Bản quyền truyền hình thể thao: Tiền núi, đổ sông…

30/08/2018 - 10:00

PNO - Trải qua hai kỳ mua bản quyền trầy trật World Cup 2018 và ASIAD 2018 cho thấy giá bản quyền truyền hình thể thao (THTT) leo thang khủng khiếp. Đó chính là thách thức lớn nhất đối với các nhà đài muốn mua để phục vụ công chúng.

Nhà đài… chóng mặt với giá bản quyền leo thang

Ban quyen truyen hinh the thao: Tien nui, do song…
Giá bản quyền truyền hình thể thao (THTT) leo thang khủng khiếp.

Thị trường bản quyền THTT được xem là béo bở đối với các nhà tổ chức giải như World Cup, EURO, Giải Ngoại hạng Anh (EPL), Champions League và Europa League. Tuy nhiên, đến kỳ ASIAD 2018, giá bản quyền của giải đấu này cũng đã tăng đến mức chóng mặt.

Nên nhớ rằng, bản quyền ASIAD 2014 được rao bán cho thị trường Việt Nam với mức giá 400.000 USD phát sóng độc quyền trên một nền tảng và mức 200.000 USD phát sóng không độc quyền.

Tuy nhiên đến kỳ ASIAD 2018, mức giá bản quyền mà VOV/VTC phải trả được cho là gần 1,7 triệu USD, tức gấp hơn 4 lần so với kỳ ASIAD liền trước. Còn nếu so với ASIAD 2006, bản quyền có mức giá chỉ 10.000 USD, thì giá bản quyền của năm 2018 tăng hơn 100 lần.

Còn bản quyền World Cup, năm 2010 doanh nghiệp Việt Nam mua được với mức giá chỉ khoảng 3 triệu USD. Đến World Cup 2014, mức giá phải trả lên đến khoảng 7 triệu USD. Đến World Cup 2018 vừa qua, VTV mua được bản quyền với mức giá được cho là ít nhất cũng hơn 10 triệu USD.

Bản quyền giải EPL còn “khủng” hơn nhiều. Mức giá K+ sở hữu bản quyền phát sóng giải này trong ba mùa từ 2016 - 2019 là hơn 40 triệu USD. Nhưng mới đây, Facebook đã bỏ ra tới 264 triệu USD mua bản quyền phát sóng độc quyền giải này tại Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia trong ba mùa từ 2019 - 2022. Trong đó, riêng mức giá cho thị trường Việt Nam đã lên đến 100 triệu USD, tức gấp hơn 200% so với kỳ liền trước.

… lại vừa đau đầu vì tình trạng ăn cắp bản quyền

Ban quyen truyen hinh the thao: Tien nui, do song…
Tình hình vi phạm bản quyền thể thao tại Việt Nam cũng leo thang.

Không ngoa chút nào nếu ví von rằng các nhà đài, doanh nghiệp phải bỏ tiền núi ra để mua bản quyền THTT nhưng rất dễ bị đổ sông đổ biển vì tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Xôi Lạc TV bỗng dưng trở thành “người hùng” được không ít người xem “công kênh” chỉ vì vài ngày đầu nhà đài Việt Nam chưa thể mua được bản quyền ASIAD 2018 để phục vụ. Đây chính là nỗi xấu hổ về ý thức bảo vệ bản quyền, không chỉ từ những kẻ ăn cắp mà còn trong một bộ phận không nhỏ công chúng Việt hiện nay.

Và y như rằng, sau khi VOV/VTC mua được bản quyền phát sóng ASIAD 2018, Xôi Lạc TV vẫn tiếp tục ngang nhiên vi phạm cùng với hơn 100 website, trang Facebook và trên 30 ứng dụng OTT/IPTV. Các website ăn cắp bản quyền thu về tiền quảng cáo trong đó đa phần là quảng cáo cho các dịch vụ vi phạm như cờ bạc, cá cược, bói toán...

Có thể nói, việc mua bản quyền THTT với giá cao và số tiền có thể lên đến cả ngàn tỉ đồng để kinh doanh, phục vụ tại thị trường Việt Nam có tỷ lệ rủi ro rất cao. Nguồn thu từ cước thuê bao tháng đương nhiên là không đủ hoàn vốn; việc khai thác quảng cáo cũng chưa chắc thuận lợi bởi một khi bị ăn cắp bản quyền thì có nhiều kênh vi phạm phát sóng miễn phí khiến rating của nhà đài bị chia sẻ ảnh hưởng tới việc thu hút doanh nghiệp quảng cáo.

Mới đây, trước trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Syria tối 27/8, Bộ TT&TT đã mạnh tay khi phát đi công văn hỏa tốc đến 7 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, SCTV, VTVcab) yêu cầu phối hợp ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền truyền thông ASIAD 2018. Kết quả đến 17g chiều cùng ngày, các nhà mạng báo cáo đã chặn truy cập thành công 18 website vi phạm có tên miền quốc tế trong đó gồm cả Xôi Lạc TV.

Tất nhiên, 18 website vi phạm bị chặn cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh chung về tình trạng vi phạm bản quyền THTT tại Việt Nam hiện nay.

Dạ Thảo 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI