Bộ “công cụ” giúp tuổi học đường tránh xa ma túy

29/07/2021 - 06:50

PNO - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD vừa cho ra mắt Bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy”.

Bốn cuốn sách dành cho học sinh THCS, THPT; phụ huynh, và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bộ sách là sự ấp ủ hơn 20 năm của Chủ tịch Hội đồng Viện PSD, tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn. Ông còn là thành viên sáng lập Liên hiệp các tổ chức Điều trị nghiện thế giới ICARO với 48 quốc gia thành viên. Báo Phụ Nữ TPHCM đã trò chuyện cùng ông.

* Phóng viên: Ông giúp nhiều người nghiện ma túy làm lại cuộc đời, lập Viện PSD, dựng cả bảo tàng về tội ác do ma túy gây ra. Và bây giờ là bộ “Kỹ năng phòng, chống ma túy” để đưa vào học đường. Ông vừa kinh doanh, vừa đổ tiền lẫn tâm huyết để chống ma túy. Điều gì đã thôi thúc ông?

- Ông Lê Trung Tuấn: Tôi từng là người nghiện ma túy. Sau 20 năm cai nghiện rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến những hành vi không phải là của con người trong những năm lệ thuộc ma túy, tôi vẫn thấy xấu hổ, nhục nhã. Tuổi 20 đã sa chân vào ma túy, cả nhóm bạn nghiện trong Trường cao đẳng Tài chính (nay là Trường đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) lẫn nhóm bạn nghiện bên ngoài của tôi; đến bây giờ đã gần 200 người chết vì ma túy. 

Hình ảnh ám ảnh nhất và nỗi đau cho đến bây giờ là khi tôi chia tay người vợ đầu tiên, mẹ tôi cố gắng lao ra để giữ con dâu lại cho con trai mình, rồi bà trượt chân ngã sõng soài ở đó. Sau này, khi giúp đỡ những người nghiện ma túy, tôi luôn đặt bản thân vào vị trí của họ. Tôi nghĩ ngày đó mình cần gì thì hiện tại họ cũng cần như vậy. Và tôi cũng hiểu xã hội đang thực sự cần gì trong việc phòng, chống ma túy để có thể góp phần. 

* Việc trang bị kỹ năng phòng, chống ma túy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trong môi trường học đường có điểm gì đặc biệt, thưa ông?

- Tuổi học đường vừa do dần xa vòng tay của gia đình, vừa do tâm lý lứa tuổi - thích thể hiện, môi trường bên ngoài thì dễ dãi nên việc tiếp cận ma túy hoàn toàn không có hàng rào phòng ngự nào. Như tôi trước đây, chỉ trong một đêm sinh nhật bạn, giữa phòng hát karaoke đó, tôi đã sử dụng ma túy một cách hồn nhiên. Tôi nghĩ đơn giản nó như hút thuốc lá, thuốc lào vì tôi không hề được trang bị, không hề có một nhận thức nào về nguy hiểm, tác hại của nó.

Điều đặc biệt ở người nghiện ma túy là lần sử dụng đầu tiên, thứ hai hay thứ ba của họ - không ai sử dụng một mình. Những lần đầu họ sử dụng đều chung với nhóm bạn từ những cuộc chơi. Ý tôi muốn nói, sử dụng ma túy hay không là do mình. Từ sự ham muốn, thiếu hiểu biết của mình dẫn đến việc bị rủ rê. Cũng cần nói thêm là những kẻ sử dụng ma túy luôn rắp tâm dùng đủ mọi cách để lôi kéo người khác vào. Như thế chúng vừa có thêm tiền để sử dụng ma túy, vừa có thêm “bạn chơi” cùng cho vui.

Do đó, chúng ta có thể giảm trừ nó ở mức tối đa bằng cách thông qua cộng đồng xã hội, qua từng học sinh. Tôi hy vọng, với bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”, học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh sẽ được trang bị đầy đủ - từ hậu phương đến tiền tuyến. Tôi gọi đó là vũ khí hạng nặng nhất trong cuộc chiến phòng ngừa ma túy. 

* Ông có thể chia sẻ quá trình từ sự ấp ủ hơn hai mươi năm đến khi bộ sách ra đời?

- Trước khi bộ sách ra đời, tôi đã đến các trường học trên nhiều tỉnh, thành, nói chuyện và hướng dẫn khoảng một triệu học sinh về kỹ năng nhận biết hay những kỹ năng để thoát khỏi tình huống trong ma túy; cũng như tôi đã đi hướng dẫn cho hàng trăm ngàn phụ huynh về dấu hiệu nhận biết con em họ có sử dụng ma túy hay không, cách để phòng ngừa…

Bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD cho ra mắt
Bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD cho ra mắt

“Kỹ năng phòng, chống ma túy” đến với 23 triệu học sinh Việt Nam, đó vừa là mơ ước vừa là niềm tin của chúng tôi. Hơn 20 năm, bộ sách đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Chúng tôi đã làm được một bộ sách đồ sộ, riêng hội đồng biên tập đã gần 30 nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư thuộc các lĩnh vực: tâm lý học, xã hội học, sư phạm, luật… đã làm ròng rã suốt nhiều năm, với nhiều công trình nghiên cứu, rồi một tháng phải họp tới mười lần để chỉnh sửa, trau chuốt từng câu chữ. Ví dụ, chỉ một câu, một chữ không chuẩn là thay vì truyền đạt kiến thức thì lại vô tình kích thích các em. Còn hội đồng thẩm định, cố vấn cũng gồm hàng chục tướng lĩnh trong cuộc chiến phòng, chống ma túy. 

* Hẳn ông đã đặt nhiều kỳ vọng vào bộ kỹ năng đặc biệt này?

- Từ những gì tôi đã trải qua, đã tìm hiểu và tiếp cận rất nhiều người nghiện ma túy, tôi tin sau khi bộ sách ra đời một, hai năm, cục diện chống ma túy ở nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực phòng ngừa sẽ thay đổi, “cầu” sẽ giảm. Kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy trong tay các em như một loại vũ khí giúp các em biết đường tránh. Với phụ huynh, chúng tôi trang bị kỹ năng, kiến thức để nhận diện ma túy trá hình… Việc phòng ngừa này phải được làm bài bản ngay từ lứa tuổi nhỏ. Có thể một năm các em chỉ học vài lần, nhưng 12 năm học liên tục sẽ giúp các em tự xuất hiện một thứ - tôi gọi là vắc xin miễn dịch với sự cám dỗ của ma túy. 

Trong quá trình thực hiện bộ sách, tôi đã tiếp cận với gần 30 đại sứ của gần 30 quốc gia. Chúng tôi mong muốn, bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” có thể đóng góp vào công cuộc phòng, chống ma túy ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Bởi đó là trách nhiệm với các thế hệ đi sau. 
* Cảm ơn ông. 

Minh Tuệ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI