Bình tĩnh ứng phó với đậu mùa khỉ

05/10/2022 - 06:14

PNO - Đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam, tuy nhiên, các đơn vị, địa phương cần bình tĩnh ứng phó bởi dịch khó có thể bùng phát trên diện rộng...

Đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo  các chuyên gia, các đơn vị, địa phương cần bình tĩnh ứng phó bởi dịch khó có thể bùng phát trên diện rộng và công tác kiểm soát đang được thực hiện tốt.

Quan trọng là giám sát, phát hiện ca bệnh mới 

Ca bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia trong suốt thời gian gần đây. Theo đó, nữ bệnh nhân 35 tuổi (TPHCM) khi đang du lịch tại Dubai xuất hiện triệu chứng khởi phát gồm sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu, ho và các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Tại TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM sẽ hướng dẫn, hỗ trợ theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc đậu mùa khỉ (trong ảnh: Chuyên viên của Viện Pasteur TPHCM đang phân tích mẫu bệnh) - Ảnh: P.An
Tại TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM sẽ hướng dẫn, hỗ trợ theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc đậu mùa khỉ (trong ảnh: Chuyên viên của Viện Pasteur TPHCM đang phân tích mẫu bệnh) - Ảnh: P.An

Khi trở về Việt Nam, bệnh nhân đã đi kiểm tra sức khỏe ngay sau một ngày và được xác định dương tính với ĐMK. “Sự xuất hiện của ca bệnh ĐMK không có gì bất ngờ trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu trở lại sau đại dịch COVID-19”, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - nói.

Vị chuyên gia cũng đánh giá, ca bệnh nhập cảnh này đã được phát hiện sớm và cách ly ngay nên nguy cơ lây lan không cao và Việt Nam không quá lo ngại về căn bệnh này. Ông dẫn chứng, một số quốc gia tại châu Á cũng đã ghi nhận một vài ca mắc ĐMK nhưng không bùng lên thành dịch. Thông tin thêm về ca ĐMK đầu tiên, giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay, bệnh nhân này mới chỉ tiếp xúc với người thân trong gia đình, các nhân viên y tế sau khi về nước và tới nay, sau chục ngày, chưa có trường hợp nào có các biểu hiện nghi ngờ lây nhiễm ĐMK. Do đó, ông khẳng định, từ ca bệnh này, dịch khó có thể lây lan ra cộng đồng.

Theo kết quả giải trình tự gen, nữ bệnh nhân đầu tiên mắc ĐMK chủng Monkeypox vi-rút thuộc clade Iib - có nguồn gốc từ Tây Phi, lây lan chậm và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với chủng Trung Phi. Đây cũng là chủng đang lưu hành phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Dù vậy, giáo sư Phan Trọng Lân vẫn lưu ý cần thận trọng, bởi hầu hết các trường hợp ghi nhận mắc bệnh trên thế giới nằm ở nhóm đối tượng, lứa tuổi chưa phải nguy cơ cao để có thể gây tiến triển nặng như ở trẻ em, phụ nữ mang thai... Biện pháp trọng tâm trước mắt, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng là cần phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca lây nhiễm để ngăn chặn bệnh dịch lây lan trong cộng đồng. 

Hiện tại, các cơ sở y tế của Việt Nam đã được hướng dẫn phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ. Người dân cũng được tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết, nguy cơ mắc ĐMK để sớm khai báo, bảo vệ bản thân và tránh lây nhiễm ra người khác. 

Có nên tiêm vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ?

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc ĐMK hiện nay là tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM - hiện một số quốc gia trên thế giới đã cấp phép lưu hành với vắc-xin ĐMK. Tuy nhiên, loại vắc-xin này không được khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cụ thể như những người có quan hệ với nhiều bạn tình. Hồi tháng 8/2022, Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu và tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh ĐMK.

Liên quan tới một số ý kiến cho rằng, có thể sử dụng vắc-xin trước đây phòng bệnh đậu mùa để tiêm ngừa cho các đối tượng có nguy cơ cao, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng khẳng định, đây là quan điểm không hoàn toàn chính xác: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loại vắc-xin đậu mùa (smallpox 
vắc-xin) dùng trước đây không được khuyến cáo sử dụng cho ĐMK”. Ông giải thích, thứ nhất, vắc-xin ĐMK là vắc-xin sống, nên với những bệnh nhân có sức đề kháng kém thì có nguy cơ sẽ bị nhiễm bệnh khi tiêm ngừa. Thứ hai, vi-rút trong vắc-xin ĐMK và đậu mùa là hai loại khác nhau nên các chuyên gia lo ngại có khả năng kết hợp để tạo thành một chủng mới. 

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam mới xuất hiện một ca ĐMK và được cách ly sớm, các chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không lớn. Đặc biệt, tốc độ lây lan ĐMK thấp, chủ yếu lây lan qua việc tiếp xúc với những giọt bắn hô hấp lớn, tiết dịch từ các ban vỡ trên da... Do đó, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Cộng đồng không nên quá hoang mang, lo lắng về căn bệnh này cũng như vấn đề vắc-xin để tiêm ngừa. Điều quan trọng nhất hiện nay là cùng phối hợp với lực lượng chức năng, cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca bệnh. Nếu có tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám”. 

TPHCM tăng cường ứng phó với đậu mùa khỉ

Trước ca mắc ĐMK đầu tiên tại TPHCM, Bộ Y tế cho biết đã làm việc và có công văn khẩn, đề nghị UBND thành phố tăng cường các biện pháp ứng phó và xử lý ổ dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị thành phố tăng cường giám sát và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh ĐMK. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM hướng dẫn, hỗ trợ theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc ĐMK, đồng thời phối hợp với WHO, CDC Mỹ theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin hằng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh ĐMK; thành lập sáu đoàn công tác của bộ để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ĐMK tại các địa phương.

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI