Bọt bầu, bí đao trị đái tháo đường?

30/08/2016 - 14:18

PNO - “Tôi bị tiểu đường đã 5 năm, lượng đường luôn nằm ở mức cao, gần 300, nhưng từ khi tôi ăn đọt bầu, bí đao luộc mỗi ngày, đường đã xuống chỉ còn 210- 220. Tôi thấy hay quá nên chỉ mọi người."

Hiện nay, nhiều người truyền tai nhau bài thuốc trị đái tháo đường (tiểu đường) bằng đọt bầu, bí đao luộc. Bà Nguyễn Thị Hai (56 tuổi, ở chung cư Ehome, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) gặp ai cũng khoe: “Tôi bị tiểu đường đã 5 năm, lượng đường luôn nằm ở mức cao, gần 300, nhưng từ khi tôi ăn đọt bầu, bí đao luộc mỗi ngày, đường đã xuống chỉ còn 210- 220. Tôi thấy hay quá nên chỉ mọi người. Người lớn tuổi ăn rau nhiều tốt cho sức khỏe, nên tôi ăn vừa chữa bệnh, vừa để không lên cân”.

Với suy nghĩ đọt bầu, bí đao ăn không bổ bề này cũng bổ bề kia nên nhiều bệnh nhân đái tháo đường làm theo bài thuốc này. Có người sau khi đo đường huyết thấy giảm, cho rằng đọt bầu, bí đao hiệu nghiệm nên càng ăn nhiều, thành tác dụng ngược. Chị Bùi Thu Phượng (43 tuổi, ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) vừa trải qua một phen hú vía vì lạm dụng cách điều trị này. Hàng ngày chị Phượng vẫn uống thuốc theo toa bác sĩ (BS), nhưng trong bữa cơm hầu như chị chỉ tập trung ăn đọt bầu, bí đao luộc. Sau một tuần, đường huyết giảm chút ít làm chị rất phấn khởi nên ra sức “nạp” đọt bầu, bí đao nhiều hơn. Chị còn được bày uống lá mật gấu, lá xoài (chế nước sôi hãm trà), cứ cách bốn giờ uống một loại dùng thay nước lọc. Hậu quả, chị bị mất ngủ vì đi tiểu liên tục, rồi bị tiêu chảy, choáng váng.

Bot bau, bi dao tri dai thao duong?
Ảnh minh họa: Internet

BS chẩn đoán chị Phượng bị rối loạn điện giải, cơ thể bị mất nước do dùng nhiều thứ lợi tiểu. Chị lại tìm thuốc Đông y nhưng BS Đông y lý giải cơ thể chị Phượng vốn tính hàn, mà đọt bầu, bí đao cũng có tính hàn, khi dùng sẽ làm tổn hao dương khí, dễ sinh bệnh. ThSBS Nguyễn Văn Đàn - giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường mà chẩn đoán theo Đông y, người có tính nhiệt thì có thể phù hợp khi dùng đọt bầu, bí đao; còn nếu bệnh nhân có tính hàn thì không nên sử dụng lâu dài vì sẽ làm tổn hại thêm dương khí, bệnh tình càng phức tạp. Đọt bầu, bí đao hay lá xoài, lá mật gấu mà hiện nay nhiều người dùng để điều trị đái tháo đườ ng đều có tác dụng làm giảm đường huyết”.

BS Nguyễn Văn Đàn hướng dẫn liều dùng, đọt bầu, quả bầu hay quả bí đao khởi đầu ngày dùng 100-200g. Trong đó, thành phần quan trọng nhất của bí đao có tác dụng làm giảm đường huyết là vỏ. Lá xoài, lá mật gấu khởi đầu ngày dùng 15-20g. Tùy mức đường huyết và dung nạp có thể tăng liều cao hơn. Tuy nhiên, trong bệnh lý đái tháo đường, đường huyết chỉ là bề nổi trên những vấn đề khác như thay đổi thành mạch, hội chứng chuyển hóa, các biến chứng đã có khi phát hiện bệnh… Vì vậy, những vị thuốc này chỉ giúp giảm đường huyết mức độ nhẹ và hiệu quả ở giai đoạn rối loạn đường huyết đói. Những trường hợp bị bệnh lâu, đường huyết cao chỉ nên xem là điều trị phụ trợ và cần tham vấn bác sĩ có kinh nghiệm về dược thảo. Không được dùng nhiều loại cùng lúc và dùng lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Giang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI