Bệnh nhân ung thư rối bời bởi hai tình cảnh

12/10/2021 - 06:16

PNO - TPHCM đang dần mở cửa, bệnh nhân ung thư bị kẹt lại muốn về quê tịnh dưỡng, còn bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành lại loay hoay tìm đường đi TPHCM điều trị.

Kẹt lại thành phố nhiều tháng

Mấy ngày qua, cứ khoảng 10g và 15g hằng ngày, chị N.T.T.Q. (43 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) lại thấp thỏm vào ra cổng Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM (cơ sở 1) tìm xe khách về quê. Hơn bốn tháng qua, chị phải thuê phòng trọ ở chung với ba bệnh nhân khác để tiện việc điều trị, nhưng lòng cứ trông ngóng về quê nhà. 

Trong căn phòng trọ nhỏ gần BV, giường của chị đã được sắp xếp gọn gàng, vài bộ đồ cuộn sẵn vào túi xách, khi nào “cò xe” gọi điện thoại, chị sẽ về ngay. “Phần vì không còn tiền, phần quá nhớ con, tôi cũng xong đợt hóa trị rồi, lãnh thuốc một tháng. Đưa cò xe 20.000 đồng, khi có xe người ta gọi cho về chứ chồng tôi đi rước chưa được. Phòng trọ của tôi hôm trước hai người bị lây COVID-19 đi điều trị rồi, một chị chuyển đi, ở một mình tiền thuê cao. Về quê thoải mái tinh thần, cũng đỡ tốn tiền ăn ở hơn”, chị Q. chia sẻ.

Nhiều phụ huynh và bệnh nhi tại Bệnh viện  Nhi Đồng 2 TP.HCM đang nôn nóng muốn trở  về quê - ẢNH: PHẠM AN
Nhiều phụ huynh và bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đang nôn nóng muốn trở về quê - Ảnh: Phạm An

Ngồi đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở BV Nhi Đồng 2, trước khi cho con vào trong hóa trị, anh Trần Văn Ngồng (43 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) nhìn theo bé trai bốn tuổi đang chạy nhảy phía hành lang. Con trai anh được phát hiện ung thư lúc sáu tháng tuổi. Hằng tháng, anh cùng vợ đưa con đi truyền máu, làm hóa trị. Từ tháng 4/2021 đến nay, hai cha con anh kẹt lại TPHCM, ở nhờ căn nhà nhỏ của người bà con. “Bệnh của bé phải vô thuốc đúng thời điểm, không sẽ rất khó khăn. Một mình vợ tôi phải trông hai đứa nhỏ ở nhà, rồi đi vay tiền cho cha con tôi trên này. Nếu được về, tôi cũng đi làm thêm được chút ít, đỡ tốn tiền nữa”, anh Ngồng tâm sự.

Nếu chị Q., anh Ngồng hay nhiều bệnh nhân ung thư đang mắc kẹt ở TPHCM muốn lãnh thuốc về quê, thì không ít bệnh nhân khác đang mong sớm đến BV tại đây để chữa bệnh. Trong số ít người bệnh ở các tỉnh lân cận TPHCM đến được BV Ung Bướu, BV Thành phố Thủ Đức… điều trị, chị N.T.G. (37 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) vừa mừng vừa lo. Chị G. nói: “Tôi được bác sĩ tư vấn và cho thuốc từ xa hơn bốn tháng nay. Tuy có thuốc cũng không an tâm khi chưa được khám lại. Nhưng lên đây tôi lại lo bị lây bệnh, nên dặn mình cẩn thận một chút, khám xong về ngay. Từ sáng đến giờ cũng đã có ba người dương tính rồi, được vào khu vực cách ly bên kia”.

Không bỏ rơi bệnh nhân ung thư tuyến tỉnh

Theo bác sĩ Phạm Vũ Thanh Hằng, Khoa Cấp cứu BV Ung Bướu TPHCM cơ sở 1, BV có khu khám điều trị bệnh nhân ung thư không mắc COVID-19 và khu vực sàng lọc, cách ly người bệnh khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, số lượng bệnh nhân ung thư là F0 đang giảm nhiều, ở khu cách ly điều trị chỉ có vài người bệnh. BV đang kiểm soát dịch bằng cách test nhanh COVID-19 cho người bệnh khám và về trong ngày, thực hiện RT-PCR cho bệnh nhân điều trị nội trú. Người bệnh F0 được phát hiện đa phần từ khám sàng lọc khi đến BV tái khám, một số ít lây nhiễm từ thân nhân bệnh nhân khi được chăm bệnh. Các bệnh nhân sẽ được chuyển gấp đến khu cách ly và đưa đến BV tầng cao hơn, đảm bảo không lây nhiễm trong khuôn viên BV. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM cơ sở 1, cho biết trước dịch COVID-19, mỗi ngày BV tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Trong đó, 75% bệnh nhân ung thư đến từ nhiều tỉnh, thành, do ảnh hưởng dịch nên bệnh nhân đi tái khám theo lịch hẹn rất khó khăn, việc theo dõi bệnh cũng gặp khó khăn. Để đảm bảo người bệnh được điều trị liên tục, sử dụng thuốc theo đúng phác đồ trước đó, không bỏ ngang điều trị, các bác sĩ đã có những phương án khám bệnh từ xa.

"Trên hết, chúng tôi đã chủ động thông báo với các BV tuyến tỉnh, sẵn sàng phối hợp với các bác sĩ để chẩn đoán, điều trị bệnh từ xa. Bằng cách này, người bệnh có thể đến BV gần nhất để được hỗ trợ điều trị theo phác đồ. Trường hợp cần thiết, người bệnh cũng có thể tương tác với bác sĩ điều trị qua ứng dụng điện thoại để được hỗ trợ nhanh nhất”, bác sĩ Xuân Dũng nói.

Còn ở BV TP.Thủ Đức, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu, luôn tâm huyết với bệnh nhân qua rất nhiều phương án để người bệnh sớm tiếp cận việc khám chữa bệnh. Các bác sĩ theo sát quá trình điều trị cho bệnh nhân của mình, nhắc nhở, động viên từng người bệnh. Những ngày qua, bệnh nhân các tỉnh cũng đã đến BV để khám, điều trị nhưng không nhiều. Đa phần, BV vẫn hỗ trợ người bệnh qua các ứng dụng điện thoại. May mắn, trước dịch COVID-19, bác sĩ Triệu Vũ đã thành công trong việc kết nối BV địa phương cho người bệnh xét nghiệm các vấn đề liên quan trước khi đến BV hóa trị, xạ trị… nên sự gắn kết, tin tưởng, tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ đã có sẵn.  

Với những hỗ trợ tư vấn từ xa kịp thời cho bệnh nhân ung thư cả tuyến tỉnh như hiện nay, hy vọng nhiều bệnh nhân có thêm sức mạnh, tâm lý ổn định để tiếp tục quá trình điều trị của mình. 

Phối hợp bệnh viện địa phương điều trị bệnh cho trẻ

Bác sĩ ở BV Nhi Đồng 2 cho biết, những ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám chưa tăng, có thể nhiều người còn e dè. Tuy nhiên, những bệnh nhi ở các tỉnh xa như Đắk Lắk, Bình Thuận… thường gọi đến xin được đăng ký khám bệnh. Đa số cha mẹ muốn khám cho con mắc ung thư, bệnh mạn tính… BV đang cố gắng liên hệ, nhờ phụ huynh chụp hồ sơ qua các ứng dụng điện thoại. Trường hợp cần thiết sẽ hướng dẫn người bệnh đến TPHCM. Còn những bệnh mà BV địa phương có thể điều trị sẽ tư vấn cho người thân bình tĩnh, phối hợp BV nơi đó trị bệnh cho bé.

Phạm An

 

 

 


 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI