Biên kịch Nguyễn Khánh Dương: Giấc mộng lớn về truyện tranh Việt

29/12/2019 - 15:48

PNO - Ước mơ của biên kịch Nguyễn Khánh Dương không phải đưa truyện tranh Việt ra thế giới mà trên sân nhà, họa sĩ Việt phải thống lĩnh thị trường.

Mười năm trước, anh và người bạn thân - họa sĩ Thành Phong chọn ngã rẽ an toàn thay vì đi con đường khó thì 10 năm sau, cả hai cùng chọn đối mặt thử thách.

Hành trình không đơn độc

Thân nhau từ những ngày đầu cấp III, Nguyễn Khánh Dương và Thành Phong trở thành cặp bài trùng không chỉ ngoài đời mà còn “hợp rơ” trong công việc. Khánh Dương đam mê viết lách còn Thành Phong mơ thành họa sĩ truyện tranh. Cả hai thành lập nhóm vẽ Phong Dương năm 2004 và bắt đầu định danh trên nhiều báo, tạp chí với các tác phẩm truyện tranh dí dỏm, sáng tạo.

Trong thời buổi không nhiều họa sĩ truyện tranh Việt xuất hiện, Phong Dương nổi lên như một hiện tượng, nhưng riêng với Khánh Dương, anh chưa bao giờ nghĩ sáng tác truyện tranh là công việc ổn định, có thể gắn bó lâu dài. Điều anh nhìn thấy là “thị trường trong nước đang bị “xâm lăng” bởi các sản phẩm truyện tranh nước ngoài, có rất ít cơ hội cho truyện tranh Việt Nam được đến tay độc giả”. Cho nên, nếu cố đi một con đường khó khăn, anh và người bạn của mình sẽ chẳng nhận được gì ngoài những vỡ mộng bước đầu.

Bien kich Nguyen Khanh Duong: Giac mong lon ve truyen tranh Viet
Khánh Dương - Thành Long - Mỹ Anh trong thời gian thực hiện bộ truyện Long Thần Tướng

Những dự án của cả hai dừng lại. Thành Phong vẫn chọn công việc sáng tác truyện tranh. Còn Khánh Dương chuyển sang công việc biên kịch cho vài dự án điện ảnh. Cứ thế mà 10 năm trôi qua.

 Rồi chàng trai 20 tuổi năm nào từng lo sợ, từng căng não suy nghĩ và chọn bỏ cuộc thì chính chàng trai ấy năm 30 tuổi, với kinh nghiệm, vốn hiểu biết đủ phòng thân đã tự hỏi, phải làm gì với ước mơ của mình? 

Công ty truyện tranh Comicola được thành lập. Bởi, tình yêu dành cho truyện tranh luôn còn trong Khánh Dương, huống hồ người bạn thân Thành Phong luôn truyền cho anh nguồn cảm hứng với các bức vẽ, câu chuyện. Phong và Dương “gặp nhau”.

Công ty non trẻ chào sân bằng bộ truyện tranh dã sử Long Thần Tướng do Thành Phong, Mỹ Anh đảm nhận vai trò mỹ thuật, Khánh Dương kể chuyện và Trần Quang Đức cố vấn lịch sử. Không chỉ ngày đầu mà cho đến hiện tại, bộ truyện vẫn được xem là cú hích của truyện tranh Việt vì dung hòa được yếu tố lịch sử với nét vẽ hiện đại. Khi Long Thần Tướng chinh chiến tại các giải thưởng quốc tế, câu chuyện về cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông của Nhà Trần, giai đoạn từ năm 1279 - 1285 trở nên đặc biệt. Độc giả quốc tế không chỉ tiếp nhận một tân binh của làng truyện tranh mà còn dành lời ngợi khen cho phần nội dung mang đậm yếu tố văn hóa - lịch sử.    

Còn trong nước, khi cơn khát sản phẩm “cộp mác” truyện tranh Việt được đẩy lên cao, hình thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) mà Khánh Dương liều lĩnh thử nghiệm với Long Thần Tướng, thành công ngoài dự tính. Con số hơn 330 triệu đồng thu về chẳng khác “chất kích thích” với các thành viên dự án vì minh chứng cho niềm tin của độc giả với sản phẩm họ sẽ nhận được trong tương lai. Và “vàng thật” ra đời, Long Thần Tướng chỉn chu về nội dung lẫn hình thức.

Long Thần Tướng là tác phẩm truyện tranh đầu tiên của chúng tôi, và cũng là tác phẩm có giá trị cộng đồng lớn nhất. Ban đầu, khi sử dụng mô hình gây quỹ cộng đồng để có nguồn vốn xuất bản, tôi cũng xác định chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của mình dành cho tác phẩm dang dở 10 năm về trước. Tuy nhiên, nhờ sự thành công của Long Thần Tướng, tôi tin vào hướng đi của mình và những bạn tác giả Việt cũng nhìn thấy được cơ hội đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng”, Khánh Dương chia sẻ.

Theo Khánh Dương, gọi vốn cộng đồng là hình thức hợp lý để giảm thiểu rủi ro, đo lường được thị hiếu của độc giả cũng như minh chứng cho sức hút của chính sản phẩm. Hình thức xuất bản sách tiềm năng này đang giúp Comicola trở thành điểm đến tin cậy để sau Long Thần Tướng, là sách pop-up Sài Gòn phố, Mật ngọt chết mèo, Tuyệt đỉnh sinh vật, Truyện cực ngắn của Đào Quang Huy, Hoa văn Đại Việt, Họa sắc Việt, Dệt nên triều đại... lần lượt được ra mắt.

Bien kich Nguyen Khanh Duong: Giac mong lon ve truyen tranh Viet

Giấc mộng không... trầm kha

Truyện tranh Việt Nam đi Tây hoàn toàn không còn là mơ ước viển vông. Tuy nhiên, tại thị trường truyện tranh Việt hiện tại, cuộc chơi vẫn đang nghiêng về phía các đơn vị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Việt Nam không thua trắng trên sân nhà nhưng chưa thể thống lĩnh thị trường trong nước. Do đó, khi đặt vấn đề về đường đi của truyện tranh Việt trong năm 2020 và những năm tiếp theo, biên kịch Khánh Dương khẳng định sân chơi trong nước vẫn còn thênh thang.

“Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, 30 năm trước, hay Trung Quốc 10 năm trước, các sản phẩm văn hóa nội địa đều chịu sự cạnh tranh vô cùng lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, với sự mạnh tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ sản phẩm văn hóa nội địa, dần dần các tác phẩm trong nước của họ đã lấy lại được thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài”. 

Hẳn nhiên, thỉnh thoảng trong làng truyện tranh có vài vụ đạo nhái ý tưởng, cũng có khi là lời chê nét vẽ của họa sĩ Việt hao hao truyện tranh Nhật Bản và đôi lúc, là những màn “sáng tạo” đi ngược thuần phong, mỹ tục... Nhưng Khánh Dương cho biết, khi làm việc với nhiều họa sĩ, việc đạo nhái ý tưởng (nếu có) rất hạn hữu. Ngoài ra, anh khẳng định thị trường truyện tranh Việt vẫn còn non trẻ nên việc chịu ảnh hưởng hoặc học tập phong cách sáng tác của những người đi trước là hoàn toàn khó tránh khỏi. Chắc chắn người đọc sẽ không “dung nạp” những nội dung đạo nhái và người làm sáng tạo nếu “từ chối” đặc quyền sáng tạo sẽ không thể đứng vững ở thị trường. Khánh Dương tin rằng, cũng giống như những đất nước khác, “khi nền truyện tranh của chúng ta phát triển, sẽ tự định hình phong cách riêng. 

Giờ đây, với Dương, là hãy cứ thực hiện thay vì chỉ bàn tán. Bởi có sai sót, vấp ngã mới có kinh nghiệm để tìm hướng đi đúng. Mười năm trước, khi cơ hội tiến thân bằng truyện tranh mở ra cho Khánh Dương và Thành Long thì cả hai lại chọn hướng đi an toàn vì thấy đường đi quá khó. Và chính quyết định này là điều khiến Khánh Dương nuối tiếc nhất.

Comicola tổ chức Vietnam Comics Day như một sự kiện thường niên nhằm tạo sân chơi cho những ai làm trong lĩnh vực hoặc yêu thích truyện tranh đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác. Bên cạnh việc gọi vốn cộng đồng và tiếp tục ấn hành những tác phẩm truyện tranh chất lượng, Khánh Dương cho biết thị trường Hàn Quốc - thị trường mới nổi với dòng sản phẩm truyện tranh dành cho điện thoại di động (webtoon) đang thực sự quan tâm đến thị trường truyện tranh Việt Nam. Trong năm 2020, mục tiêu của biên kịch Khánh Dương và cộng sự là có thể chuyển thể các tác phẩm truyện tranh thành phim. Ngoài ra, những sản phẩm chuyển thể/phái sinh đầu tiên cũng sẽ được ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI