"Big Eyes": Hội họa từ nước mắt

15/04/2021 - 06:59

PNO - Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, những bức chân dung với lối vẽ mắt to đặc trưng của Margaret đã trở thành hiện tượng, kiếm về cho vợ chồng cô hàng triệu đô la.

Năm 1986, một phiên tòa kỳ lạ đã diễn ra tại Honolulu, Hawaii. Bà Margaret Keane, khi đó 59 tuổi, đâm đơn kiện chồng cũ Walter Keane vì mạo nhận là tác giả của những bức tranh do bà vẽ nhằm mục đích trục lợi. Ngay trong phòng xử án, thẩm phán đã quyết định cho cả hai cùng vẽ trong vòng một tiếng để phân xử. Cuối cùng, Margaret là người duy nhất hoàn thành tác phẩm và thắng kiện. Phi vụ lừa đảo của Walter Keane cũng chính thức bị bóc trần, khiến ông ta từ một họa sĩ giàu có và đầy danh vọng, trở thành kẻ trắng tay đến cuối đời.

Vụ tranh chấp tác quyền tranh giữa hai vợ chồng nhà Keane là một trong những bê bối rúng động nhất giới hội họa thế kỷ XX. Câu chuyện lạ lùng và kỳ khôi này đã trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Tim Burton thực hiện bộ phim tiểu sử Big Eyes, với sự tham gia của minh tinh Amy Adams và nam diễn viên hai lần đoạt giải Oscar Christoph Waltz.

Bộ phim bắt đầu khi nữ họa sĩ Margaret Ulbrich (Amy Adams thủ vai) bỏ đi sau khi ly thân với Frank - người chồng đầu tiên. Mang theo con gái Janey, cô chạy trốn khỏi căn nhà ở vùng ngoại ô xinh đẹp, khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt và thế giới sau bốn bức tường của một người vợ.

Đặt chân đến San Francisco phù hoa, Margaret phải kiếm sống bằng nghề thiết kế nội thất, bởi những năm 1950, “sẽ không ai mua tác phẩm của một quý cô”. Những khi rảnh rỗi, cô mang tranh của mình đến công viên chào mời với giá chỉ hai đô la cho mỗi bức.

Trong một lần bán tranh như thế, Margaret gặp gỡ Walter Keane (Christoph Waltz), chàng họa sĩ bảnh trai, ngọt ngào và lịch lãm như một quý ông Pháp đích thực. Họ trở thành vợ chồng sau một đám cưới lãng mạn và chóng vánh. Ngây ngất trong cơn thăng hoa ái tình, Margaret không hề nhận ra rằng đó là những ngày hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc hôn nhân địa ngục kéo dài mười năm của cô.

Khi tác phẩm của Margaret bắt đầu được chú ý, Walter đã hiện nguyên hình là một con buôn lọc lõi và kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Không chỉ mạo nhận là tác giả của những bức tranh, hắn còn dựa vào đó để trục lợi trên quy mô lớn. Như một con rối bị giật dây, Margaret phải cam chịu sống dưới sự thao túng và bạo hành tinh thần của chồng. Cô gần như bị nhốt trong phòng, miệt mài sáng tạo chỉ để chứng kiến đứa con tinh thần bị tước đoạt một cách trắng trợn.

Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, những bức chân dung với lối vẽ mắt to đặc trưng của Margaret đã trở thành hiện tượng, kiếm về cho vợ chồng cô hàng triệu đô la. Tuy nhiên, cả nước Mỹ khi ấy đều tụng ca Walter Keane mà không nhận ra những giọt nước mắt cay đắng trong bóng tối của thiên tài đích thực.

Xuyên suốt bộ phim, người xem không khỏi day dứt về quyết định im lặng thỏa hiệp suốt nhiều năm của Margaret. Cô không đủ can đảm để nói lên sự thật, không thể xoay xở nuôi con, hay muốn tự dằn vặt chính mình vì đã dối trá? Tuy nhiên, có lẽ ngay cả khi Margaret nói thật, cũng chẳng ai tin lời một phụ nữ yếu thế như cô.

Mở đầu Big Eyes, người quản lý ở công ty nội thất đã hỏi Margaret một cách trịch thượng: “Chồng cô có đồng ý cho cô làm việc không?”. Khi Margaret xưng tội trong nhà thờ, vị cha xứ cũng khuyên cô hãy tin tưởng và làm theo quyết định của chồng. Bởi vậy, không chỉ có Walter Keane, mà chính những định kiến xã hội đã buộc một người phụ nữ phải câm lặng, chấp nhận nhìn tác phẩm của mình bị chính bạn đời chiếm đoạt.

Trailer Big Eyes:

 

 

Bất chấp những áp lực khủng khiếp từ chồng, Margaret vẫn vẽ như một nghệ sĩ thực thụ. Cô vẽ để tồn tại, để giải phóng nguồn năng lượng sáng tạo luôn đầy ắp, và để trút bỏ nỗi lòng. Với một cuộc đời chất chứa nỗi buồn, có lẽ chỉ khi sáng tạo nghệ thuật, Margaret mới thực sự được sống. Do đó, những tác phẩm mà Margaret tạo nên đều phóng chiếu thế giới nội tâm dữ dội và u hoài của cô - một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm nhưng chưa từng được yêu thương trọn vẹn.

Trong Big Eyes, phân đoạn đạt đến chiều sâu cảm xúc nhất có lẽ là cảnh Margaret ngồi vẽ chân dung tự họa. Trên toan giấy hiện ra một thiếu phụ tóc vàng với đôi mắt to buồn bã - như chính diện mạo của cô. Cùng lúc đó, tiếng hát ma mị và khắc khoải của Lana Del Rey vang lên, như vọng âm của một giấc mơ tan vỡ:

“Tôi ngỡ ngàng nhận ra/ Tình yêu đã chết/ Đó là lòng tham và những lời ru vỗ của chàng/ Với đôi mắt mở to/ Và những lời nói dối tầm cỡ”.

Nỗi đau của Margaret Keane không chỉ là nỗi đau của người nghệ sĩ bị chiếm đoạt tác phẩm, mà còn là sự tổn thương đến tận cùng của người vợ bị chính chồng mình lợi dụng, thao túng và phản bội. Tuy nhiên, khi đã nếm trải đủ đớn đau, cô quyết định vùng lên để đòi lại công bằng và tất cả những gì thuộc về mình. Mọi nỗ lực đấu tranh đã được đền đáp, khi sau phiên tòa lịch sử năm 1986, Margaret chính thức được công nhận là tác giả duy nhất của những bức tranh từng làm nên tên tuổi Walter Keane.

Ngoài đời thực, Margaret Keane lý giải thói quen vẽ mắt to khác thường của mình rằng: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Hồi nhỏ, tôi từng bị điếc tạm thời khi trải qua một cuộc phẫu thuật, và khi đó, đôi mắt là cách duy nhất giúp tôi cảm nhận thế giới”.

Có lẽ, chính sự hồn nhiên và khao khát kết nối từ thời ấu thơ đã giúp bà vực dậy khỏi quãng đời tăm tối và tiếp tục vẽ không ngừng nghỉ. Dường như đến tận cùng, sau bao cay đắng và thăng trầm, Margaret Keane vẫn luôn nhìn đời bằng đôi mắt mở to của một đứa trẻ, như trong những bức chân dung trứ danh của bà. 

Minh Trang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI