Bộ Y tế: Không lạm dụng chỉ định khám hậu COVID-19

23/04/2022 - 12:52

PNO - Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện không lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết đối với người dân sau khi mắc COVID-19.

Bộ Y tế vừa có công văn số 2055/BYT-KCB về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19 gửi bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và Y tế các Bộ, ngành.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp với các bệnh nhân mắc hậu COVID-10 (ảnh minh họa)
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp với các bệnh nhân mắc hậu COVID-19 (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, số lượng người mắc bệnh đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, hay còn gọi là hậu COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Các triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...

Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu COVID-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt khám bệnh, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn, tuân thủ theo các hướng dẫn do Bộ Y tế đã ban hành.

"Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh", công văn cũng khuyến cáo rõ. 

Bộ Y tế giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Trước đó, như Báo Phụ Nữ đã phản ánh, dịch vụ khám hậu COVID-19 nở rộ. Nhiều gói khám tổng quát COVID-19 được quảng cáo với các dịch vụ như xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cắt lớp... có mức giá vài trăm ngàn tới gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi có các dấu hiệu dai dẳng, bất thường, tránh lo lắng thái quá gây lãng phí và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý... Ngoài ra, nhiều sản phẩm đông y, thực phẩm chức năng cũng đang được thổi phồng quá mức về công dụng, coi như "thần dược" điều trị các bệnh hậu COVID-19.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI