Cách nào để sách giáo khoa có giá "hợp lý hợp tình"?

01/06/2022 - 06:22

PNO - Giá các bộ sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp Ba, lớp Bảy và lớp 10 năm học 2022 - 2023 cao gấp 2 - 3 lần bộ cũ. Theo một số đại biểu Quốc hội, nên xem sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt để quản lý giá.

Thêm gánh nặng cho nhiều gia đình

Kể từ năm học 2020 - 2021, sách giáo khoa (SGK) cũng như việc dạy và học được thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục không còn độc quyền xuất bản SGK; SGK là một mặt hàng trong cơ chế thị trường. 

Học sinh lớp Hai, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trong tiết học tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới ẢNH: TRẦN HUY
Học sinh lớp Hai, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TPHCM) trong tiết học tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: Trần Huy

Trong năm học 2022 - 2023, giá các bộ SGK mới dành cho học sinh (HS) lớp 10 lần lượt như sau: Bộ Cánh diều 476.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 436.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo 480.000 đồng; giá SGK mới dành cho HS lớp Ba là: Bộ Cánh diều 220.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 183.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo 190.000 đồng; giá SGK dành cho HS lớp Bảy là: Bộ Cánh diều 255.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống 208.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo 235.000 đồng. Điều này cho thấy có sự cạnh tranh về giá giữa các nhà xuất bản.

Theo đại diện các nhà xuất bản (doanh nghiệp), giá của các bộ SGK mới cao hơn bộ SGK cũ là do giấy tốt hơn, sách được in màu và không được trợ cấp một phần chi phí. Giá SGK mới tăng còn do số đầu sách bắt buộc của chương trình mới nhiều hơn so với chương trình cũ. Giá thành của bộ SGK mới còn bao gồm chi phí tổ chức bản thảo (nhuận bút, thù lao biên tập, thực nghiệm), chi phí marketing. Toàn bộ quy trình này đều do các nhà xuất bản đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính. 

 

Học sinh lớp Hai, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trong tiết học tự nhiên  xã hội với sách giáo khoa mới - ẢNH: TRẦN HUY
Học sinh lớp Hai, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TPHCM) trong tiết học tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: Trần Huy 

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, giá SGK bộ mới cao hơn là do khổ (kích thước) sách lớn hơn, giấy tốt hơn. Thêm vào đó, các nhà xuất bản không được Nhà nước hỗ trợ tiền cho các khâu như với các bộ sách cũ thuộc chương trình giáo dục năm 2016. 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, giá SGK cao là đúng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khổ sách to, in ấn đẹp, chất liệu giấy tốt. Tuy nhiên, giá cao trong thời điểm cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 lại bất hợp lý, bởi nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho rằng, việc đột ngột tăng giá sách gấp 2 - 3 lần sẽ tạo ra sức ép về chi phí cho nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, công nhân, lao động tự do. Theo bà, ngành giáo dục cần phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị để nắm thực tế, đề xuất chính sách hỗ trợ cho những nhóm đối tượng cụ thể. Nếu cần, Chính phủ có thể trợ giá SGK cho các đối tượng trên. ĐBQH Trần Văn Thức (tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị cân nhắc về giá để chia sẻ khó khăn chung của người dân cả nước khi họ vừa trải qua đợt dịch COVID-19 tàn khốc

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, trong quá trình giám sát, bà nhận thấy HS phải dùng quá nhiều đầu sách. Những bộ môn như giáo dục kỹ năng sống không cần SGK nhưng vẫn có SGK. Điều này gây tốn kém, lãng phí. Bà đề nghị cần giảm bớt số đầu sách, đồng thời khuyến khích việc xuất bản các loại sách số (ứng dụng công nghệ thông tin).

Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống lớp Bảy có giá 208.000 đồng, thấp nhất trong ba bộ sách dành cho học sinh lớp Bảy - ẢNH: N.M.T
Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống lớp Bảy có giá 208.000 đồng, thấp nhất trong ba bộ sách dành cho học sinh lớp Bảy - Ảnh: N.M.T

Cần cách quản lý đặc biệt

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, sách là mặt hàng thiết yếu. Do đó, để giá phát hành không quá chênh lệch so với chi phí cấu thành, có thể đưa SGK vào nhóm mặt hàng do Bộ Tài chính quản lý giá. Khi đó, chi phí cấu thành sách sẽ được công khai, tính đúng, tính đủ, đảm bảo lợi ích hài hòa của cả doanh nghiệp lẫn người dân.

SGK là một mặt hàng đặc biệt, bởi hơn 15 triệu HS cả nước phải dùng chúng. Do đó, nó cần cách quản lý đặc biệt. Năm 2020, các ĐBQH khóa XIV đã góp ý rằng, Bộ Tài chính cần thẩm định, tính toán giá cả SGK cho phù hợp với điều kiện tài chính của HS và chất lượng của bộ sách.

Ngay từ năm học 2020 - 2021, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - khi đó là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - đã nhận định rằng, cả nội dung và hình thức của SGK mới đều không có quá nhiều thay đổi so với SGK hiện hành. Theo ông, giá SGK bộ mới tăng gấp 2 - 3 lần là do các doanh nghiệp cạnh tranh nhau về thị trường phân phối. Còn giáo sư Phạm Tất Dong - khi đó là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, khung giá SGK bị thả nổi và cần tính lại giá, có cơ chế để các doanh nghiệp cạnh tranh về giá

Từ năm học 2020 - 2021, các chuyên gia đã chỉ ra những bất ổn về giá SGK và nguyên nhân, nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục. Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nhưng hiện giờ, Bộ Tài chính vẫn đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá và vẫn đang xem xét kiến nghị trên. 

Quang Minh - Ngọc Minh Tâm

Không nên quá lệ thuộc vào sách giáo khoa
Ông Cao Huy Thảo - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - cho biết, các trường quốc tế thường có chương trình giảng dạy khung và có nhiều bộ SGK dựa trên khung này. Giáo viên nhìn vào những nội dung chuẩn của chương trình khung và mục đích cần hướng đến để lựa chọn SGK phù hợp và soạn ra bài giảng. Giáo viên nước ngoài không cầm sách để dạy mà dạy theo bài giảng của mình và SGK chỉ là một kênh để tham khảo. HS cũng không bị buộc phải đọc một cuốn SGK cụ thể nào miễn là phải đọc và nắm những nội dung cần thiết.

“Ở các nước, không ai bắt HS mỗi năm mua một bộ SGK, cũng không giáo viên nào bắt HS phải mua cuốn này hay cuốn kia mà chỉ gợi ý và HS có quyền lựa chọn sách theo ý mình. Trong quan điểm giáo dục của phương Tây, SGK chỉ là công cụ, là phương tiện của việc học. Còn ở Việt Nam, thầy trò đều phải bám sát SGK mà đọc, mà dạy và học, biến SGK thành cái chính, sự sáng tạo và chủ động của người dạy, người học thành cái phụ” - ông nhận xét.

Học sinh trường quốc tế được mượn sách giáo khoa

Một số trường quốc tế ở TPHCM nhập khẩu SGK theo khung đào tạo của trường và cho HS mượn trong suốt quá trình học. Chẳng hạn, tại Trường quốc tế Mỹ (The American School - TAS), HS đóng một khoản tiền “thế chân” khoảng 21 triệu đồng để sử dụng miễn phí SGK trong suốt quá trình học (12 năm). HS có thể đọc sách ở thư viện, ở lớp hoặc mang về nhà. Khi trả lại, thư viện sẽ kiểm tra tình trạng sách: Nếu sách có các vết bẩn hoặc hư hỏng thì trừ một phần trong số tiền thế chân; nếu sách còn nguyên vẹn, HS được hoàn lại toàn bộ tiền thế chân khi tốt nghiệp, nghỉ học hoặc chuyển trường. 

Còn tại Trường quốc tế Mỹ - Việt Nam (American International School Vietnam - AISVN), giáo viên chủ yếu dạy bằng giáo trình điện tử, phần mềm giáo dục để giảm sử dụng giấy, góp phần bảo vệ môi trường. Đối với bậc THPT, HS học với SGK do thư viện cho mượn qua hình thức đóng tiền thế chân và khoản tiền này được trả lại khi HS hoàn thành chương trình.

Các trường quốc tế Úc (Australian International School - AIS), Đức (International German School - IGS), Châu Âu (European International School Ho Chi Minh City - EIS), Saigon Pearl (International School Saigon Pearl - ISSP), Bắc Mỹ (International Schools of North America - SNA), Nam Sài Gòn (Saigon South International School - SSIS)… đều cho HS mượn SGK miễn phí trong suốt quá trình học mà không cần đóng tiền thế chân. Các trường này đều chú trọng việc dạy và học bằng giáo trình điện tử, xây dựng thư viện online với số đầu sách đa dạng để khuyến khích HS đọc sách.

Phương Thanh

Nhiều nước châu Á phát sách giáo khoa miễn phí

Singapore: Các trường công phát SGK miễn phí cho HS, các trường quốc tế thì tính phí.

Malaysia: Chính phủ cung cấp SGK miễn phí cho HS ở tất cả trường công. Trường quốc tế tính phí SGK/tài liệu khóa học.

Indonesia: Giáo viên tại các trường công lập tự mua tài liệu giảng dạy và phân phát cho HS trước khi bắt đầu học vì không có lệ phí SGK trong chi phí mỗi năm học. 

Philippines: SGK được phát miễn phí cho HS ở trường công, các trường tư tự tính phí. 

Sri Lanka: HS phải chịu chi phí SGK, bắt đầu từ lớp Một. Trường công tại một số khu vực cung cấp một số lượng hạn chế sách miễn phí cho HS nghèo. Ngược lại, trường tư lại cung cấp SGK miễn phí.

Ấn Độ: SGK được cung cấp miễn phí tại các trường học công. Trường tư thục sẽ tính phí sách/tài liệu khóa học, chi phí có thể lên đến 200 USD mỗi năm tùy thuộc vào sách và cấp độ khóa học. Tuy nhiên, gần đây ở Ấn Độ, chi phí SGK và dụng cụ học tập tăng cao. Các nhà sách cho biết giá SGK tăng do giá chuyển nguyên vật liệu tăng vọt, giá cả nguyên liệu giấy cũng tăng…

Mỹ Huyền (tổng hợp từ nhiều nguồn)

Nên phân loại sách và in giấy phù hợp

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng, giá SGK mới gấp 2 - 3 lần so với SGK cũ là không hợp lý. “Tôi chấp nhận cách giải thích lý do tăng giá SGK như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói là vì sách được in giấy tốt, khổ rộng, giá vật liệu tăng cao… Nhưng tăng giá SGK gấp 2 - 3 lần không chỉ khó khăn cho HS miền núi mà ở vùng đồng bằng những gia đình thu nhập thấp cũng khó khăn. SGK sản xuất để phục vụ đại trà, do vậy cần phải lựa chọn chất liệu cho phù hợp với phụ huynh đại trà, cân bằng các nhu cầu của người dân chứ không phải cứ in chất liệu tốt rồi đẩy giá thành lên cao, đẩy khó khăn về phía người dân. SGK không chỉ sử dụng một năm mà có thể tái bản nhiều lần nên không nhất thiết phải bắt người học năm đầu tiên với bộ sách mới phải chịu giá cao ngất ngưởng. Các nhà xuất bản phải tìm cách tính toán hợp lý để thu hồi vốn, sinh lời vào những năm tái bản chứ không thể một năm mà tăng giá sách 2 - 3 lần”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói. 

Theo ông, nếu lý do sách in chất lượng, khổ to mà tăng giá thì mong nhà xuất bản hãy in hai loại: Một loại giấy chất lượng cao để phục vụ HS ở những gia đình có điều kiện, còn lại in giấy bình thường phục vụ HS bình dân. Ngoài ra, tiến sĩ Lê Viết Khuyết còn cho rằng cần phân loại các sách học dành cho HS. “Với sách bài tập, làm thêm mà HS làm bài ngay trên sách, sách này dùng một lần thì nên in bằng loại giấy phù hợp, giá rẻ cho đỡ lãng phí. Việc đổi mới giáo dục là cần thiết, đổi mới sách là cần thiết để chất lượng dạy và học được nâng cao hơn. Tuy nhiên đổi mới sách quan trọng là chất lượng kiến thức bên trong sách, nên đầu tư vào nội dung, nhặt kỹ “sạn” chứ không phải hình thức đẹp mà tăng giá chóng mặt”, ông nói thêm.

Đại Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI