Bạo lực học đường: Chuyện không của riêng ai

23/11/2016 - 06:56

PNO - Cụ thể, dù chỉ mới biết nhau trên mạng, nhưng sau khi lời qua tiếng lại bằng những comment trong trang facebook của nhau, Đỗ Hoàng và Huỳnh Minh quyết định hẹn nhau ra sân vận động Khánh Hội nói chuyện. 

Sáng 21/11, 700 học sinh trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM đã tham dự phiên tòa giả định về bạo lực học đường (BLHĐ) do chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức. Thông qua vụ án, phiên tòa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn BLHĐ đang ngày càng gia tăng hiện nay.

Vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn của các học sinh khi sử dụng mạng xã hội facebook. Cụ thể, dù chỉ mới biết nhau trên mạng, nhưng sau khi lời qua tiếng lại bằng những comment (bình luận) trong trang facebook của nhau, Đỗ Hoàng (SN 1999) và Huỳnh Minh (SN 1999) quyết định hẹn nhau ra sân vận động Khánh Hội (P.3, Q.4, TP.HCM) nói chuyện.

17g ngày 22/4/2014, Hoàng rủ thêm Lâm Khang, Minh Quốc đến điểm hẹn, Minh cũng kể lại sự việc cho Đỗ Cao nghe rồi rủ Cao đi. Khi đến nơi, thấy nhóm Hoàng đông nên Minh, Cao không qua nói chuyện mà ghé siêu thị Vinatex. Cao gọi điện thoại cho Huỳnh Trung (SN 1998) hỏi mượn gậy đánh nhau, Trung nói không có và rủ hai bạn đến nhà Hoàng chơi.

15 phút sau, Trung, Minh, Cao có mặt tại nhà Hoàng. Minh tiếp tục nói về việc xích mích với Đỗ Hoàng, sau đó rủ các bạn cùng mình ra sân vận động Khánh Hội. Cao, Minh đi trước, Trung qua nhà một người bạn khác mượn hung khí.

Bao luc hoc duong: Chuyen khong cua rieng ai
Phần xét hỏi tại tòa

Khoảng 18g cùng ngày, đang nói chuyện về việc chửi nhau trên facebook, Minh thách thức: “Có muốn đánh nhau không?”. Hoàng trả lời: “Sao cũng được”. Nghe vậy, Trung cầm cây sắt tới trước mặt Hoàng, mắng “láo quá” rồi đánh liền hai cái trúng đầu và lưng Hoàng khiến nạn nhân té xuống đường bất tỉnh. Trong lúc chạy về nhà, Trung ném cây sắt ngoài đường, còn Hoàng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Cơ quan chức năng đã thu giữ vật chứng là một ống sắt đường kính 2cm, dài 73cm màu xám, hai đầu bị rỉ sét.

Theo bản kết luận số 580 ngày 23/7/2014 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP.HCM, Đỗ Hoàng bị chấn thương gây tụ máu da đầu, vỡ lún sọ vùng đỉnh phải, tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải có chèn ép mô não, tỷ lệ thương tích là 55%. Thời gian Hoàng nằm viện, gia đình Trung có đến xin lỗi, hỗ trợ 34 triệu đồng chi phí điều trị.

Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị truy tố Trung tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104, điểm b, p khoản 1, khoản 2 điều 46, điều 69, khoản 2 điều 74 Bộ luật Hình sự, phạt tù từ hai năm sáu tháng đến ba năm. Sau khi nghị án, hội đồng xét xử tuyên phạt Trung hai năm tù, buộc bồi thường tổn thất sức khỏe, tinh thần cho bị hại 50 triệu đồng.

Nghe chủ tọa tuyên án, nhiều học sinh dự khán ồ lên kinh ngạc: “Đánh nhau mà cũng đi tù nữa hả?”, “Nhà bạn ấy nghèo quá, sao có năm mươi triệu đồng bồi thường?”, “Trời ơi, tội mẹ Trung chưa”.

Em Ma Tiến Đạt (SN 2002, học sinh lớp 91 ) chia sẻ: “Đa phần học sinh tụi em đều biết và sử dụng facebook, zalo. Dù không thật sự quen nhau ngoài đời, nhưng thỉnh thoảng vẫn vào facebook bạn “ảo” bình luận. Phiên tòa này khiến em nhận ra hai mặt của facebook. Nó có thể là công cụ cho mình làm quen thêm nhiều bạn mới, thư giãn, giải trí, nhưng nó cũng nguy hiểm. Do đó, em tự nhủ mỗi ngày chỉ dành khoảng 30-60 phút chơi facebook thôi, thời gian còn lại thì học, nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao”.

Ngồi cạnh đó, em Lê Quang Đông Quân (SN 2003, học sinh lớp 8) góp chuyện: “Em nghĩ không chỉ facebook mà trong giao tiếp hàng ngày cũng cần thận trọng, tránh khích bác người khác. Nếu có mâu thuẫn với bạn thì tụi em phải chia sẻ cho ba mẹ, thầy cô nghe để tìm hướng giải quyết nhẹ nhàng chứ không nên đánh nhau”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, trong năm 2016, chi hội đã phối hợp với Hội LHPN, các trường THCS, THPT tại H.Bình Chánh, Q.4, Q.3, Q.Bình Thạnh tổ chức những phiên tòa giả định về BLHĐ, bạo hành trẻ em, trộm cướp tài sản… BLHĐ đang rất “nóng”, không chỉ gây hoang mang, bất an cho học sinh, phụ huynh mà còn là vấn đề của toàn xã hội.

“Có một thực tế đáng buồn là đa phần học sinh luôn nghĩ đơn giản “đánh nhau chảy máu thì xin lỗi là xong”. Trong khi đó, phụ huynh cũng không mấy quan tâm đến các mối quan hệ của con ở trường vì “tụi nhỏ chơi với nhau, xích mích tí cũng bình thường”. Hậu quả là khi sự việc đáng tiếc xảy ra, một bên phải bỏ hết công việc chăm con trong bệnh viện, bên kia thì vay mượn khắp nơi để có tiền bồi thường. Học sinh bị đánh mang thương tật lẫn tổn hại tinh thần suốt đời, còn học sinh đánh bạn thì vướng vòng lao lý” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trăn trở.

Dự kiến, cuối tháng 12 tới, tại trường THCS Trường Thạnh (Q.9), Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tiếp tục tổ chức phiên tòa giả định về BLHĐ, về hành vi xâm hại nhân phẩm, danh dự người khác.

Theo luật sư Ngọc Nữ, thông qua những phiên tòa này, chi hội hy vọng học sinh nắm bắt kiến thức luật tốt hơn, biết cách bảo vệ bản thân và điều chỉnh hành vi, cảm xúc cho phù hợp.

Trong năm 2017, các phiên tòa giả định sẽ được đưa về vùng ngoại thành như Q.12, H.Củ Chi, H.Cần Giờ… Bên cạnh đó, chi hội cũng mong muốn có thể kết nối với Hội LHPN các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh, phụ huynh bằng hình thức phiên tòa, tư vấn trực tiếp hoặc tổ chức “Ngày học sinh với pháp luật”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI