Các trạm thu mua gỗ keo đóng cửa, người dân gặp khó

16/04/2023 - 12:37

PNO - Nhà chức trách Quảng Ngãi kiểm tra, xử lý các trạm thu mua gỗ keo bất hợp pháp, khiến gần 20 trạm bị đóng cửa. Người dân gặp khó khi muốn bán

Nhiều ngày qua, gần 20 trạm thu mua gỗ keo bị kiểm tra, phải dừng hoạt động, khiến người dân muốn bán gỗ đến tuổi tiêu thụ gặp khó khăn. Một người dân ở miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: 1 ngày, người dân chỉ khai thác được vài tấn keo. Nếu chính quyền không cho phép bán loại gỗ này cho những trạm thu mua, thì người dân sẽ rất khó khăn để vận chuyển từ trên đồi núi, đến các nhà máy tiêu thụ. 

Quảng Ngãi có gần 198.000ha rừng trồng keo - đây được xem là loại cây chủ yếu, được người dân trồng ở vùng đồi, núi, trải dài nhiều huyện trên địa bàn tỉnh này. Đặc biệt, được người dân ở các huyện miền núi: Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà... trồng với số lượng lớn, phục vụ cho gần 70 nhà máy chế biến dăm gỗ sản lượng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 130 triệu USD, góp phần nâng cao đời sống người dân

Một khó khăn khác, giá gỗ keo thu mua hiện tại đang "hạ dài", ông N.V.D (60 tuổi) ở xã Tịnh Đông (huyện Sơn Tịnh) chia sẻ, gia đình ông có 2ha keo, 4 năm tuổi, đã đến độ thu hoạch nhưng chưa thể bán vì giá thấp ở mức 1,040 triệu đồng/tấn, so với 1,53 triệu đồng/tấn thời điểm tháng 6/2022 nên rất khó tính đến chuyện có lời. Hiện tại, ông D. đang chần chừ, chờ đợi tình hình khá hơn.

Người dân lý giải những khó khăn gặp phải trong quá trình bán kéo  

Nếu sau khi đốn hạ, lột vỏ... và phải chờ cho đủ khối lượng 1 xe tải (hơn 20 tấn keo), đủ có thể chở đi nhà máy, thì trong thời gian chờ gỗ keo sẽ nhanh khô, chất lượng sẽ giảm. Nhiều rẫy keo ở trên núi cao phải có xe tải lớn vận chuyển xuống đồng bằng. Còn nếu thuê xe vận chuyển mà không đủ khối lượng thì phải bù cước cho nhà xe, người dân sẽ không có lời.

Một trạm thu mua keo bị đóng cửa
Một trạm thu mua keo bị đóng cửa 
Nhiều rẫy keo nằm trên núi cao phải có xe ô tô tải vận chuyển ra ngoài - ảnh Thanh Vạn
Hàng ngàn rẫy keo nằm trên núi cao phải có xe ô tô tải vận chuyển ra ngoài 

Từ nhiều năm nay, các trạm thu mua keo, trạm cân, đại lý ở các địa phương làm trung gian, thu mua keo của người dân để chở đến các nhà máy tiêu thụ. Vai trò của các điểm thu mua là kết nối những hộ dân khai thác keo, gom lại mỗi người vài tấn, đủ để xe tải vận chuyển đến nhà máy. Một số hộ dân còn ''ứng'' trước tiền từ các đại lý thu mua để trồng, đến lúc thu hoạch bán cho các đại lý này. Vì vậy họ sẽ khó bán trực tiếp cho chỗ khác. 

Người dân trồng keo sống nhờ vào việc xuất bán, sau lệnh xử lý, nhiều nơi xảy ra ách tắc
Người dân trồng keo sống nhờ vào việc thu hoạch, xuất bán, sau "lệnh" xử lý, nhiều nơi gặp khó 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, hoạt động của các trạm thu mua keo trung gian này cũng kéo theo rất nhiều bất cập. Trong đó, ngoài tạo ra nhiều nguy cơ về an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển keo, điểm tập kết keo còn lộn xộn, gây mất an toàn trật tự; các trạm thu mua còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh...

Ngày 8/4 chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu chủ tịch UBND các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trạm thu mua gỗ keo bất hợp pháp  trên địa bàn trước ngày 15/4 và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, đồng gửi Sở Công thương trước ngày 18/4. 

Sau thời gian này mà phát hiện tái diễn trạm thu mua gỗ keo bất hợp pháp hoạt động trên địa bàn huyện thì Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện để xử lý trách nhiệm theo quy định. Ông Đặng Văn Minh còn yêu cầu, công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trước đó, liên liên quan đến việc này, chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tại nhiều công văn từ năm 2020 đến 2022.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, người dân địa phương thông thường sẽ bán cho các điểm thu mua gỗ keo đặt nhiều nơi trên địa bàn. Huyện này còn có 3 đến 4 nhà máy thu mua gỗ keo. Tuy nhiên, nếu nhà máy trả giá thấp thì người dân sẵn sàng không bán tại chỗ mà đem bán cho các điểm thu mua để vận chuyển đến nhà máy trả giá cao hơn.

Lãnh đạo huyện Ba Tơ cho biết, trước đây, huyện đã thực hiện việc kiểm tra các trạm thu mua keo. Sau văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi, huyện này đã họp và thành lập tổ công tác do lãnh đạo huyện dẫn đầu, đi kiểm tra. Hiện tại những điểm thu mua không đảm bảo yêu cầu  đều bị đóng cửa.

Vị lãnh đạo này nêu một số tiêu chuẩn cần có để 1 điểm thu mua có thể hoạt động: được cấp phép kinh doanh; đảm bảo các yêu cầu môi trường; khu đất thực hiện thu mua phải đúng mục đích; đoạn đường vận chuyển phải được đấu nối… đúng với các quy định pháp luật.

Khâu thu mua bị tắc khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn
Khâu thu mua gặp khó khiến chuỗi cung ứng bị ách tắc - Ảnh: Thanh Vạn

Tại huyện Sơn Hà, nhiều trạm cân không đạt yêu cầu cũng bị dừng hoạt động, người dân gần như "khóc ròng".

Người dân miền núi chủ yếu trồng keo để cải thiện đời sống - ảnh Thanh Vạn
Người dân miền núi chủ yếu trồng keo để cải thiện đời sống - Ảnh: Thanh Vạn

Thu nhập từ cây keo giúp giảm nghèo cho người dân miền núi. Một số đại lý thu mua cho rằng, họ có đăng ký hộ kinh doanh, nhiều nơi có kiểm định cân điện tử phục vụ cân keo gỗ nhưng vẫn bị yêu cầu dừng hoạt động do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kinh doanh.... Họ mạnh dạn vay vốn hàng tỉ đồng để mua ô tô, mua trạm cân để thu mua gỗ keo, bị đóng cửa khiến họ gặp khó khăn hơn. Hơn 10 doanh nghiệp thu mua chế biến dăm gỗ xuất khẩu, ở Khu Kinh tế Dung Quất cũng gặp trở ngại khi nguồn cung nguyên liệu sụt giảm.

Giải pháp để giải quyết những khó khăn trong việc thu mua gỗ keo, các địa phương đang chờ các giải pháp của cấp tỉnh.


Bài, ảnh: Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI