Bánh Trung thu - món hàng đắt đỏ bị lãng phí

10/09/2022 - 06:57

PNO - Bánh Trung thu là món quà phổ biến trong dịp rằm tháng Tám. Tuy nhiên các thương hiệu bánh đã dần biến truyền thống tặng bánh cho nhau để cầu bình an, thịnh vượng thành một cuộc đua xa xỉ với những chiếc bánh có thành phần đắt đỏ như tổ yến, nấm cục... Tệ hơn, hàng triệu chiếc bánh đã bị lãng phí vì không được tiêu thụ.

Nhiều chiếc bánh bị bỏ đi

Một cuộc khảo sát hằng năm của hai nhóm hoạt động Food Grace và Green Community chỉ ra rằng, hơn 4,6 triệu chiếc bánh Trung thu ở Hồng Kông, Trung Quốc đã bị vứt bỏ vào năm 2021.

Khách hàng vây quanh một gian hàng bán bánh Trung thu ở Hồng Kông vào ngày 4/9 - ẢNH: AFP
Khách hàng vây quanh một gian hàng bán bánh Trung thu ở Hồng Kông vào ngày 4/9 - Ảnh: AFP

Trung bình mỗi gia đình lãng phí 1,7 chiếc bánh Trung thu. William Wong - thành viên cấp cao của Food Grace, một nhóm vận động chống lãng phí thực phẩm - cho biết, con số này đã tăng khoảng 60% so với năm 2020, do ngày càng có nhiều bánh Trung thu được bán ra khi nền kinh tế dần hồi phục.

Năm 2020, người dân Hồng Kông lãng phí khoảng 2,88 triệu chiếc bánh Trung thu. Hầu hết những người tiêu dùng được phỏng vấn cho biết, họ thường tặng bánh Trung thu thừa cho người thân và bạn bè, nhưng khoảng 37% thừa nhận đã vứt bỏ bánh vì không kịp sử dụng. 

Trong dịp tết Trung thu năm nay, Wong cho rằng số bánh bị lãng phí sẽ càng tăng cao, một phần do doanh số bán bánh tăng lên dựa theo chính sách kích cầu từ chính quyền thành phố. Wong khuyên những người chọn bánh Trung thu làm quà trước tiên nên tìm hiểu xem người nhận có thực sự thích chúng hay không.

“Mọi người tặng bánh Trung thu cho bạn bè bất kể mong muốn và sở thích. Khi chúng tôi hỏi mọi người rằng liệu họ có muốn nhận bánh Trung thu trong năm nay, con số chấp nhận đã giảm so với năm trước”, Wong nói. 

Nhóm vận động đề nghị mọi người hỏi ý thích của người thân về hương vị trước khi gửi bánh Trung thu làm quà hoặc xem xét thay thế bánh bằng các loại sản phẩm tươi, chẳng hạn như trái cây. Wong cũng kêu gọi các nhà sản xuất sử dụng các vật liệu đóng gói đơn giản, có thể tái chế, nhất là khi hơn 80% số người tham gia khảo sát nhận xét bánh Trung thu hiện được đóng gói quá cầu kỳ.

Hạn chế sự lãng phí

Mới đây, giới chức Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp nhằm điều chỉnh tình trạng giá bánh Trung thu “cao ngất trời”, trong bối cảnh nỗ lực kiềm chế tham nhũng và cạnh tranh thái quá. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, các cục quản lý thị trường sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng và nền tảng thương mại điện tử sản xuất hoặc bán bánh Trung thu, đồng thời sẽ xử phạt nghiêm các vi phạm. 

Ủy ban này và ba cơ quan chính phủ khác đã đưa ra thông báo vào tháng Sáu rằng, bánh Trung thu không nên đựng bằng hộp kim loại quý, gỗ quý hoặc các vật liệu đắt tiền khác. Không được bán bánh trong hộp đóng gói sẵn với các hàng hóa khác. Một số người bán đã gói bánh Trung thu với các sản phẩm khác như rượu đắt tiền, dán nhãn thành “bộ quà tặng bánh ngọt” hoặc bán chúng như một phần của giỏ quà cao cấp.

Thông báo cũng khuyến nghị nhà sản xuất không nên sử dụng các nguyên liệu đắt tiền như vi cá mập và yến sào để làm nhân bánh Trung thu. Các cơ quan quản lý sẽ thực hiện kiểm tra chi phí nếu cần đối với bất kỳ bộ bánh Trung thu đóng hộp nào được bán với giá trên 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng). Các quan chức thực thi pháp luật đã kiểm tra 180.000 người bán và nhà cung cấp bánh Trung thu kể từ đầu tháng Tám.

Clarissa Wei - một nhà báo ở Đài Bắc, Trung Quốc - nói rằng, bánh Trung thu hiện là một “biểu tượng địa vị” mang yếu tố cạnh tranh. Qua nhiều năm, bao bì ngày càng trở nên công phu hơn và về nhiều mặt, nó trở nên quan trọng hơn so với những chiếc bánh bên trong. Một quan chức về quản lý và về điều tiết thị trường nói với China News Weekly: “Những chiếc bánh Trung thu giá cao không chỉ lệch khỏi nguồn gốc văn hóa truyền thống mà còn góp phần gây xa hoa, lãng phí và có tác động tiêu cực đến xã hội”.

Từ năm 2015, Food Grace đã tổ chức chương trình tái chế bánh Trung thu nhằm quảng bá văn hóa lễ hội “xanh”, khuyến khích mọi người gom những chiếc bánh Trung thu thừa và tặng cho những người có nhu cầu. Dù vậy đối với các tổ chức xã hội, việc quyên góp các mặt hàng thực phẩm có thời hạn sử dụng dài (như gạo và mì) sẽ thiết thực hơn các món ngon theo mùa như bánh Trung thu. Do đó, điều tốt nhất nên làm vẫn là trả lại giá trị truyền thống cho bánh Trung thu và hạn chế việc sản xuất dư thừa, tặng bánh chỉ vì hình thức. 

 Linh La (theo RTHK, Xinhua, Guardian, The Standard)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI