Bé suy tim, bại não vì bất đồng nhóm máu mẹ con

17/04/2021 - 07:00

PNO - Không hề biết con bị vàng da, thiếu máu do bất đồng nhóm máu mẹ con nên nhiều trường hợp khi tới bệnh viện cấp cứu đã rơi vào tình trạng suy tim, bại não…

Con gái chị N.T.H. dần hồi phục sau khi được chiếu đèn và truyền máu vì căn bệnh bất đồng nhóm máu mẹ con
Con gái chị N.T.H. dần hồi phục sau khi được chiếu đèn và truyền máu vì căn bệnh bất đồng nhóm máu mẹ con

Ngỡ ngàng con chỉ vàng da nhưng phải truyền máu

Bệnh viện Nhi Đồng TP. Cần Thơ vừa thay máu toàn phần cho bé gái ba ngày tuổi bị vàng da toàn thân nặng do nhóm máu của mẹ, con không tương thích. Mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A. Kết quả xét nghiệm ghi nhận nồng độ bilirubin tăng trong máu. Bác sĩ Diệp Loan, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng TP. Cần Thơ, cho biết, bilirubin là sắc tố mật, nếu dư thừa quá mức sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh không thể hồi phục, đối diện nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, mất thính lực, rối loạn vận động mắt, thậm chí tử vong nên các bác sĩ chỉ định thay máu toàn phần.

Việc bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi còn xảy ra khi mẹ mang nhóm máu Rh(-). Như trường hợp chị N.T.H. (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Thái Bình) con sinh được ba ngày, thì bé bắt đầu có biểu hiện vàng da nên được các bác sĩ đưa đi chiếu đèn. Ngỡ chỉ vàng da sinh lý thông thường nên hai mẹ con được xuất viện. Tuy nhiên, đến ngày thứ năm, con gái chị có biểu hiện nặng hơn, vàng da lan dần xuống tay, chân và cả ở mắt. Trở lại viện, các bác sĩ đã làm xét nghiệm và xác định chị H. mang nhóm máu hiếm Rh(-) còn con gái mang nhóm máu thường Rh(+), nên đã gây ra bất đồng nhóm máu mẹ con.

Bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương (TP. Hà Nội) điều trị trong tình trạng vàng da nhẹ và thiếu máu. Do đó, các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ chiếu đèn và truyền máu. Ngày thứ 15 sau khi nhập viện, bệnh nhi đã hồi phục tốt và được trở về theo dõi tại nhà, tái khám định kỳ.

Điều đáng nói, con gái thứ hai của chị cũng từng phải nhập viện vì căn bệnh này. Chị H. kể, cách đây sáu năm, chị sinh con thứ hai tại bệnh viện tuyến huyện. Sau khi sinh, do quan niệm kiêng cữ nên mẹ con thường ở trong phòng kín, ít ánh sáng. Đến ngày thứ chín, gia đình mới phát hiện bé có biểu hiện vàng da và đưa đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán bé đã bị “vàng da nhân não” nên trả về.

“Lúc đó, vợ chồng tôi như chết lặng. Bác sĩ nói rằng, do phát hiện quá muộn nên đã bị “ngấm vào não” và sau này bé sẽ không nhận thức được gì. Nhưng nghĩ còn nước còn tát nên tôi đưa con xuống tuyến trung ương kiểm tra lại. Tại đây, các bác sĩ nói vẫn có thể điều trị. May mắn, tới nay, con hoàn toàn hồi phục, khỏe mạnh và đang học lớp Một”, chị H. vẫn bàng hoàng khi nhắc lại chuyện cũ. 

Dù vậy, bà mẹ này chỉ mơ hồ về bất đồng nhóm máu chứ không biết vì sao cả hai con đều mắc căn bệnh kỳ lạ này. 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng, Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đơn vị này từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da, thiếu máu nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu. Các bệnh nhi có thể hồi phục sau khi chiếu đèn, truyền máu hoặc phải thay máu. Nhưng cũng có không ít trường hợp phát hiện muộn, điều trị chậm trễ dẫn tới bị vàng da nhân não và bại não. Nhiều trường hợp thiếu máu nặng gây ra suy tim, thậm chí bị phù thai, suy tim ngay từ bào thai.

Chị em nên khám thai định kỳ, sàng lọc nhóm máu
Chị em nên khám thai định kỳ, sàng lọc nhóm máu

Sàng lọc kỹ để tránh hậu quả nặng nề

Phân tích về căn nguyên của bệnh do bất đồng nhóm máu mẹ con, bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng cho hay, có hai loại: bất đồng nhóm máu ABO và bất đồng nhóm máu Rh. Trong đó, bất đồng nhóm máu Rh xảy ra nếu người mẹ mang máu hiếm Rh(-) và em bé có máu Rh(+). Trong lần mang thai đầu tiên, máu của mẹ và thai nhi hòa vào nhau trong lúc chuyển dạ. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra kháng nguyên để chống lại yếu tố “nhóm máu lạ” của con. 

Trong lần mang thai tiếp theo, nếu em bé vẫn mang nhóm máu khác của mẹ thì khi tiếp xúc với kháng nguyên của mẹ sinh ra trước đó sẽ kích thích tạo một lượng lớn kháng thể, gây ra hiện tượng miễn dịch mạnh hơn. Thông qua nhau thai, kháng thể trong máu mẹ sẽ tấn công hồng cầu của thai nhi, làm tăng lượng bilirubin trong máu khiến trẻ thiếu máu, vàng da… Vì vậy, trong lần sinh đầu tiên, em bé thường không bị ảnh hưởng nhưng tình trạng vàng da, thiếu máu sẽ càng nặng hơn trong những lần sinh sau.

Bác sĩ Hằng nhấn mạnh, thực tế, nhiều bà mẹ giống như chị H., không biết mình mang nhóm máu có thể xảy ra bất đồng nhóm máu mẹ con. Nếu được sàng lọc, phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể tránh được căn bệnh này. Người mẹ có nhóm máu hiếm sẽ được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh khi mang thai lần đầu ở tuần thứ 28 và trong vòng 72 giờ sau sinh. Huyết thanh sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn cơ thể mẹ sản xuất ra kháng thể Rh, từ đó bảo vệ thai nhi khỏi sự xung đột như thông thường.

Trường hợp thứ hai, người mẹ và bào thai cũng có thể có sự không tương thích nhóm máu ABO và cũng có thể gây ra bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng xảy ra khi mẹ có nhóm máu O và bố có nhóm máu A/B, em bé là A, B hoặc AB. Giống như sự không tương thích Rh, điều này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của mẹ, xem các kháng nguyên A hoặc B trong máu của thai nhi là các chất lạ và gây ra phản ứng miễn dịch, tấn công và tiêu hủy chúng. So với hệ Rh, sự không tương thích này thường có hậu quả ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các bà mẹ mang nhóm máu O (chồng mang nhóm máu A/B) cũng có thể dự phòng bằng cách tiêm huyết thanh globulin miễn dịch.

“Điều quan trọng là phải khám thai định kỳ, sàng lọc nhóm máu. Nếu không, có thể nguy hiểm cho thai nhi và cả mẹ. Bởi trong quá trình chuyển dạ, nếu xảy ra tai biến, người mẹ cần truyền máu thì việc tìm nguồn máu Rh(-) vô cùng khó khăn, chưa kể, có thể truyền nhầm nhóm máu gây ra biến chứng trầm trọng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Hằng chia sẻ. 

 Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI