Bùng nổ xu hướng “chi tiêu trả thù”

14/06/2022 - 13:00

PNO - Sau khoảng thời gian bí bách vì đại dịch COVID-19, phần lớn giới trẻ sẵn sàng vung tiền, tự thưởng cho mình những chuyến du lịch hay các món đồ xa xỉ mà họ đã bỏ lỡ.

 

Giới trẻ Hàn Quốc xếp hàng dài bên ngoài một cửa hàng Chanel ở Seoul  chờ mua sắm
Giới trẻ Hàn Quốc xếp hàng dài bên ngoài một cửa hàng Chanel ở Seoul chờ mua sắm

Chi tiêu nhiều hơn bình thường

Sau khi dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế COVID-19, xu hướng “chi tiêu trả thù” tăng mạnh ở các nước, điển hình là Hàn Quốc. Theo báo cáo của Viện Seoul - một tổ chức tư vấn cho chính quyền thủ đô Seoul - khoảng 25% những người được khảo sát tiết lộ họ đã chi tiêu nhiều hơn bình thường, xuất phát từ cảm giác chán nản sau thời gian bị cô lập vì dịch.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong tháng Tư, tổng lượng giao dịch mua sắm trực tuyến đạt 1,65 ngàn tỷ won (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mua hàng trực tuyến và dịch vụ vận tải cũng tăng 89,9% so với năm 2021. 

Đáng chú ý, mức chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, thời trang và trang sức cao cấp cũng tăng mạnh, nhất là trong giới trẻ. Tập đoàn Cortina Watch - chuyên phân phối các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng như Rolex, Patek Philippe, sở hữu hàng loạt cửa hàng sang trọng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) - cho biết trong nửa đầu năm tài chính 2022, doanh thu đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, lên 234 triệu USD. Tương tự, Nike cũng tiết lộ trong chín tháng, tính đến ngày 28/2/2022, doanh thu toàn cầu tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34,5 tỷ USD…

Lee Ha-kyung (29 tuổi) - một nhân viên văn phòng ở Seoul vừa đặt vé máy bay đi Tây Ban Nha vào đầu tháng Bảy - cho biết cô đã phải trả khoảng 2 triệu won (khoảng 39 triệu đồng) cho một chuyến bay khứ hồi, gần gấp đôi so với mức giá trước dịch COVID-19 nhưng bản thân không hối hận. “Bởi vì đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi trong hơn hai năm và tôi đã không tốn nhiều tiền ở nhà trong thời gian xảy ra đại dịch. Tôi nghĩ mùa hè này là cơ hội hoàn hảo để du lịch quốc tế”, Lee Ha-kyung nói. 

Thách thức lớn do lạm phát

Người dân đang chi tiêu nhiều hơn sau đại dịch. Các chuyên gia nhận định, xu hướng “chi tiêu trả thù” giúp nhiều nền kinh tế sớm hồi phục tuy nhiên nguy cơ lạm phát hiện nay lại rất lớn.

Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, lạm phát khiến cơ hội đem lại cho nền kinh tế từ sự bùng nổ “chi tiêu trả thù” đang trở nên nhỏ hơn so với mong đợi. Giá năng lượng, thực phẩm và các chi phí sinh hoạt khác tăng cao đang khiến người dân dần quay lại thắt chặt chi tiêu.

“Tuần lễ vàng (kỳ nghỉ lễ nhiều ngày liên tiếp đầu tháng Năm ở Nhật) là kỳ nghỉ đầu tiên trong ba năm không có hạn chế COVID-19 và nền kinh tế chứng kiến ​​sự cải thiện đáng kể trong chi tiêu. Nhưng đó có thể sẽ là mức đỉnh tiêu dùng trong năm nay”, Toru Suehiro - chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty Chứng khoán Daiwa Securities - nói. Chuyên gia này cũng dự báo tỷ lệ lạm phát cao sẽ xuất hiện trong quý III và IV năm nay.

Theo JTB Corp - công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản - số lượng khách du lịch dự kiến ​​trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 70% so với năm ngoái nhưng vẫn còn thấp hơn 1/3 so với mức trước đại dịch.

Không riêng Nhật Bản, Mỹ và các nước khác trên toàn thế giới cũng đang căng thẳng với áp lực lạm phát được dự báo sẽ trầm trọng hơn vào những tháng cuối năm nay và đầu năm sau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân. 

 Chung Thu Hương (theo Korea Times, Reuters)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI