Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ số lượng lớn vắc xin cho TPHCM

02/07/2021 - 15:15

PNO - TPHCM đang chỉ sử dụng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh. Đây là số lượng quá ít.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Phạm vi dịch COVID-19 không chỉ trong TPHCM mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận. Vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh…  Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh”.

Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Tuy nhiên, hiện nay con số sử dụng test nhanh tại TPHCM còn rất hạn chế (sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh).

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý công tác xét nghiệm cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư.

Tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, đảm bảo trả kết quả đúng hẹn.

Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan rộng, lan nhanh trên diện rộng.

Ông cũng cho biết, sáng nay 100.000 liều vắc xin đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TPHCM. Việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng cần có kế hoạch cụ thể, an toàn cho người dân.

Trên cơ sở dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TPHCM cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp. Phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các ý kiến trao đổi của các Sở - ngành, quận - huyện, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm TP ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày.

Phân tích các ca nhiễm từ 19-30/6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày. Điều đó cho thấy, các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng; đồng thời cũng phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh khi biến thể Delta được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể này mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới

Hiện nay, số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị tăng rất nhanh, Thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị. Thành phố đã và đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI