Sân khấu thiếu nhi hè 2019: Mùa nắng hạn

22/05/2019 - 08:42

PNO - Nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo… về SK người lớn đã được tổ chức để bàn luận thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ… trong khi SKTN bị bỏ rơi.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhưng đến giờ, sân khấu hè dành cho thiếu nhi vẫn im ắng. Dự báo về sự hụt hơi của sân khấu thiếu nhi phải chăng đã thành hiện thực? Trẻ thơ sẽ không còn sân khấu để bay bổng với những giấc mơ và học những bài học về nhân nghĩa, về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống?

Hè năm trước, sân khấu thiếu nhi (SKTN) vẫn còn nhiều lựa chọn khác biệt với các vở Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó!, Tiên hắc ám, nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 101, chương trình ca múa nhạc kịch Nàng tiên cá và viên ngọc biển xanh… Nhưng hè này, ngoài chương trình Ngày xửa ngày xưa 32 - Truy tìm thủy long kiếm (diễn suất đầu tiên ngày 25/5) thì các nơi vẫn lặng lẽ. Từng chi hơn 200 triệu đồng cho vở kịch thiếu nhi Tiên hắc ám, năm nay, SK Trịnh Kim Chi không dàn dựng tác phẩm mới, thay bằng chương trình ca nhạc tạp kỹ và hai trích đoạn Lọ lem truyền kỳ, Tiên hắc ám, trích từ hai vở diễn đã ra mắt trong năm 2017 và 2018.

San khau thieu nhi he 2019: Mua nang han
Truy tìm thủy long kiếm - vở kịch mới hiếm hoi của thiếu nhi mùa hè 2019

Không dàn dựng kết hợp rối và xiếc như những năm trước, Nhà hát Phương Nam giới thiệu chương trình kịch xiếc Tarzan - Những người bạn rừng xanh, mở màn đợt diễn hè, từ ngày 26/5. Vở kịch thiếu nhi Thiên thần nhỏ của tôi (SK kịch Hồng Hạc) cũng sẽ có một suất diễn đúng ngày 1/6, tại Nhà hát Thành phố. Rất có thể, Truy tìm thủy long kiếm là vở duy nhất được dựng mới cho thiếu nhi mùa hè này. Nhưng thực tế buồn này không phải là điều bất ngờ, mà đã được cảnh báo từ lâu.

Dù SKTN đầy tiềm năng, đây vẫn là thị trường không dễ khai thác. Ngay cả Idecaf với thương hiệu Ngày xửa ngày xưa đã tồn tại gần 20 năm, mỗi khi dựng vở mới, “ông bầu” vẫn âu lo về công tác tổ chức biểu diễn và khả năng thu hồi vốn. Dựng kịch cho thiếu nhi khó và tốn kém hơn nhiều so với kịch người lớn. Để có một tác phẩm hấp dẫn trẻ thơ, nhà sản xuất (NSX) có thể phải đầu tư kinh phí gấp 3, thậm chí gấp 5-6 lần. Ê-kíp sáng tạo, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên đến cảnh trí, phục trang, đạo cụ… cũng phải nỗ lực, nhiều hơn.

Công tác quảng bá, tiếp thị cho SKTN cũng khiến không ít NSX đau đầu. Sau một năm “tìm đường” đến với trẻ thơ bằng vở Tên trộm thành Bát Đa, SK Thế Giới Trẻ đã quyết định “đóng cửa” SKTN. “Làm kịch thiếu nhi, nhưng chỉ toàn khán giả người lớn đến xem, khiến ê-kíp mất đi sự hào hứng. Không đủ kiên nhẫn và cũng không biết cách quảng bá với khán giả thiếu nhi, chúng tôi quyết định chỉ tập trung cho kịch người lớn” - quản lý SK Thế Giới Trẻ - đạo diễn Ngọc Hùng - chia sẻ.

San khau thieu nhi he 2019: Mua nang han
Ngày xửa ngày xưa 31 - Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó!

Khi còn “đóng đô” ở Nhà thiếu nhi TP.HCM, SK Hoàng Thái Thanh cũng là điểm đến của nhiều khán giả nhí mỗi dịp hè. Nhưng từ khi chuyển về Nhà thiếu nhi Quận 10 (năm 2014), Hoàng Thái Thanh chỉ dựng một vở là Lọ lem và hoàng tử cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Phần vì điểm diễn mới, phần do SK quá xa, một số đơn vị đã hợp đồng suất diễn cho thiếu nhi báo hủy, vì phụ huynh ngại đưa con đi xem.

Không chỉ những SK có điểm diễn cố định, nhiều NSX cũng rất mặn với SKTN, sẵn sàng chi tiền dựng vở, như Công ty Giờ Vàng với vở kịch xiếc Bầy quỷ và viên ngọc thần, “ông bầu” Gia Bảo và vở ca múa nhạc kịch Chúa tể muôn loài, TiniWorld làm nhạc kịch Bé chịu chơi… nhưng đa phần đều dừng lại sau vở “dò đường”. Lạ một điều, các nhà thiếu nhi khắp 24 quận, huyện đều có hội trường, SK khang trang, nhưng hầu hết chỉ để đó, hiếm khi có tác phẩm biểu diễn.

Nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo… về SK người lớn đã được tổ chức để bàn luận thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ… trong khi SKTN bị bỏ rơi. Phải chăng những người có trách nhiệm quên rằng, thiếu nhi chính là thế hệ khán giả tương lai của SK thành phố? Quên chăm chút, gầy dựng lứa khán giả này, dù SK người lớn có đổi thay, có được hỗ trợ thì mai đây, chắc gì còn ai hứng thú đến nhà hát xem kịch nói, cải lương. Những người còn đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm với thiếu nhi vẫn cứ cắm cúi bước theo lối đi khó, giữa muôn vàn khó khăn của SK hiện tại. Nếu một ngày họ “buông tay”, SKTN sẽ còn lại gì?

Trước thực trạng đáng báo động của SKTN hè 2019, sáng nay - 22/5, buổi trò chuyện bàn tròn chủ đề Bỏ rơi sân khấu thiếu nhi: Trách nhiệm của ai? sẽ diễn ra tại trụ sở Báo Phụ Nữ TP.HCM - 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3. Buổi trò chuyện có sự tham gia của những người từng nhiều năm gắn bó với SKTN trong các vai trò NSX, tác giả, đạo diễn, diễn viên… và đại diện một số cơ quan, ban, ngành, để đánh giá lại những tồn tại, khó khăn và cùng bàn bạc, đề xuất những giải pháp mang tính khả thi nhất trong chiến lược đầu tư và phát triển SK cho thiếu nhi. 

Từ nhiều năm nay, dựng vở diễn cho thiếu nhi mỗi khi hè về dường như chỉ là chuyện của các sân khấu tư nhân. Trừ Nhà hát Phương Nam, với loại hình rối - xiếc khá gần với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi, nên còn tham gia sân khấu hè, các đơn vị công lập đều đứng ngoài cuộc.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI