Bị cấm, phụ nữ châu Á vẫn đông lạnh trứng chờ “đối tác”

13/07/2021 - 16:49

PNO - Mong muốn có con nhưng vì nhiều lý do, ngày càng nhiều phụ nữ độc thân chọn cách đông lạnh trứng. Tuy ở nhiều nước, thủ thuật này bị cấm nhưng họ vẫn chấp nhận thử thách với chính sức khỏe, tài sản của mình để thực hiện bằng được.

Khi “đối tác” chưa thể đến

Hẹn hò mãi nhưng không tìm được người như ý để kết hôn, bận rộn công việc không có thời gian hẹn hò, do áp lực tài chính… là những lý do khiến rất nhiều phụ nữ dù muốn có một gia đình nhưng “không phải muốn là được”. Trong khi đó theo thời gian, tuổi sinh sản phụ nữ bị rút ngắn khi buồng trứng dần lão hóa. Vì thế, nhiều phụ nữ đã tìm cách đông lạnh trứng. 

“Xu hướng này ngày càng tăng ở những phụ nữ chậm sinh con. Thực sự, nhu cầu này hiện rất lớn vì nhịp sống xã hội đã thay đổi. Phụ nữ có cơ hội được học tập và tiếp nhận nền giáo dục cao hơn, cách sống cũng khác biệt…”, tiến sĩ Ingrid Lok Hung, chuyên gia y học sinh sản Bệnh viện và Viện điều dưỡng Hồng Kông, nói.

 

Nhân viên y tế tại Trung tâm sinh sản KL (Malaysia) thực hiện quy trình trữ đông trứng - ẢNH: AFP
Nhân viên y tế tại Trung tâm sinh sản KL (Malaysia) thực hiện quy trình trữ đông trứng - Ảnh: AFP

Kể từ khi em bé “trong ống nghiệm” đầu tiên được sinh ra vào năm 1978, nhờ nhà sinh lý học Robert Edwards của Đại học Cambridge và bác sĩ sản khoa Patrick Steptoe, các phương pháp hỗ trợ sinh sản đến nay đã thành công với hơn 6 triệu ca. Ở nhiều quốc gia, từ 3 - 6% trẻ em được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Trên khắp thế giới, phụ nữ đông lạnh trứng để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp hoặc dành thời gian chờ gặp đúng người bạn đời như mình muốn đã trở nên phổ biến. Ở châu Á, nhu cầu về thủ thuật này đang tăng khi những người nổi tiếng, có ảnh hưởng chia sẻ quyết định đông lạnh trứng của họ. Trong khi đó, ở Mỹ và Anh, các công ty như Google, Apple và Facebook cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng cho nhân viên trẻ tuổi như một phần trong gói phúc lợi tiêu chuẩn của họ.

Thách thức về y tế và luật pháp

Mặc dù sẵn sàng bỏ số tiền lớn, thử thách về sức khỏe với hành trình dài và nguy hiểm từ tư vấn, khám, làm thủ thuật để đông lạnh trứng nhưng không phải ai muốn cũng được khi luật pháp nhiều nước cấm phụ nữ độc thân làm thủ tục này.

Ở Trung Quốc, hồi tháng Ba, chính quyền đã tăng cường lệnh cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, phụ nữ độc thân không được phép đông lạnh trứng vì những rủi ro y tế và vấn đề đạo đức. Luật pháp nước này và nhiều nước khác chẳng hạn như Singapore chỉ cho phép thực hiện các công nghệ hỗ trợ sinh sản với phụ nữ đã kết hôn. Riêng Hồng Kông thì phụ nữ có thể ký gửi trứng nhưng họ sẽ không được thụ tinh trừ khi đã kết hôn.

“Đàn ông chưa lập gia đình có thể đông lạnh tinh trùng nhưng phụ nữ không được phép đông lạnh trứng”, Erica (40 tuổi), quản lý cấp cao một công ty quảng cáo ở Singapore, cho biết. Để theo đuổi hành trình này, nhiều phụ nữ đã ra nước ngoài thực hiện dù chi phí cao hơn.

Tại Trung Quốc, chi phí đông lạnh trứng chỉ hơn 3.000 USD nhưng do bị cấm, nhiều phụ nữ đã chọn cách bay sang Thái Lan, Malaysia, Úc, Mỹ để làm thủ thuật này với giá từ 10.000 USD trở lên.

Ở Hồng Kông, các bệnh viện công có trợ cấp IVF cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, với mức phí từ 1.300 - 3.500 USD, nhưng đối với phụ nữ độc thân nếu trữ trứng thì họ phải chịu mức giá cao gấp tám lần. Những ai cố tình du lịch nước ngoài để thụ tinh ống nghiệm hoặc mang thai hộ sẽ bị xem là tội phạm hình sự. 

Thế nhưng, giờ đây trở ngại lớn hơn cả đối với những phụ nữ có ý định lách luật bằng cách ra nước ngoài để đông lạnh trứng là đại dịch COVID-19.

“Tôi sợ rằng nếu COVID-19 tiếp tục sẽ không có chuyến bay nào đến Úc, nơi tôi được bác sĩ khuyên nên đông lạnh trứng ngay trong năm nay. Thời gian trôi qua mỗi tháng, tôi đang cảm thấy mình càng đến gần ngày không còn được làm mẹ nữa”, Erica chia sẻ.

Harriet - đang sống ở Hồng Kông - đã hy vọng sẽ đông lạnh trứng của mình vào dịp Giáng sinh năm rồi khi cô trở về Úc, nhưng đại dịch khiến cô không thể đi. “Tôi gặp khá nhiều áp lực khi phải làm điều này nhưng rõ ràng đại dịch đang dần bóp nghẹt hy vọng của chúng tôi”, Harriet nói.

Tương tự như Harriet, một phụ nữ khác là Joscelyn rất muốn có thêm một đứa con vào năm ngoái, nhưng điều đó gần như không thể vì COVID-19. “Tinh trùng của người hiến tặng cho tôi ở London và tôi không thể lấy được. Tôi hiện đã 42 tuổi và nhận thấy rằng thời gian đang dần đẩy mình ra khỏi cuộc chơi”, cô nói. 

Thảo Nguyễn (theo AFC, Zhihu, SCMP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI