Bệnh nhân HIV ở Nam Phi mang virus SARS CoV-2 trong cơ thể hơn 7 tháng

05/06/2021 - 11:37

PNO - Một nữ bệnh nhân HIV vừa được phát hiện đang mang trong cơ thể mình virus SARS CoV-2 với thời gian lên đến 216 ngày. Hơn 30 biến thể của virus cũng đã được tìm thấy trong cơ thể cô.

Một phụ nữ 36 tuổi sống ở Nam Phi đang khiến các chuyên gia y tế đặc biệt quan ngại khi “nuôi” coronavirus trong cơ thể vốn đang phải điều trị bệnh AIDS của mình trong 216 ngày.

Trong suốt thời gian đó, virus SARS CoV-2 không ngừng gia tăng số lượng và đến nay, các nhà khoa học phát hiện đã có tới hơn 30 thể đột biến của chủng virus này.

Phát hiện mới về biến thể SARS CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân HIV khiến giới khoa học lo lắng - Ảnh: Matthew Martin Brink/Xinhua via Getty
Phát hiện mới về biến thể SARS CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân HIV khiến giới khoa học lo lắng - Ảnh: Matthew Martin Brink/Xinhua via Getty

Trường hợp nêu trên vừa được một nhóm các nhà khoa học từ Nam Phi, Đức và Mỹ công bố trên tạp chí y khoa chuyên ngành medRxiv hôm 4/6, mặc dù bài báo vẫn đang trong quá trình bình duyệt (peer-review) của giới chuyên môn.

Số liệu từ nghiên cứu cho thấy, coronavirus đã tập hợp 13 đột biến để phá vỡ protein, từ đó có thể giúp virus vượt qua “phòng tuyến” do hệ miễn dịch của cơ thể con người tạo ra. 19 đột biến còn lại làm nhiệm vụ thay đổi hành vi của chính bản thân virus để tiếp tục hoạt động.

Theo tờ Los Angeles Times thì hiện vẫn chưa rõ liệu các biến chủng mà người phụ nữ này đang mang trong cơ thể mình đã kết hợp với nhau hay chưa; tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số biến thể đáng lo ngại, bao gồm: đột biến E484K - vốn là một phần của biến thể B.1.1.7 phát hiện lần đầu tiên ở Anh và đột biến N510Y - là một phần của biến thể B.1.351 lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi).

Chuyên gia di truyền học Tulio de Oliveira công tác tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nếu có thêm nhiều ca như thế này được phát hiện sẽ khiến cho giả thuyết về việc những bệnh nhân AIDS “là nguồn phát sinh các biến chủng COVID-19 mới càng trở nên rõ ràng” bởi đơn giản, họ có thể là "vật chủ" với môi trường tồn tại lâu dài cho virus SARS CoV-2.

- Ảnh: Bram Janssen/Associated Press
Bác sĩ đang tư vấn cho một bệnh nhân HIV ở Nam Phi trước khi tiêm vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Bram Janssen/Associated Press

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Juan Ambrosini, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) thì đây có thể chỉ là một trường hợp ngoại lệ và cá biệt chứ không phải là hiện tượng phổ biến đối với những người đang sống chung với HIV.

“Lý do đơn giản là, các trường hợp nhiễm bệnh kéo dài thì cơ thể sẽ thiếu khả năng đề kháng dẫn đến việc không thể phát triển được phản ứng miễn dịch thông thường”, tiến sĩ Ambrosini giải thích. “Còn ở trường hợp này, người phụ nữ đang trong tình trạng được điều trị y tế theo đúng phác đồ của bác sĩ”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ambrosini cũng lưu ý rằng, phát hiện này là rất quan trọng trong cuộc chiến kiểm soát đại dịch COVID-19 bởi những bệnh nhân nhiễm HIV có thể là nguồn phát triển và lây lan dịch bệnh.

“Nếu trường hợp này là phổ biến trên thực tế thì một viễn cảnh đáng lo ngại sẽ là: Những bệnh nhân HIV không được chăm sóc và điều trị y tế đầy đủ có thể sẽ trở thành những 'nhà máy' sản xuất các biến thể COVID-19 cho toàn thế giới”, ông de Oliveira cảnh báo.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Ambrosini, ông de Oliveira cho biết, những bệnh nhân HIV đồng thời nhiễm COVID-19 có thể dễ dàng bị bỏ sót trong quá trình thăm khám thông thường bởi ngay cả khi phải nhập viện để điều trị bệnh AIDS, người phụ nữ này cũng chỉ biểu hiện rất ít các triệu chứng của người mắc COVID-19 mặc dù cơ thể vẫn đang mang virus SARS CoV-2 trong một thời gian khá dài.

Theo hãng tin Business Insider thì các nhà khoa học chỉ phát hiện ra trường hợp này bởi cô ấy là một trong 300 tình nguyện viên nhiễm HIV đăng ký tham gia nghiên cứu về phản ứng của hệ miễn dịch đối với COVID-19. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy thêm 4 người có HIV khác có mang coronavirus trong cơ thể mình với thời gian hơn 1 tháng.

Một bệnh nhân phải thở ô-xi trong khi đang được điều trị COVID-19 tại bệnh viện Khayelitsha (Nam Phi) - Ảnh: Rodger Bosch / Getty Images
Một bệnh nhân phải thở ô-xi trong khi đang được điều trị COVID-19 tại bệnh viện Khayelitsha (Nam Phi). Quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ của làn sóng COVID-19 lần 3 - Ảnh: Rodger Bosch/ Getty Images

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng với châu Phi nơi có khoảng 26 triệu người đang sống chung với HIV và 2,2 triệu bệnh nhân không được điều trị và chăm sóc y tế đầy đủ.

Theo số liệu cập nhật vào ngày 31/5 thì Nam Phi chỉ mới có 183.000 người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 khiến tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/6 phải lên tiếng cảnh báo về một làn sóng COVID-19 lần 3 sẽ tấn công lục địa này nếu không có những hành động kịp thời để ngăn chặn.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI