Cà Mau: Nhiều ca bệnh nặng do không được khám chữa kịp thời

14/06/2022 - 06:27

PNO - Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Mắt TPHCM vừa thực hiện khám hậu COVID-19, sàng lọc mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có hoàn cảnh khó khăn tại H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đoàn đã phát hiện nhiều ca bệnh do không được khám chữa kịp thời nên phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.



90% người dân tới tầm soát hậu COVID-19 bị rối loạn tâm lý

Sáng 11/6, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã khám hậu COVID-19 cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Chương trình khám miễn phí cho người cao tuổi nhưng nhiều người trẻ cũng đến để được kiểm tra sức khỏe.

Bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP.HCM đang khám sàng lọc trước khi mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Bác sĩ của Bệnh viện Mắt TPHCM đang khám sàng lọc trước khi mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Tại bàn khám của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết Nga, lượng người trẻ bị các triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 30%. Trong đó, người trẻ nhất chỉ ngoài 20 tuổi, đa số dưới 40 tuổi, hiện là lao động chính nuôi sống gia đình. Do sức khỏe bị ảnh hưởng sau khi mắc COVID-19 khiến họ không thể làm việc được như trước, thu nhập càng thêm eo hẹp.

Chị T.T.N., 26 tuổi, ngụ tại xã Tân Ân, uể oải chia sẻ với bác sĩ, dù mình khỏi COVID-19 tới nay đã được sáu tháng nhưng vẫn còn thấy khó thở. Mỗi tối, khi nằm xuống, chị N. luôn cảm giác ngực bị đè nặng, phải xoay trở rất lâu mới có thể đi vào giấc ngủ. Cũng vì luôn hụt hơi mỗi khi gắng sức nên dù chỉ nấu cơm, rửa chén chị N. cũng thấy vô cùng khó khăn.

Còn anh T.T.T., 33 tuổi, ngụ tại xã Tân Ân, cũng gặp nhiều trở ngại sau khi mắc COVID-19. Trái ngược với dáng vẻ to cao, đang ở độ tuổi khỏe mạnh, anh T. than với bác sĩ, tuy đã khỏi bệnh cách đây ba tháng nhưng kể từ đó tay chân anh luôn tê bì, bị đau nhức vùng lưng hông. Anh không thể làm công việc khuân vác để phụ giúp gia đình như trước nữa. 

Theo bác sĩ Tuyết Nga, 90% bệnh nhân tới khám hậu COVID-19 lần này có bất ổn về tâm lý. Ai cũng cầm chặt một vật gì đó trong tay, như chiếc mũ, nón bảo hiểm, hoặc ôm chặt chai nước. Không phải họ có nhu cầu buộc phải cầm những vật dụng kia mà đó chính là dấu hiệu cho thấy tâm lý của họ đang rất hoang mang. Vì lo lắng nên họ phải cầm vật gì đó trong tay cho tự tin hơn. Nguyên nhân dẫn tới những rối loạn về tâm lý này bởi họ mới trải qua cơn đại dịch, chứng kiến những người thân, hàng xóm của mình gặp điều không may khi mắc COVID-19. Do đó, bên cạnh việc quan tâm tới những triệu chứng về thể chất, bác sĩ Tuyết Nga còn trấn an họ về tinh thần.

40% trường hợp khám hậu COVID-19 bị các dấu hiệu liên quan đến cơ xương khớp; số còn lại là đau họng, chóng mặt, nhức đầu, tê bì tay chân, nổi ngứa. Họ đã được kê và phát thuốc có tác dụng tăng tuần hoàn não, cắt cơn đau, hướng dẫn cách tập thở để sớm đưa cơ thể về trạng thái ổn định.

Cụ bà bị gãy xương đùi suốt hai năm 

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã vô tình phát hiện những trường hợp bị biến chứng nặng nề do không được tiếp cận y tế trong thời gian dài. Điển hình là trường hợp cụ bà T.T.H., 76 tuổi. Cụ H. tới để khám do bị mệt, khó thở sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, khi thấy cụ bà phải dùng chiếc ghế nhựa để lết dần vào bàn khám thì bác sĩ đã yêu cầu cho khám cả chân. Kiểm tra lâm sàng, bác sĩ đánh giá chân bệnh nhân bị gãy xương đùi bên trái, lập tức chỉ định siêu âm. Sau đó kiểm tra tổng quát, xét thấy trường hợp này cần chụp X-quang nên bệnh viện đã điều xe cấp cứu chở bệnh nhân về Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển. 

Kết quả chụp phim được chuyển tới cho bác sĩ, xác định do bị gãy xương chỏm đùi trái quá lâu mà không được can thiệp nên chỏm xương này đã bị hoại tử. Ca bệnh trên đã được chuyển về Bệnh viện tỉnh Cà Mau, dự kiến bệnh nhân sẽ phải thay chỏm xương bằng vật liệu nhân tạo nếu không sẽ hỏng luôn chân bên trái. Cụ H. tâm sự mình bị đau chân trái hơn hai năm nay nhưng vẫn cố chịu đựng. Cụ có con cái nhưng đều đi làm xa nhà.

chú thích ảnh tấm này: Nữ bệnh nhân này đi khám hậu COVID - 19 đã được đoàn bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh vô tình phát hiện xương đùi của bà bị gãy nhưng bệnh nhân vẫn cố chịu đựng suốt hai năm qua. Ảnh: Thanh Huyền.
Nữ bệnh nhân này đi khám hậu COVID - 19 đã được đoàn bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh vô tình phát hiện xương đùi của bà bị gãy nhưng bệnh nhân vẫn cố chịu đựng suốt hai năm qua. Ảnh: Thanh Huyền.

Ngoài ra, trong buổi khám hậu COVID-19, bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cũng phát hiện một nữ bệnh nhân 26 tuổi, bị tai biến ảnh hưởng chức năng vận động. Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân đến Bệnh viện tỉnh Cà Mau để được kiểm tra chuyên sâu, từ đó chỉ định thuốc phù hợp.

Sáng cùng ngày, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Mắt TPHCM đã khám sàng lọc và mổ cho 90 người cao tuổi bị đục thủy tinh thể tại Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển. Trong số đó, nhiều cụ bị khuyết tật, tai biến phải ngồi xe lăn. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Phước - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển - cho biết dân số của huyện khoảng 65.000 người. Người dân rất khó tiếp cận với y tế do sinh sống thưa thớt ở ven sông, làm vuông tôm ở trong rừng. Chỉ khi nào bệnh thật nặng họ mới chịu tới cơ sở y tế để khám. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tú Trinh - Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển - đa số bệnh nhân tới mổ mắt là hộ nghèo, cao tuổi, họ phải di chuyển trên dưới 30km mới tới đây. Có những cụ già neo đơn, ở một mình, di chuyển cả đi và về tốn gần 500.000 đồng. Chính các y, bác sĩ của trung tâm đã góp tiền cho một số bệnh nhân đi lại. Hoàn cảnh đặc biệt nhất là cụ bà 80 tuổi, làm mướn nuôi cháu nhỏ. Bà bị mờ mắt, tăng nhãn áp đau nhức, chỉ nhìn được xa cỡ hơn một gang tay.

Hỗ trợ cho nam thanh niên bị cụt tay chân vì điện giật

Trong lần đi khám bệnh từ thiện này, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đã tới thăm và đại diện bệnh viện trao cho anh Huỳnh Hữu Tình (26 tuổi, ngụ tại ấp Bàu Tròn, xã Đông Thới, thị xã Cà Mau, tỉnh Cà Mau) số tiền 50 triệu đồng để lo sinh kế.

Trước đó, anh Tình bị tai nạn lao động (điện giật) phải đoạn hết tất cả tay chân. Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã kêu gọi, tổ chức và hỗ trợ lắp được hai chân giả cho bệnh nhân. Sau khi lắp chân giả, anh Tình đã đi lại được bằng 80% so với người bình thường. Sắp tới, bệnh viện dự kiến sẽ lắp tiếp hai tay giả cho bệnh nhân. Tổng số tiền lắp tay và chân giả cho anh Tình ước tính khoảng 600 triệu đồng. Anh là lao động chính trong gia đình có mẹ già, vợ và con nhỏ.


Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI