Bảo vệ nguồn nước cho chính mình

02/03/2022 - 07:00

PNO - “Nước có sẵn dưới đất mà, không dùng thì bỏ phí”. Không ít người có suy nghĩ như thế khi thuê dịch vụ khoan giếng để lấy nước ngầm sử dụng. Dù mạng lưới cung cấp nước máy đã phủ khắp TPHCM nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ dân dùng nước ngầm vẫn còn cao, thậm chí vẫn còn hàng ngàn giếng khoan ở nội thành.

Không chỉ dùng để tưới tiêu, sinh hoạt, nhiều người dân còn dùng nước giếng để nấu ăn và không mấy ai xét nghiệm nước để biết chất lượng ra sao. 

Nhân viên một công ty cấp nước đang kiểm tra một giếng khoan để chuẩn bị trám lấp
Nhân viên một công ty cấp nước đang kiểm tra một giếng khoan để chuẩn bị trám lấp

Nhiều năm trước, khi chưa có nước máy, gia đình tôi cũng dùng nước giếng khoan và cũng chỉ đánh giá chất lượng nước bằng… mắt. Đến một ngày, khi nước bơm lên thoáng có mùi tanh, mang mẫu nước đến Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM xét nghiệm, tôi mới tá hỏa với kết quả: nước bị ô nhiễm, không dùng để ăn uống được. 

Khi nước giếng bơm lên ngày càng ít, gia đình tôi buộc phải khoan giếng khác sâu hơn. Nhiều hộ xung quanh cũng làm vậy. Điều đó chứng tỏ mực nước ngầm đã hạ thấp và sự ô nhiễm cũng lộ dần. Cũng may, lúc đó, hệ thống cấp nước máy cũng vừa phủ đến khu phố nơi tôi sinh sống nên gia đình mới thôi dùng nước giếng khoan.

Sau những lần đi du lịch ra các đảo hay đến những nơi khô hạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận, chứng kiến người dân chắt chiu từng giọt nước sạch, tôi mới thấy nghịch lý về việc sử dụng nước ở các khu đô thị khi người ta tưới ướt ngập những thảm cỏ trên đường phố bằng nước máy. 

Một giảng viên chuyên nghiên cứu về cỏ ở Trường đại học Nông Lâm TPHCM nói với tôi rằng, hoa kiểng và thảm cỏ ở các đô thị Việt Nam giống như quý tộc vì chi phí chăm sóc mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, có rất nhiều loại cỏ có thể phát triển bình thường mà không phải tốn nhiều chi phí chăm sóc, tưới tiêu. Nghĩa là, nguồn tài nguyên nước đã không được sử dụng một cách hợp lý.

Tại TPHCM, trước tình trạng ngập do mưa gia tăng, từ lâu, các chuyên gia đã đề xuất các phương án trữ nước mưa và xem đây là giải pháp mang tính tích hợp, bền vững. Thế nhưng, đến nay, các dự án chống ngập chỉ mới chú trọng đến giải pháp công trình mang tính cưỡng bức như nâng đường, xây đê bao, cống ngăn triều, trạm bơm… để cố gắng “tống khứ” nước mưa ra khỏi thành phố càng nhanh và càng nhiều càng tốt mà không tìm cách giữ lại để chống ngập và bổ sung nguồn nước ngầm.

Ở nhiều nước phát triển, lượng nước mưa ở đô thị thường được giữ lại và được xem là nguồn tài nguyên quý giá. Tại Singapore, người dân luôn tìm đủ mọi cách để giữ lại nước mưa và quý trọng từng giọt nước. Chính phủ của đảo quốc này còn đưa ra khẩu hiệu "Nước là tương lai của chúng ta" nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của tài nguyên nước. 

Từ lâu, chính quyền TPHCM đã có chủ trương bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt và giảm thiểu việc khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và các đơn vị liên quan vẫn còn thiếu quyết tâm. Nhiều kênh rạch vẫn bị san lấp để thực hiện các dự án nhà ở nhưng lại không có hồ điều tiết để bù đắp dù đã có quy định diện tích hồ điều tiết phải bằng 1,2 lần diện tích mặt nước bị mất đi. Người dân và các đơn vị sản xuất vẫn lén lút khoan lấy nước ngầm ở những khu vực đã được “phủ” nước máy nhưng việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt…

Song, bảo vệ nguồn nước không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Người dân cũng phải thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình bởi khi nguồn nước cạn kiệt và ô nhiễm, tất cả chúng ta đều phải lãnh hậu quả. 

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI