Ca khúc cho thiếu nhi: Của hiếm!

29/03/2013 - 06:28

PNO - PN - Không phải ngẫu nhiên mà chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids phải vận động một cuộc sáng tác ca khúc dành cho lứa tuổi từ 9 - 15, khi bắt đầu mùa đầu tiên tại Việt Nam. Lâu nay, sự thiếu hụt ca...

Ca khuc cho thieu nhi: Cua hiem!

Giai điệu thành phố trẻ - sân chơi hiếm hoi cho ca khúc tuổi hồng

Theo ông Lại Văn Sâm - Trưởng ban Thể thao và giải trí Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị phối hợp sản xuất Giọng hát Việt nhí, ca khúc là một trong những điều phải lo nghĩ nhiều nhất trong quá trình sản xuất chương trình, bởi mặt bằng ca khúc hiện nay so với nhu cầu sử dụng trong thực tế có một độ vênh khá lớn. Thực tế, các cuộc vận động sáng tác ca khúc cho lứa tuổi này không thiếu, nếu không muốn nói là diễn ra thường xuyên. Mỗi năm, vẫn có ca khúc đoạt giải, nhưng ca khúc được biểu diễn thì chỉ quanh đi quẩn lại với số bài đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân cũng dễ thấy: những sáng tác mới cho đối tượng này, hoặc vay mượn hình ảnh cũ vốn đã trở thành xa lạ hiện nay như: anh bộ đội, trâu bò, cây đa đầu làng…; hoặc lại mang nhiều từ ngữ lên gân dạy dỗ, áp đặt, giáo điều. Thiếu sự gần gũi, thiếu sự hiểu biết về cảm nhận của lứa tuổi này, nhất là khi giới trẻ tiếp cận âm nhạc nước ngoài khá dễ dàng đã khiến các sáng tác này nhanh chóng “xếp kho”. Để rồi, trên sân khấu hay trong các sản phẩm âm nhạc khác dành cho thiếu nhi chỉ quanh quẩn Ngày đầu tiên đi học, Chú ếch con, Búp bê bằng bông, Cái bống, Hạt gạo làng ta, Bông hồng tặng cô… Nhỉnh hơn một chút, gọi là nhạc cho tuổi hồng thì cũng chỉ có Con đường đến trường, Ơi cuộc sống mến thương, Cô bé dỗi hờn, Tia nắng hạt mưa, Sinh nhật hồng… toàn những ca khúc đã có vài chục năm nay.

50 triệu đồng cho người đoạt giải nhất là phần thưởng của cuộc vận động sáng tác của Giọng hát Việt nhí, cao nhất từ trước đến nay so với các cuộc vận động tương tự từng được tổ chức. Ca khúc đoạt giải còn được biểu diễn trong chương trình - đồng nghĩa với việc ca khúc sẽ được phổ biến, bước đầu là với hàng triệu khán giả truyền hình - một điều mà xưa nay những ca khúc đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác không thể nào có được. Không có “bà đỡ”, ngay cả các ca khúc đoạt giải được cho là gần gũi nhất, được ra đời từ những gương mặt trẻ như Thiên nhiên trả thù của Sa Huỳnh, Hoa học trò của Duy Hùng… (cuộc vận động sáng tác Ca khúc tuổi hồng năm 2011, do Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức) cũng chỉ nằm trên giấy, không được phổ biến, không có một đời sống đúng nghĩa… “Chính điều đó khiến ca khúc thiếu nhi có đó mà cũng như không”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Thật ra, câu chuyện về quảng bá ca khúc là một câu chuyện dài, với những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi thì việc quảng bá càng khó khăn hơn, bởi đây không phải là “phân khúc” có tính thương mại cao. Vòng luẩn quẩn “con gà - cái trứng” xuất hiện khi ca khúc thiếu sân khấu chuyên biệt, thiếu đối tượng “tiêu thụ” dẫn đến việc giới sáng tác đâm ra thờ ơ, để rồi thiếu ca khúc hay và cuối cùng là thiếu nhi lại phải tìm kiếm những giá trị âm nhạc theo một cách khác, với cảm thụ khác.

Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI