơ sở công nghiệp cần trang bị đầy đủ hệ thống xử lý khí thải và bụi công nghiệp. Muốn vậy, các cơ sở phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được quy định, cơ quan quản lý thắt chặt hơn nữa quy chuẩn phát thải khí và bụi công nghiệp, có các biện pháp kiểm tra, giám sát nguồn thải, đồng thời có cơ chế khuyến khích các đơn vị lắp đặt và sử dụng thiết bị kiểm soát khí thải và bụi. 

Thứ hai là cải thiện chất lượng phương tiện giao thông. Theo một số nghiên cứu, hơn 70% lượng bụi ở TPHCM là từ các hoạt động giao thông với gần 8 triệu xe máy và hơn 800.000 ô tô. Khí thải xe máy là một trong các thủ phạm gây ô nhiễm không khí hàng đầu ở TPHCM. Do đó, yêu cầu thực hiện ngay việc kiểm soát khí thải từ xe máy thông qua các hoạt động kiểm định định kỳ giống như ô tô, chỉ cho phép lưu hành xe máy đạt quy chuẩn về khí thải; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện thay cho xe chạy xăng dầu.

Thứ ba, cải thiện chất lượng đường sá. Cần tạo mặt đường tốt, không gồ ghề, không có kẽ nứt, không có “ổ gà”, “ổ voi” để giảm thiểu bụi nói chung; cần phun nước rửa đường thường xuyên, trong đó ưu tiên cho những đường có mật độ giao thông đông đúc và phun nước thường xuyên hơn khi thời tiết hanh khô.

Thứ tư là bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc bụi mịn. Chẳng hạn, trang bị khẩu trang chống bụi mịn có than hoạt tính cho công nhân làm việc trong lĩnh vực khai khoáng, sản xuất vật liệu, cơ khí luyện kim, khoan cắt bê tông… Ở những khu vực có nhiều bụi mịn như gần nhà máy xi măng, mỏ đá, công trường san lấp mặt bằng, có thể phân phát khẩu trang chống bụi mịn cho học sinh để phòng các bệnh đường hô hấp.

Thứ năm là những kiểm soát khác, như cần cấm hoặc hạn chế việc đốt rác ngoài trời, đốt đồng; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường (trong đó có kiểm soát bụi) trong các hoạt động xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân dụng ở đô thị. Ở những khu vực đông đúc có nhiều bụi, có thể lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi trong không gian hẹp như đường hẻm, vỉa hè có mái che, nhà lồng chợ, khu vui chơi giải trí. 

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị ở vùng mở rộng, tăng cường cây xanh, công viên để hấp thụ bụi và làm sạch không khí. Trong đó, phải đầu tư hiệu quả vào hệ thống giao thông công cộng, áp dụng các biện pháp công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và tăng cường chương trình giáo dục cộng đồng về ô nhiễm môi trường và tác động của nó đến sức khỏe.

Tác hại của bụi - đặc biệt là bụi mịn PM2.5 - đối với sức khỏe của người dân ở TPHCM là khá rõ ràng. Cái giá mà chúng ta đang phải trả quá đắt cho sự phát triển nóng của nhiều năm qua. Ô nhiễm không khí càng kéo dài thì cái giá phải trả càng cao và càng khó giải quyết. Để cải thiện chất lượng không khí, trước hết đòi hỏi có sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền TPHCM thông qua các biện pháp cụ thể, ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng người dân. 

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI