Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ diễn biến bất thường

03/01/2023 - 06:42

PNO - Bình thường, từ tháng Tám đến tháng Mười một là đỉnh điểm của viêm phổi, sau đó giảm dần đến tết. Tuy nhiên, năm nay bệnh chưa có biểu hiện dừng lại.

 

Bé T. đang được phun khí dung điều trị tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - ẢNH: P.A.
Bé T. đang được phun khí dung điều trị tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - ẢNH: P.A.

Vào ra bệnh viện vì viêm đường hô hấp

Mỗi lần thấy con phải xoay trở vì khó thở, chị Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi, ở Q.1, TPHCM) không khỏi tự trách mình. Tháng trước, khi con trai là bé T.Q.H. (4 tuổi) bị ho, sổ mũi, chị Thanh nghĩ con chỉ bị cảm ho vì thời tiết chuyển lạnh nên tự ra tiệm mua thuốc cho bé uống. Sau khi uống thuốc, bé H. có thuyên giảm, chỉ sổ mũi khi hết thuốc nên chị vẫn tiếp tục tự mua thuốc điều trị cho bé. 

“Đến ngày thứ năm sau khi bị bệnh, con trai tôi quấy khóc, bỏ ăn, ho nhiều đàm. Lúc này, tôi định đưa bé đến bệnh viện nhưng người thân nói bé ho ra đàm đặc là sắp hết bệnh nên tôi để bé ở nhà. Nhưng 2 ngày tiếp theo, bé bị khó thở, mệt mỏi…, tôi phải ôm con đi cấp cứu. Bác sĩ nói bé bị viêm phổi nặng, phải trợ thở”, chị Thanh nhớ lại. Theo chị Thanh, bé H. nhập viện điều trị hơn 2 tuần mới khỏi bệnh, nhưng về nhà chưa được 10 ngày đã phải quay lại bệnh viện. 

Gần đó, bé N.T.T. (6 tháng tuổi, ở tỉnh Bến Tre) đang khóc ngằn ngặt vì khó chịu bởi các cơn khó thở. Bé được cha mẹ cho phun khí dung theo chỉ định của bác sĩ ngay để dễ thở hơn. Theo ba của bé T., hơn nửa tháng trước, bé bị ho, sổ mũi nhiều nên gia đình đưa bé đến phòng khám tư ở địa phương. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp trên, cho thuốc về uống. 

Trong lúc uống thuốc, bé giảm ho, sốt nhưng nước mũi khi đặc khi lỏng, gia đình vẫn đều đặn thăm khám cho con theo lịch hẹn của bác sĩ. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng hơn, thở mệt, hay giật mình, quấy khóc, bỏ bú… nên gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương khám lại. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, thấy vậy gia đình đưa bé đi TPHCM điều trị. Hiện sức khỏe của bé T. đã ổn định nhưng phải tiếp tục được xông khí dung, theo dõi sát phòng trường hợp bệnh tái phát trở lại.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, hiện bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ chiếm khoảng 20% trong tổng số bệnh nhi nhập viện. Trung bình mỗi ngày, trẻ em điều trị ở Khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2 trên dưới 300 bé. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quỳnh Hương - Trưởng khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết, những năm trước, trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp tăng nhanh từ tháng Chín, đến tháng Mười hai số lượng bệnh nhi sẽ giảm dần cho đến tết. Tuy nhiên, năm nay trẻ bị viêm phổi nhập viện vẫn còn cao, trẻ tái đi tái lại nhiều lần. Thậm chí, có trẻ mắc bệnh hô hấp sau đó chuyển biến qua viêm amidan, viêm tai giữa… 

Bệnh kéo dài trên 3 ngày cần đi khám ngay

“Hiện tại, trung bình Khoa Hô hấp 2 tiếp nhận trên dưới 60 bệnh nhi mắc viêm phổi nặng, đa số bệnh nhi từ 2-4 tuổi, trẻ đang học mẫu giáo, tiểu học. Trong đó, nhiều bé đã mắc bệnh nền từ trước như loạn sản phổi, xơ phổi… phải thở ô xy, trợ thở trong thời gian dài. Thậm chí trẻ mắc bệnh tái đi tái lại, chỉ về nhà được 2 tuần rồi phải trở lại nhập viện”, bác sĩ Quỳnh Hương nói.

Năm nay, diễn tiến bệnh hô hấp của trẻ có đặc điểm khác hơn so với mọi năm. Ban đầu do thời tiết chuyển mùa, không khí se lạnh, trẻ bị nhiễm siêu vi trước với các dấu hiệu như cảm ho, sổ mũi, bệnh có thuyên giảm nhưng kéo dài. Lúc này, trẻ đã bị tổn thương các niêm mạc phổi, khi vi rút, đặc biệt là vi rút Adeno tấn công, các bé đột ngột chuyển biến nặng gây nhiều biến chứng.

Với trẻ có bệnh nền sẵn, nhất là nhũ nhi nếu bị viêm đường hô hấp sức chống đỡ rất yếu nên dễ xảy ra biến chứng cần nhập viện theo dõi sát. Còn các bé có cơ địa bình thường có thể diễn tiến bệnh nặng nhanh hơn, kéo dài 2-3 tuần sẽ thuyên giảm được xuất viện về nhà.

Sau dịch COVID-19, người dân đã có thói quen đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách an toàn, mọi người cũng chủ động hơn về chăm sóc, cách ly khi bản thân có dấu hiệu của bệnh. “Tuy nhiên, từ việc quá quen thuộc với mặt bệnh, chúng ta cũng đang dần lơ là, chủ quan. Vì vậy, nhiều trẻ bị viêm hô hấp được theo dõi tại nhà đến hơn 7 ngày cho đến khi trẻ chuyển biến nặng, có dấu hiệu suy hô hấp mới được đưa đến bệnh viện cấp cứu thay vì sau 2, 3 ngày bệnh”, bác sĩ Hương lưu ý.

Điều này làm cho những bé mắc hô hấp “âm thầm”, tức là biểu hiện không quá nặng, diễn tiến bệnh mức độ trung bình nhưng lặp đi lặp lại nhiều ngày không được thăm khám, điều trị kịp thời, trẻ dễ chuyển biến qua viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng. Vì vậy, cha mẹ đừng nên chủ quan khi thấy con mình và các trẻ xung quanh đều nóng, ho, sổ mũi… thì nghĩ chỉ cảm thông thường do thời tiết thay đổi. Nhất là với trẻ từ 2-4 tuổi, trẻ đang đi học bị bệnh trên 3 ngày bởi tốc độ lây nhiễm của các bệnh về hô hấp rất nhanh. 

Nếu trẻ bị sốt, ho kéo dài nhiều ngày, hoặc tiếng ho nặng nề, âm thanh gắt, cao, ho nhiều đàm xanh, nước mũi có màu xanh, ho dai dẳng đêm ngày… hoặc các triệu chứng liên quan về hô hấp kéo dài trên 3 ngày, bệnh tái lại khi hết thuốc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay bởi rất có thể trẻ đang tiến triển nặng hơn. Trường hợp trẻ thở nhanh, thở co kéo, lõm ngực… phải đưa ngay vào bệnh viện. 

Phòng bệnh bằng cách giữ ấm cho trẻ

Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết sẽ lạnh từ nay cho đến qua tết, vì vậy giữ ấm cho trẻ rất cần thiết trong phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp. Quan trọng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ tránh việc thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh một cách đột ngột. Nơi bé ngủ, sinh hoạt phải thoáng khí nhưng tránh luồng gió thổi trực tiếp vào đường hô hấp của trẻ. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.

Với trẻ nhỏ, việc đeo khẩu trang sẽ khó khăn, vì vậy tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt nếu có trẻ mắc bệnh trên 3 ngày, nên cho trẻ ở nhà tránh lây lan cho các trẻ khác.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI