Bốn di nguyện cuối cùng của nghệ sĩ Giang Còi

05/08/2021 - 11:14

PNO - Con trai nghệ sĩ, đạo diễn Hiếu Vick kể, trong di chúc ông để lại, "ông muốn mình sẽ được chôn cất cùng cây đàn guitar, điếu xì gà, ca khúc ông yêu thích và tràng pháo tay của những người yêu mến vang lên thay lời đưa tiễn".

Thông tin nghệ sĩ Giang Còi (tên thật: Lê Hồng Giang) qua đời vào khuya ngày 4/8 khiến nhiều khán giả thương tiếc. “Vĩnh biệt cây hài đậm chất nông thôn chất phát”, một fan của sê-ri Gặp nhau cuối tuần viết trên trang fanpage cá nhân của nghệ sĩ. Nhiều người để lại lời tạm biệt ông: “Tạm biệt nghệ sĩ của tuổi thơ”, “bộ ba Văn Hiệp – Quang Tèo – Giang Còi giờ chỉ còn Quang Tèo”,…

Nghệ sĩ Giang Còi
Nghệ sĩ Giang Còi

NSƯT Chiều Xuân và nghệ sĩ Giang Còi học cùng lớp Diễn viên Điện ảnh khóa 3, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Khi biết thông tin người anh của mình qua đời, Chiều Xuân không khỏi tiếc thương và nhớ lại những kỉ niệm cũ.

“Một thời như mới ngày hôm qua thôi, tưởng gần mà đã rất xa. Tạm biệt anh nhé, anh Lê Hồng Giang. Nếu kiếp sau còn có duyên nghiệp lớp, chúng mình sẽ lại tụ hội, anh sẽ vẫn làm người anh lớp trưởng hay đàn hát, quát nạt, cau có, lạc quan vui vẻ nhất lớp và yêu thương lo lắng cho chúng em hết mực anh nhé. Thương anh nhiều nhiều lắm, không nói nên lời. Anh lên đường bình an anh nhé”, Chiều Xuân nói.

Nhà lí luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long viết trên trang facebook cá nhân của mình: “Giữa những ngày giãn cách vì dịch, anh về với tổ nghề, với tổ tiên mình”. Nghệ sĩ Giang Còi trong mắt Nguyễn Quang Long luôn thân thiện, nhiệt thành, "trên màn hình, anh là một lão nông dân, một người dân quê quê bình dị, hài hước”.

Là biên kịch của chương trình Gặp nhau cuối tuần cách đây  hai mươi năm, nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng, với sê-ri “Chuyện trưởng thôn” làm nên tên tuổi của bộ ba Văn Hiệp – Quang Tèo – Giang Còi viết: “Vậy là, những tên tuổi lừng danh làm nên bộ mặt của Gặp nhau cuối tuần một thời bất hủ, đã lần lượt ra đi. Đầu tiên là chú Văn Hiệp, rồi chú Phạm Bằng, giờ là ông Giang Còi… Chúc ông Giang Còi thượng lộ bình an, về nơi ấy gặp lại các cụ Phạm Bằng, Văn Hiệp… lại tụ tập chém gió tào lao. Cầu cho họ bình an và nơi cõi hạc xa xa, họ vẫn đang khiến cho các thiên thần… cười vỡ bụng”.

Lớp Diễn viên Điện ảnh khóa 3, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ngày ấy - Ảnh: Nghệ sĩ Chiều Xuân cung cấp
Lớp Diễn viên Điện ảnh khóa 3, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ngày ấy - Ảnh: Nghệ sĩ Chiều Xuân cung cấp

Trong phim Cao hơn bầu trời, nhà văn, tác giả kịch bản Nguyễn Minh Ngọc chú tâm khai thác “đất và người Hà Nội” nên xây dựng nhân vật Thịnh Còi (do nghệ sĩ Giang Còi đóng) làm nghề thợ may, một người yêu Hà Nội hết lòng. Vì vậy, sẵn sàng “sống chết với thủ đô”.

“Có lẽ tính cách khí khái, ngang tàng pha chút bất cần của Thịnh Còi như vậy, nên không có gì lạ khi Hãng phim Giải phóng đã kén Giang Còi vào vai người thợ may Hà Nội. Rất thật và ngon lành”, đại tá Nguyễn Minh Ngọc nhận xét.

"Khi chào đời, mỗi chúng ta đều cất tiếng khóc trong nụ cười của những người xung quanh. Hãy sống để đến khi lìa đời, ta có thể mỉm cười trong những giọt nước mắt. Điều này khi sinh thời, ba vẫn thường nhắc nhở chúng tôi, và ông đã có một cuộc đời trọn vẹn”, con trai cả của nghệ sĩ, đạo diễn Hiếu Vick chia sẻ.

Theo lời kể của Hiếu Vick, trong di chúc nghệ sỹ Giang Còi để lại, “ông muốn mình sẽ được chôn cất cùng cây đàn guitar, điếu xì gà, ca khúc ông yêu thích và tràng pháo tay của những người yêu mến vang lên thay lời đưa tiễn”.

Vì dịch bệnh, gia đình phát tang vào 7g30 phút ngày 5/8, không tiếp khách, nhận phúng điếu. Thi hài được đưa tới Đài hóa thân Hoàn vũ cùng ngày, lễ truy điệu và tiễn nghệ sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng sẽ được tổ chức sau.

C.Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI