Bão số 9 vào, lòng người miền Trung như lửa đốt

27/10/2020 - 21:08

PNO - Miền Trung đã quá quen với bão lũ. Nhưng lũ chồng lũ, bão chồng bão như bây giờ thì chưa bao giờ thấy. Con nước biến thiên quá phức tạp khiến cho những kinh nghiệm xưa cũ trở thành lỗi thời. Và, cơn bão mạnh nhất trong chừng 10 năm trở lại đây khiến họ sấp ngửa tháo chạy…

1.

Người dân Quảng Nam đang đưa những bao cát lên mái tôn đề chèn, chống bão
Người dân Quảng Nam đang đưa những bao cát lên mái tôn để chèn, chống bão

Từng ngõ ngách của TP. Hội An đều ra rả tiếng loa phát thanh thông báo tình trạng khẩn cấp của cơn bão đang áp sát đất liền. Nhưng dường như, chẳng ai còn quan tâm đến tiếng loa nữa, bởi họ đang còn phải thu vén đồ đạc rồi… tháo chạy, mọi thông tin về cơn bão, họ đã đọc không sót một chữ nào. Không chạy sao được khi hầu như toàn bộ những ngôi nhà ở phố cổ chỉ toàn lợp ngói – thứ mà gió bão chỉ mới cấp 9 thôi cũng đủ bay vèo như những chiếc lá. Nên tranh thủ, dọn được những thứ gì quan trọng thì dọn, rồi đi. “Nghe đài báo tin tức mà rụng rời. Nhà cấp 4 sao chịu thấu với sức gió này. Có muốn chằng chống cũng không biết làm thế nào. Mái ngói, chèn sao được?”- ông Nguyễn Nhì (83 tuổi, khối phố Phước Tân, TP. Hội An) cười buồn.

Ở cái tuổi thất thập tri thiên mệnh, ông đã chứng kiến nhiều lần biến thiên ở cái đất này, nhưng chưa bao giờ thấy người dân lo lắng đến vậy. Bão mạnh, hẳn nhiên. Nhà bây giờ cũng đã kiên cố hơn nhiều nhưng người dân vẫn sợ. Họ sợ như đã từng sợ cơn bão Xangsane cách đây 14 năm, cũng vào tháng 10 như hiện tại. Quá khứ hãi hùng đó vẫn còn ám ảnh khi hàng ngàn ngôi nhà chỉ còn trơ khung trước sự tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên. Và giờ đây, sự thay đổi đến mức cực đoan của thiên nhiên, như thể đang trút tất cả những giận dữ xuống con người vậy.

“Chừng đó năm rồi, cũng bão, cũng lũ nhưng chưa có lần nào sợ như lần này. Cứ nhìn lên trời, xanh ngắt, là sợ. Bão nó rút hết mây ra phía xa, rồi khi ập vào xả xuống. Cơ man nào chịu cho thấu? Ngôi nhà đó đành phó mặc cho số phận, chứ giờ không thể ở được rồi”- ông Phạm Mẫn (73 tuổi, phường Cửa Đại, TP. Hội An) thở dài.

2.

Những người ở khu di tản tập trung lòng như lửa đốt. Đi, vì buộc phải đi. Vì không đủ an toàn để ở nhà. Những tài sản dù đã được kê cao, chằng buộc nhưng chẳng thể biết có chịu nổi trước cơn bão này hay không. Của cải tích cóp cả một đời, đành phó mặc cho số phận. “Còn người thì còn của! Ở đây, gặp nhau cứ động viên nhau bằng câu đó thôi. Nói là rứa, nhưng lòng thì như lửa đốt. Không lo sao được khi bao nhiêu thứ trong nhà, dành dụm mãi mới mua được, giờ thì thả vậy. Chỉ mong bão suy yếu bớt, đỡ tàn phá một chút là đã mừng rồi”- bà Nguyễn Thanh Hà (64 tuổi, phường Cửa Đại) rơm rớm nước mắt.

Những người di tản, đi tránh trú lòng như lửa đốt, ngóng về ngôi nhà đang chực chờ cơn bão lớn
Những người di tản, đi tránh trú lòng như lửa đốt, ngóng về ngôi nhà đang chực chờ cơn bão lớn

Trong khu di tản tập trung ở Trường Trung học cơ sở Kim Đồng (phường Cửa Đại, TP. Hội An) có hơn 200 người dân về tránh trú. Những đứa trẻ nô nức như hội. Lâu lắm rồi chúng mới được tập trung nơi đông người như thế. Có bánh, có kẹo, có nước uống, lại có bạn để chơi đùa. Nhưng phía sau chúng là những đôi mắt đỏ hoe ngóng về phía nhà. “Mình già, được ưu tiên đi trước. Ở nhà còn mấy đứa con đang lo chằng chống nhà cửa, che chắn đồ quan trọng rồi mới đi được. Đi lên đây rồi ngồi ngóng chúng nó. Bão chưa vô, nhưng cứ thiếu người trong nhà là sợ”- bà Phan Nhót nói rồi ngước đôi mắt đỏ hoe ra phía trước.

3.

Từ sáng sớm, chợ chồm hổm ở phường Trường Xuân (TP. Tam Kỳ) đã đông nghẹt người. “Kinh nghiệm rồi. Bão mà lớn, ai đi nhổ rau, mổ heo cho mình đâu. Nên phải trữ, từ cái đèn cầy cho đến lít dầu để thắp đèn. Mất điện cả tuần là chuyện bình thường”- bà Võ Thanh Hà (54 tuổi, phường Trường Xuân, TP. Tam Kỳ) nói nhanh rồi chen chân để mua mớ cá còn sót lại.

Cái chợ xép ở dọc đường lâu nay vắng ngắt, lèo tèo vài ba người thì nay đông nghẹt, tranh nhau từng mớ rau, con cá. Ai cũng sợ. Nỗi sợ kéo dài từ cả tháng nay khi lụt bão triền miên không dứt. Thượng nguồn sạt lở. Hạ du ngập trong nước. Chưa bao giờ người dân miền Trung lại phải liên tục gánh chịu một đợt mưa, bão, lũ liên hoàn như thế. Họ bất lực, ngơ ngác trước những mất mát chực chờ. Của cải còn gì nữa đâu khi lũ lụt, bão tố liên miên.

32 lồng bè với trị giá hơn 4 tỷ đồng của anh Hiên cũng đành phó mặc cho số phận
32 lồng bè trị giá hơn 4 tỷ đồng của anh Hiền cũng đành phó mặc cho số phận

Người ta nói, của cải của người nông dân nằm ở ngoài đồng. Quả thật vậy, nhìn cách anh Nguyễn Văn Hiền (29 tuổi, xã Tam Đại, Phú Ninh) ngoái lại nhìn 32 lồng bè đang phó mặc cho số phận trên sông thì hiểu cả gia tài của anh đang nằm trên đó. Hai đứa con ăn học, cũng nhờ vào đó cả. Anh Hiền đang nuôi 32 lồng cá diêu hồng, trám cỏ đen, cá sặc... giá trị lên đến hơn 4 tỷ đồng. “Đợt lũ vừa rồi đã làm 5-6 lồng bè thiệt hại hơn 100 triệu đồng, giờ chỉ cầu mong cho bão bớt mạnh, đợt này mà bị trôi mất mấy cái bè này nữa thì cả nhà chẳng còn gì hết”- anh Hiền nén tiếng thở dài, buộc chặt những nút thắt để chằng lại cái bè đang chấp chới trên mặt nước.

Mưa bắt đầu nặng hạt. Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Những nỗi lo còn đau đáu. Thiệt hại, chưa biết thế nào, chỉ cầu mong cơn bão sẽ nhẹ bớt khi vào đất liền. Miền Trung đã oằn mình trong mưa lũ cả tháng rồi…

Nguyễn Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI