Bỏ rơi sân khấu thiếu nhi: Trách nhiệm của ai?

22/05/2019 - 09:14

PNO - Cuộc trò chuyện bàn tròn chủ đề 'Sân khấu thiếu nhi: Trách nhiệm của ai?', do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, đang diễn ra tại tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM (311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3).

Tham dự buổi tọa đàm có các khách mời: Bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TP.HCM, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công Ty TNHH Sân Khấu - Nghệ Thuật Thái Dương (sân khấu Idecaf), ông Lê Ngọc Điệp - Nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), đạo diễn Hoàng Duẩn, diễn viên Đình Toàn (đạo diễn, diễn viên chương trình Ngày xửa ngày xưa), ông Nguyễn Hoàng Vinh, phòng quản lý nghệ thuật, Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM, diễn viên Quang Thảo (tác giả một số vở diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa) và bà Nguyễn Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Hội đồng đội TP.HCM.

Mở đầu buổi tọa đàm, một đoạn clip phản ảnh thực trạng sân khấu thiếu nhi hiện nay do Báo Phụ Nữ TP.HCM thực hiện được trình chiếu. Phát biểu chia sẻ ý kiến đầu tiên, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân Khấu - Nghệ Thuật Thái Dương (sân khấu Idecaf) nhấn mạnh: “Làm chương trình cho trẻ con là thế mạnh, cũng là tâm niệm của tôi. Sau này khi không còn làm kịch cho người lớn, tôi chắc chắn cũng sẽ dựng vở, các tiết mục cho trẻ nhỏ. Đó là điều chắc chắn”.

Clip phản ảnh thực trạng sân khấu thiếu nhi hiện nay:

“Thật ra, kịch thiếu nhi của Idecaf ra đời từ năm 1997, sân khấu kịch thiếu nhi là tiền thân khai sinh ra sân khấu người lớn. Tính đến nay, chúng tôi đã có 32 chương trình lớn, chưa kể chương trình phụ. Tổng cộng phải đến 50 sản phẩm chuyên nghiệp dành cho trẻ con, hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, phải nói rằng công sức bỏ ra làm vở cho thiếu nhi gấp ba, bốn lần đối với người lớn. Thật ra, bây giờ làm kịch thiếu nhi dễ hơn kịch người lớn, vì mọi thứ anh em làm nghề đều đã quen, và có cả hệ thống để cùng làm với nhau. Nhưng kịch thiếu nhi đầu tư lớn, hoành tráng cho các em, cũng chỉ diễn vài ba chục suất. Chưa thể đi đến cùng phục vụ được các đối tượng trẻ nhỏ. Ước tính chỉ có 10.000 trẻ con được xem chương trình Ngày xửa ngày xưa, (trên tỷ lệ 1,4 triệu trẻ em, trong đó có gần 700.000 em thuộc diện nghèo). Đó mới thật sự là điều thiếu sót, đáng buồn” - ông Tuấn nói.

Không khi buổi trò chuyện bàn trò bắt đầu nóng lên, khi vấn đề tọa đàm nêu ra được các khách mời đặc biệt quan tâm.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

* Ông Lê Ngọc Điệp: Sân khấu học đường hiện chỉ mang tính phong trào.

Mục đích của giáo dục trên toàn thế giới đều hướng tới Chân (khoa học), Thiện (đạo đức), Mĩ (cái đẹp). Trong đó, “Mĩ” bao hàm cả “Chân” và “Thiện”. Cái “Mĩ” bao gồm cảm xúc thẩm mĩ và rung động thẩm mĩ. Không có cảm xúc, không có rung động, từ đó cũng không có yêu thương. Trong giáo dục, bao giờ cũng phải đi kèm ba yếu tố đó thì mới đào tạo được một con người hoàn chỉnh. Giáo dục của Việt Nam không kết hợp được ba yếu tố đó. 

Tôi từng đi Thụy Điển, thấy ở nước họ triển khai dự án điện ảnh học đường. Đi thăm trường Sơn Nam (Trung Quốc) thấy họ có 3 khối giáo dục, thể chất, văn – thể - mĩ rất hoàn chỉnh. Ngoài học văn hóa, các em được dạy múa đương đại, hội họa, sân khấu. Đi Thái Lan, thăm một trường học, các em học lớp 3 hoặc lớp 5 đều biết gõ đàn dân tộc. Giáo dục của Việt Nam không làm được như vậy. Trong khi đó các dự án có sự tài trợ của nước ngoài, sau khi kết thúc, báo cáo, tổng kết rồi cất kho, không biết cách triển khai tiếp.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

Bây giờ, tôi đọc báo, thấy cái ác tràn lan, trong đó, thủ phạm ngày càng trẻ hóa. Một trong những lí do bắt nguồn từ việc cảm xúc thẩm mĩ không có, trong khi đó, cảm thức bạo lực ăn sâu vào tiềm thức, tạo ra hành vi. Trong các loại hình nghệ thuật, sân khấu là loại hình tạo rung động thẩm mĩ nhiều nhất. Chương trình giáo dục ở các nước rất chú trọng sân khấu, đưa vào chương trình giáo dục của mình. Trong khi đó, sân khấu học đường ở mình chỉ mang tính phong trào, hình thức, ép buộc, đối phó. Không chỉ sân khấu học đường mà có nhiều cái làm theo phong trào nữa.

Ta chưa dạy cho các em hiểu biết cũng như cách thưởng thức về kịch nói riêng và sân khấu nói chung. Các em phải hiểu kịch thì mới biết hiệu ứng ánh sáng ra sao, sân khấu như thế nào. Ở ta hiện nay, giáo dục chưa dạy ra cái mĩ, cái rung động thẩm mĩ. Chúng ta dạy đạo đức nhưng điều đó không đi vào lòng các em. TP.HCM là địa phương phổ cập tiểu học ở miền Nam nhưng tại sao 25 năm, nền giáo dục của chúng ta lại phát triển chậm như thế?

* Ở góc độ là một tác giả - đạo diễn, diễn viên Quang Thảo phản biện: “Tôi không nghĩ các bé phải hiểu thế nào là kịch thì mới thích xem kịch. Nếu có mang vào giảng dạy trong nhà trường, thì đó chỉ là một bộ môn giúp nâng cao cảm nhận thẩm mỹ của các bé thôi. Tôi cho rằng yếu tố truyền thông mới là quan trọng. Tại sao bây giờ các bé thích Trấn Thành, Hari Won, Thu Trang, Tiến Luật… ? Có phải vì mở YouTube ra là thấy không? Chương trình Ngày xửa ngày xưa tồn tại và được các em yêu thích bao nhiêu năm qua cũng nhờ một phần vào truyền thông. Hình thức cũng rất quan trọng. Nếu muốn các bé yêu kịch thiếu nhi, chúng ta phải có được cơ sở vật chất tốt, để dẫn dụ trẻ nhỏ”.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

“Ngày xưa chương trình Những bông hoa nhỏ của HTV là một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc. Rất nhiều nghệ sĩ đã trở thành ngôi sao sáng trong lòng trẻ con lúc bây giờ. Còn hiện nay, Đài truyền hình TP.HCM cũng không còn mặn mòi. Từ lâu rồi kịch trong nhà ngoài phố, chuyện ngày xưa, những bông hoa nhỏ…đều không còn nữa. Rất nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, trẻ con không có gì để xem trên truyền hình cả. Chúng ta phải đặt thẳng vấn đề truyền thông, đó mới là mấu chốt” – diễn viên Quang Thảo nói tiếp. 

* Diễn viên Đình Toàn: Đồng ý với diễn viên Quang Thảo. Hiện nay, những tác phẩm sân khấu được biết đến rộng rãi đều do các đơn vị tư nhân thực hiện, họ có có kinh phí làm truyền thông, nên được báo chí, truyền thông đưa tin, giới thiệu rộng rãi. Trong khi đó, có những tác phẩm sân khấu dù chất lượng, không làm truyền thông thì bị giới truyền thông không quan tâm nhiều. Chúng tôi từng thực hiện những vở mang tính giáo dục cao, được các em học sinh yêu thích, thậm chí các em còn mang vở đó đi dự giải kịch châu Á do Quỹ An toàn giao thông quốc tế tổ chức và giành giải Nhất. Thế nhưng, chẳng ai biết đến cả.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

* Bà Thi Thị Tuyết Nhung không phản bác nhận định của Đình Toàn nhưng bà lật lại vấn đề:

Truyền thông là một phần, nhưng chúng ta phải trả lời được câu hỏi vì sao sân khấu thiếu nhi hoạt động ít đi. Hiện nay chỉ còn lại sân khấu Idecaf có vở cho thiếu nhi, còn các sân khấu khác chỉ hoạt động cầm chừng?

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?
Bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TPHCM

Còn đối tượng khán giả, vì sao có nơi thuận lợi nơi lại khó khăn, đó có phải là do ý chí của người quản lý hay không? Muốn có đông trẻ con xem kịch cũng cần phải có sự phối hợp giữa khâu phân phối vé, vừa bán vé thương mại, vừa miễn phí hoàn toàn, chẳng hạn. Lồng ghép để suất diễn mang lại hiệu quả cho diễn viên mà cũng phù hợp linh động với những đối tượng khán giả.

* Đạo diễn Hoàng Duẩn có nhận định khác: 

Tôi nói thẳng, nhà nước phải trả tiền cho thiếu nhi xem, và phân chia ra các cấp. Ví dụ năm nay sân khấu thiếu nhi chỉ diễn ở cấp 1, năm sau diễn cho cấp 2, năm tới nữa diễn cho cấp 3… Tôi đi rất nhiều nước có làm sân khấu cho trẻ em: Thụy Điển, Anh, Úc Phần Lan… Trên 50% các nhà hát của Thụy Điển dành cho thiếu nhi. Họ làm rất khoa học. Còn chúng ta thì gần như không có đường ra. Muốn làm vở cho thiếu nhi thì chúng tôi đều phải tự thân vận động. Lúc có lúc không. Một nền sân khấu thiếu nhi lành mạnh là diễn hàng tuần, hàng đêm. Chứ đâu phải lâu lâu mới diễn. Kinh phí tài trợ diễn miễn phí cho khán giả hiện chỉ có diễn phục vụ cho người lớn, còn hoàn toàn không có suất miễn phí cho trẻ em.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

* Ông Huỳnh Anh Tuấn đề xuất: Tôi nói ví dụ, TP.HCM bỏ ra 6 tỷ/năm (tính ra cũng chỉ có 15.000đ/em) đầu tư cho kịch thiếu nhi, như thế là đã có 400.000 em được xem kịch nói, nuôi được gần 15 đơn vị sản xuất của TP.HCM.

* Đạo diễn Hoàng Duẩn: Hiện nay mỗi suất diễn miễn phí cho người lớn được tài trở trong khoảng 6-8 triệu đồng. Số tiền này cũng chưa thể đủ để đầu tư một vở diễn thật sự hoành tráng.

* Bà Thi Thị Tuyết Nhung biện luận:

TP.HCM rất quan tâm đến thiếu nhi và thật ra, đã có ngân sách riêng dành cho các em. Đơn cử chỉ trong ba tháng sinh hoạt hè, ngân sách phân bổ là 40.000đ/em (đối với quận nội thành) và 47.000đ /em (đối với ngoại thành). Nhưng để thiếu nhi đến với nhà thiếu nhi là trách nhiệm của hội đồng đội, địa phương, thành đoàn… Riêng về các dự án sân khấu kịch thiếu nhi, muốn được ngân sách chi cho vấn đề này phải có đề án thông qua Hội đồng nhân dân, thành phố rất sẵn sàng đầu tư nhưng phải đúng quy trình. Ai/đơn vị nào chịu trách nhiệm và sẽ sử dụng nguồn ngân sách như thế nào?

* Diễn viên Quang Thảo và Đình Toàn chung câu hỏi: Tại sao Nhà hát thiếu nhi thành phố không đứng ra làm những chương trình phục vụ các em? Trong khi đó, các đơn vị bên ngoài phải thuê với một chi phí rất cao, từ 60 -80 triệu đồng/đêm diễn? 

* Bà Nguyễn Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Hội đồng đội TP.HCM cho biết:

Nhà hát từng kết hợp với Sân khấu Hoàng Thái Thanh để làm chương trình sân khấu cho thiếu nhi nhưng không thành. TP.HCM là địa phương có hệ thống các nhà thiếu nhi trải khắp các quận, huyện một cách hoàn chỉnh. 

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?
 

* Bà Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề: 

Đơn vị sự nghiệp tự chủ, trong bối cảnh các phương tiện giải trí có nhiều lựa chọn, Ban Giám đốc các nhà hát thiếu nhi cũng phải biết cách chủ động tiếp cận đúng đối tượng khán giả của mình, kết hợp với các đơn vị để làm những chương trình, kéo thiếu nhi tới nhà hát. Ở đây vẫn là câu chuyện ý chí và mục tiêu của lãnh đạo các nhà hát đó ra sao?

Sau thời gian chia sẻ bức xúc về thực trạng sân khấu thiếu nhi hiện nay, các ý kiến của khách mời dần xoay về hướng giải pháp. Đây cũng là mục tiêu mà buổi tọa đàm muốn hướng đến.

* Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Sẽ đánh giá lại các thiết chế văn hóa cho thiếu nhi 

UBND TP lắng nghe những nội dung được đề cập trong buổi bàn tròn; sắp tới sẽ mở một cuộc họp để đánh giá lại các thiết chế văn hóa cho thiếu nhi của thành phố đã được triển khai trong thời gian qua: đầu tư như thế nào, đạt được kết quả ra sao, thuận lợi và khó khăn gì...? Đồng thời UBND cũng sẽ xem xét, có ý kiến về việc có đầu tư bổ sung ngân sách hay quản lí ngân sách cho các chương trình dành cho các em hay không.

Về việc đưa các chương trình sân khấu thiếu nhi vào nhà trường, Sở VH-TT, Thành đoàn và Sở Giáo dục TP phải ngồi lại với nhau, tham mưu cho UBND TP để từ đó có những chương trình phù hợp, hữu ích đối với các em. Ví dụ, chúng ta hoàn toàn có thể sân khấu hóa một số mục tiêu như giáo dục môi trường, thông qua chương trình giáo dục công dân.

* Ông Huỳnh Anh Tuấn: Chúng tôi có những phiên bản nhỏ các vở để sẵn sàng đi lưu diễn ở các trường học quận, huyện. Nhưng nhiều khi xin bán vé ban giám hiệu nhà trường không cho, đứng phát tờ rơi cũng không được. Cho nên, phải có chủ trương phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan, hỗ trợ

* Diễn viên Quang Thảo nêu ý kiến: Năm nay là năm quyết liệt đưa sân khấu thiếu nhi trở lại. Anh/chị sẽ rớt chức nếu không thực hiện, tổ chức tốt các chương trình cho trẻ em- phải đưa ra yêu cầu, quy định như thế thì mới mong những người lãnh đạo chịu trách nhiệm, phải làm.

Bo roi san khau thieu nhi: Trach nhiem cua ai?

* Đạo diễn Hoàng Duẩn: Nói gì thì nói, yêu cầu trước nhất vẫn phải là khởi động lại các sân khấu dành cho thiếu nhi. Những hoạt động đội nhóm kịch nói, rối…cần phải được đẩy mạnh trở lại.

* Ông Huỳnh Anh Tuấn: Lực lượng biểu diễn cơ hữu ở các nhà thiếu nhi cũng cần được xây dựng lại. 

* Diễn viên Quang Thảo tiếp lời: Báo chí cũng cần phải nhìn nhận lại vai trò của mình trong nỗ lực quảng bá các chương trình sân khấu cho thiếu nhi.

* Bà Tuyết Nhung đề xuất: Chúng ta cần tính toán dự toán ngân sách năm tới, ví dụ có thể tăng tần suất biểu diễn các vở kịch cho thiếu nhi. Ví dụ, năm nay 100 suất thì năm sau sẽ tăng thêm nữa

* Bà Nguyễn Ngọc Nhung góp ý: Hội đồng đội TP.HCM có ý tưởng như thế này, những nơi nào có sự kiện, hoặc chương trình nào có thiện chí giảm giá cho các em đến xem, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu để thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM đến thưởng thức. Làm thế nào để mùa hè năm nay sẽ là thật sự là một mùa hè rộn rã, cho các em tiếp cận được thật nhiều chương trình bổ ích thiết thực. 

Buổi tọa đàm khép lại với những ý kiến, nhận định khách quan; mở ra nhiều góc nhìn, giải pháp thiết thực. Kỳ vọng, một diện mạo sân khấu thiếu nhi với những bước phát triển tích cực trong tương lai gần.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI