Các hãng bay tăng cạnh tranh, hành khách được lợi

26/03/2021 - 06:57

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không lao đao trong cả năm 2020 do nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng đã giúp giá vé ngày càng giảm, dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Chia lại thị phần

Do thị trường quốc tế chưa thể hồi phục, các hãng hàng không Việt Nam đều đang dốc sức cho cuộc đua cạnh tranh thị trường nội địa.

Ba năm trở về trước, thị trường hàng không là cuộc cạnh tranh tay đôi giữa Vietnam Airlines (VNA) và Vietjet Air (VJA). Hai năm trở lại đây, cuộc cạnh tranh thị phần nội địa đã chuyển thành thế chân vạc với sự tham gia của Bamboo Airways vào năm 2018. Hãng bay này đã có sự tăng trưởng ấn tượng về mạng đường bay nội địa, quy mô đội máy bay.

Thị trường hàng không đang chứng kiến sự vươn lên của các “tân binh”. Ảnh: Đông Quân
Thị trường hàng không đang chứng kiến sự vươn lên của các “tân binh” - Ảnh: Đông Quân

Ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways - cho biết trong giai đoạn đầu, số đường bay của Bamboo còn hạn chế nhưng hiện hãng đã khai thác tất cả các sân bay tại Việt Nam, bao gồm cả những sân bay nhỏ như Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau và trong năm nay là Điện Biên. Năm 2019, Bamboo chỉ chiếm gần 10% thị phần nhưng tới năm 2020, hãng này đã chiếm 20% và đặt mục tiêu tăng lên 30% trong năm 2021.

Theo Cục Hàng không (thuộc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam), trong tháng 1-2/2021, VNA khai thác từ 40-50% số chuyến của đường bay Hà Nội - TPHCM, VJA khai thác 30-35%, Bamboo Airways khai thác 20-30%. Tuy nhiên, Bamboo lại đang dẫn đầu về khai thác đường bay nội địa (có mở bán vé) với 54 đường bay, trong khi VJA là 52 đường bay và VNA là 45 đường bay.

Khách hàng được lợi

Đặt vé cho gia đình du lịch khi COVID-19 tạm lắng, chị Thu Hiền (TP. Hà Nội) giật mình khi giá vé rất rẻ dù đặt sát ngày: “Tôi đặt vé của hãng VNA cho cả nhà bốn người bay từ TP. Hà Nội đến TPHCM ngày 20/3, giá vé chỉ 579.000 đồng/người đã bao gồm thuế, phí. Vé của VNA và các hãng trên đường bay này còn rất nhiều, khách tha hồ lựa chọn. Nhiều bạn bè tôi mua các gói combo kết hợp cả vé máy bay khứ hồi và khách sạn, như gói combo từ Hà Nội đi Quy Nhơn chỉ 1,6 triệu đồng/vé”.

Sự cạnh tranh của các hãng hàng không khiến giá vé giảm, chất lượng dịch vụ tốt hơn - Ảnh: Đông Quân
Sự cạnh tranh của các hãng hàng không khiến giá vé giảm, chất lượng dịch vụ tốt hơn - Ảnh: Đông Quân

Sau tết Tân Sửu 2021, giá vé máy bay giảm sốc khi các hãng đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi. Hiện giá vé dịp nghỉ lễ 30/4 tới nhiều điểm du lịch “hot” như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Côn Đảo… đã tăng cao hơn so với đầu năm, nhưng không có tình trạng “cháy” vé như nhiều năm trước, do các hãng cung ứng ra thị trường lượng vé rất lớn. Và hơn hết, với năm hãng hàng không VNA, VJA, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và “tân binh” Vietravel Airlines, hành khách có rất nhiều quyền lựa chọn hãng bay.

Hơn mười năm trước, VJA gia nhập thị trường hàng không Việt Nam, đưa máy bay trở thành phương tiện di chuyển phổ biến với giới bình dân qua phương thức “hàng không giá rẻ”. Hai năm trở lại đây, các hãng không chỉ chú trọng cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh về chất lượng phục vụ, mức độ đúng giờ. 

Do số lượng máy bay và mạng đường bay nội địa còn khá ít ỏi, Vietravel Airlines không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các hãng lớn, nhưng sẽ làm tăng thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. Vietravel Airlines có lợi thế rất lớn về du lịch với các combo vé máy bay kết hợp sản phẩm du lịch mới. Vietravel Airlines cũng tập trung vào các đường bay ngách, kết nối các điểm du lịch, tránh “đụng hàng” các hãng bay lớn.

Việc các hãng đua nhau mở các đường bay mới, đường bay ngách đã mang lại nhiều kênh lựa chọn cho hành khách. Đơn cử như giá vé đường bay Côn Đảo trước đây cao do Vasco độc quyền khai thác, nên khi Bamboo Airways cùng lúc mở năm đường bay thẳng ra Côn Đảo hồi cuối năm 2020, hành khách liền ủng hộ nhiệt liệt.

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) - việc tham gia thị trường của nhiều hãng tư nhân đã khiến ngành hàng không Việt Nam thay đổi diện mạo đáng kể, giúp người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn. 

Khoảng mười năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã phát triển vượt bậc; trước đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 15,8%/năm. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. COVID-19 đã khiến đà tăng trưởng chậm lại khá nhiều, nhưng cũng hồi phục nhanh nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Với sáu hãng hàng không thương mại, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn. 

Năm 2021, các hãng hàng không tiếp tục lỗ trên 15.000 tỷ đồng

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lượng đặt chỗ trong quý I/2021 của ngành hàng không thế giới giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019, tổng số hành khách năm 2021 chỉ đạt 33% so với năm 2019 và tổng mức lỗ ngành hàng không năm 2021 khoảng 95 tỷ USD. Phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Còn theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA), ngành hàng không trong nước đã chịu tác động lớn từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiện thị trường bay quốc tế vẫn “đóng băng”, hoạt động bay của các hãng chủ yếu để vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong hai tháng đầu năm 2021, số khách quốc tế chỉ đạt 66.600 người, giảm 98,8% so vơi cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, lượng khách nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng. Do dịch bệnh đợt ba diễn ra đúng vào cao điểm tết âm lịch nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí lại tăng cao do phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Để kích cầu và thu hút khách, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới tình trạng lỗ lã ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm tết của các hãng giảm bình quân từ 70-80% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động bay bị thu hẹp khiến các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không… đều bị giảm sút sản lượng khai thác, doanh thu kể từ tháng 3/2020.

“Dự báo năm 2021, các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm mạnh doanh thu so với năm 2019 và tổng lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động ngay từ sau tết cổ truyền” - ông Bùi Doãn Nề nhận định. 

Cũng theo VBA, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các hãng trong năm 2020 đã có tác động tích cực. Đơn cử chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất, hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không giúp VNA giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không cũng giúp VNA giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành là khoảng 430 tỷ đồng). Tổng số tiền mà hãng Bamboo Airways được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng. Để tiếp tục hỗ trợ các hãng trong năm 2021, VBA đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí đến hết năm nay.

Đặc biệt, VBA đề nghị Chính phủ mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi để tăng thanh khoản cho các hãng hàng không. Trong đó, Vietjet Air đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ. 

Nhật Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI