Cái bắt tay 'hụt' của hòa bình và thông điệp từ Trịnh Công Sơn

01/03/2019 - 15:04

PNO - Hai sự kiện, gắn với những con người ở hai thời đại khác nhau, với những cuộc chiến khác nhau, tưởng chừng chẳng liên quan, nhưng đều dẫn vào câu chuyện của thời ta đang sống': chiến tranh, hòa bình, hòa giải dân tộc

Trước ngưỡng cửa hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, ngày 28/2, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không có một tuyên bố chung. Tổng thống Donald Trump ra sân bay, về nước sớm hơn dự kiến, trong sự hụt hẫng, nuối tiếc của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Cai bat tay 'hut' cua hoa binh va thong diep tu Trinh Cong Son

28/2 cũng là ngày hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới - Google, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông. Đây là lần đầu tiên Google Doodle vinh danh một người Việt Nam.

Hai sự kiện, gắn với những con người ở hai thời đại khác nhau, với những cuộc chiến khác nhau, tưởng chừng chẳng liên quan, nhưng đều dẫn vào câu chuyện của “thời ta đang sống”: chiến tranh, hòa bình, hòa giải dân tộc và thân phận con người.

Trịnh Công Sơn luôn bị ám ảnh bởi “kiếp con người” và một trong những ám ảnh lớn nhất của ông là ám ảnh về chiến tranh và cái chết của con người trong chiến tranh. Âm nhạc Việt Nam, có lẽ, phải tới Trịnh Công Sơn mới có dòng nhạc phản chiến riêng biệt như thế. Ông viết trực diện, khốc liệt, không né tránh. Ông viết bằng đôi mắt của hàng triệu “con mắt trần gian”, thấm thía nỗi buồn trước cảnh quê hương bị tàn phá, những “em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi”. Nhạc như đời bày ra trước mặt.

Cai bat tay 'hut' cua hoa binh va thong diep tu Trinh Cong Son

Nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc từng đánh giá, những tập Ca khúc Da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn là “những bài kinh cầu hồn vọng lên từ dưới vực sâu của chính hỏa ngục trần gian này: chúng chan hòa nước mắt và máu và những vùng thịt xương vỡ nát. Chúng thống thiết kêu lên tiếng nói đòi một cuộc sống bình an cho con người”.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý, trong một bài viết, thể hiện: “Sơn không nhân danh một “Isme” (tôn giáo - PV) nào cả; cũng như không chủ trương chống lại một “Isme” nào cả. Hoặc có chăng là anh nhân danh cái gọi là “humanisme”, xu hướng nhân bản... Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả là làm theo mệnh lệnh của con tim mình, một con tim thương đời, thương người, để nói lên tiếng nói của con tim đó đối với quê hương, dân tộc một cách trung thực và chân thành”.

Thế nhưng, con người viết những ca khúc phản chiến một cách bạo liệt đến tận cùng đó, lại tôn thờ tình yêu và xem đó là chốn trú ẩn, chỗ nương náu cuối cùng và “tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Không cổ vũ chiến tranh, ông kêu gọi hòa bình, mong “lũ con cùng cha quên hận thù”, và “những con mắt muộn phiền xin cấy lại niềm tin”. Kể cả thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhất, ông viết: “Ta cùng lên đường xây lại tình thương”…

Ca khúc Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly:

 

Tôi vẫn nghe thứ nhạc thân phận đó vang lên trong một quán cà phê cũ kỹ hay ở những khuôn viên trường đại học đông nghịt người, ở những live show “gọi tên bốn mùa”, gọi tình yêu vào lãng quên ở nơi này nơi kia. Người già hát, người trẻ cũng hát, vào sinh nhật ông, vào ngày ông mất, vào một ngày buồn bã bâng quơ hay vui bất chợt, dù ông đã đến và rời xa quê hương thần thoại này gần 20 năm rồi. Có người gọi ông là kẻ hát rong, có người lại nói “ông là người viết tình ca hay nhất thế kỷ” hay là huyền thoại. Gọi như thế nào cũng đúng và thế nào cũng không đủ. Ông là Trịnh Công Sơn, đã ghé qua và đã viết nên những điều hư ảo mà cũng khắc nghiệt, con người nhất trong cuộc đời này.

Trong một ngày đẹp trời của cõi tạm tháng Hai, nghĩ về một cái bắt tay hụt, không hiểu vì sao tiếc nuối như vậy… 

Cai bat tay 'hut' cua hoa binh va thong diep tu Trinh Cong Son

Chiến thắng của Google

Không ai chắc Google vô tình hay hữu ý khi chọn ngày 28/2, ngày Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đang diễn ra ở Hà Nội, để đưa hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên trang chủ công cụ tìm kiếm và tôn vinh thông điệp hòa bình. Điều chắc chắn là, bằng động tác này, Google đã giành một chiến thắng rõ rệt với người Việt và với thế giới, từ góc độ hình ảnh và kinh tế.

Phóng viên các hãng tin khắp thế giới, khi truy cập vào Google tại Việt Nam sẽ được dẫn đến trang chủ tiếng Việt của Google và sẽ thấy hình ảnh Trịnh Công Sơn ở đó. Google sẽ được xem là tập đoàn yêu chuộng hòa bình, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tôn trọng con người Việt Nam. Đối với người Việt, nhất là các fan của Trịnh Công Sơn, Google ghi điểm như một doanh nghiệp biết gìn giữ giá trị địa phương, biết trân trọng nghệ sĩ Việt Nam. 

Trong ngày 28/2, rất nhiều người Việt đã bày tỏ sự tự hào và thể hiện tình cảm đối với Google - hệ thống tìm kiếm lớn nhất thế giới, thu lợi lớn nhất từ nguồn quảng cáo, thông qua các lượt truy cập, sử dụng Google. Chỉ bằng một hình ảnh từ Google Doodle - chỉ là một hình ảnh để tạm vài ngày trên trang chủ, gần như chẳng mất gì, Google hưởng lợi cực lớn. Đó là điều các nhà quảng bá văn hóa, quảng bá hình ảnh, du lịch… của chúng ta cần học hỏi trong câu chuyện thực hiện “công nghiệp văn hóa” tại Việt Nam, vươn ra thế giới.

Thành Nhân


Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI