Bán bò, mua ễnh ương

20/05/2013 - 16:53

PNO - PN - Má tôi không thích điện thoại. Bà biểu, tự dưng nói chuyện một mình, dị kỳ ôn. Chỉ khi nào cần kíp lắm má mới dùng tới, như lần má kêu tôi đi giùm cái đám cưới nhà dì Năm được tổ chức ở thành phố.

Biết ý, tôi chẳng dám hỏi han gì nhiều, chỉ cần ngày giờ với tên cái nhà hàng là đủ. Bữa đó có đến sáu cặp, tôi đi tìm từ dưới sảnh lên lầu hai, khi đứng trước tấm hình cô dâu chú rể có hơi cứng tuổi, nhìn ngờ ngợ, định thoái lui, bất ngờ bị đập một cái đau điếng vào vai, quay lại, hóa ra là Ngà, con dì Năm, hôm nay gả con gái. Ủa, mà sao bà sui lại mặc áo cô dâu? Ngà liếc xéo tôi, bậy bạ, sui đâu mà sui, rồi kéo tay một ông ngoài 50 đến giới thiệu, ông xã mình đó, Việt kiều Mỹ, kỹ sư chuyên ngành chế tạo ô tô. Chú rể đưa bàn tay mềm xèo ra, nghiêng đầu, nói giọng lơ lớ kiểu trong phim: Rất hân hạnh được biết cô.

Ban bo, mua enh uong

Tôi ngượng nghịu bắt tay, xong, đứng ngớ ra, chẳng biết nói gì. Chú rể bảo một cô tre trẻ đưa tôi vô bàn, tôi níu áo cô em hỏi thăm. Cô trả lời có vẻ dè dặt, chị Ngà ly hôn với chồng cả năm mới gặp ông này…

Ngà với tôi là bạn học chung hồi cấp I, cấp II. Lên cấp III, Ngà nghỉ học ra buôn bán rồi lấy chồng. Chồng Ngà làm công nhân, hiền như cục đất, vợ sai gì làm nấy, nói gì nghe nấy. Nhờ khôn lanh, Ngà nhanh chóng phất lên trong nghề mua bán tôm giống. Lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau, có đến hơn 20 năm chớ ít gì. Đám cưới đãi chừng mười bàn, toàn người lạ. May mà có chị Liên - một người quen dưới quê vô ngồi kế. Sau màn chào hỏi xôm tụ với tôi và những người cùng bàn, chị Liên xoay qua khoe hột xoàn. Chiếc này bao nhiêu ly, chiếc kia giá cỡ vài ngàn đô… Cuối cùng, chị kết lại, tất cả là của ông xã chị ở bển gửi về. Tôi lại ngạc nhiên thêm một lần nữa, khi biết chị ly hôn chồng hồi năm 2010 và đã kết hôn với một ông Việt kiều Đức. Chị phân bua, mới đầu định kết hôn giả thôi, nhưng sau thì yêu thiệt, giờ hai vợ chồng chị đang sống ở Sài Gòn. Ông ấy đi đi về về để thu xếp chuyện nhà bên đó, rồi đưa chị sang. Uống chừng vài ly bia, chị vui miệng kể luôn, mô - đen con gái lấy chồng Hàn - Đài - Trung là xưa rồi, giờ là thời của nữ đại gia lấy Việt kiều. Ở dưới mình, hổm rày Việt kiều lượn nhóc. Cứ đám tiệc là thấy có hai ba ông, ăn mặc láng o, xức dầu thơm muốn điếc mũi, nói năng thì khỏi chê, cứ ngọt như mật ong pha đường phèn, lịch sự với phụ nữ, ân cần, săn đón khiến mình cảm động muốn rớt nước mắt, ai như đàn ông xứ mình, cộc cằn, say xỉn tối ngày…

Qua mai mối của chồng mới chị Liên, chồng cũ Hai Ngà đã đồng ý ly hôn để vợ kết hôn giả đi xuất cảnh với giá vài chục ngàn đô, đưa trước một nửa để làm thủ tục, nửa sau, qua bển đưa. Vì tương lai mấy đứa nhỏ, chớ có ham hố gì đâu, em ơi. Chị Liên nói như thanh minh giùm Ngà, mà cũng là cho mình. Chị kể ra một danh sách khá đông những người đang lo thủ tục hy sinh đời mẹ, cho phẻ đời con, trong đó, loáng thoáng có vài đứa bạn cùng xóm, cùng lớp, cùng trường của tôi. Thấy tôi có vẻ hứng thú muốn nghe, chị Liên huyên thuyên giới thiệu về đời sống ở bển, cứ y như Việt kiều thứ thiệt, nào là được lãnh tiền già mỗi tháng, được khám chữa bệnh miễn phí, mà quan trọng là con cái mình được học trường xịn. Cái này là mình đi tắt, chớ cho con đi du học tốn kém nhiều hơn gấp mấy chục lần, cũng chưa chắc nó được định cư để bảo lãnh mình qua… Tiệc tàn, khách về gần hết, chị Liên vẫn say sưa kể chuyện tình yêu với người chồng mới. Nhiều người giống trường hợp chị, trước giả sau thiệt, vì mấy ông đó dễ thương lắm, mà nếu thiệt, thì mình chẳng những không mất tiền mà lại còn vớt được ông chồng Việt kiều. Sướng chưa!

Ban bo, mua enh uong

Lấy Tây u, Việt kiều sung sướng ra sao, để hồi sau sẽ tính, chỉ biết là mấy ông chồng Việt lắm lúc cũng chán thiệt, mà điển hình là chồng tôi. Vợ về tới nhà, kêu anh ơi mở cửa, chồng chỉ ra mở đúng cái cửa rồi vô nhà tiếp tục coi ti vi, mặc vợ xịch đụi đẩy xe lên cái thềm nhà chống ngập cao ngất ngưởng trong tình trạng áo dài lượt thượt, guốc cao gót lông chông, lại còn trở ra khóa cổng, quay vô khóa cửa. Lắm lúc tủi thân muốn khóc mà chẳng dám than thở với ai, bởi ai cũng giống mình, nhiều người còn tệ hơn nữa…

Có lần, ức quá, kể cho má nghe, má an ủi, thây kệ, nó không đẩy xe cho đứa khác là được rồi. Bởi vậy, tôi cũng chẳng lấy gì làm lạ, khi tối hôm qua má gọi điện thoại, biểu muốn nói chuyện lớn với tôi. Đại để là má nghe đâu tôi cũng muốn giống như Hai Ngà, chắc chị Liên nói lại. Tôi dò ý má, thì con cũng muốn lo liệu cho hai đứa nhỏ, ở đây người đông của hiếm, học ra trường thất nghiệp như chơi. Giọng má đầu dây bên kia có vẻ giận dỗi, bây đừng có đổ thừa cho con, đàn bà mình cứ y vậy, chồng đánh chửi, nói vì con kiên quyết không bỏ, giờ chồng hèn muốn đổi chồng sang, cũng nói vì con… Thiệt, hết biết. Thì thôi, tùy bây, nhớ suy nghĩ cho thiệt kỹ, đừng “bán bò, mua ễnh ương” mà hối hận không kịp.

Má cúp máy, chuyện lớn vậy mà má con tôi chỉ nói với nhau chừng năm phút. Buồn, tôi lên mạng lang thang, sợt thử điều má dặn thì ra bốn câu sau: “Vợ anh khéo liệu khéo lo/Bán một con bò, mua cái ễnh ương/Đem về thả ở gậm giường/Nó kêu ỳ ọp lại thương con bò”.

Má, tức nhiên là không quen với ông gu-gồ rồi, vụ này chắc má nghe ngoại dạy từ nhỏ. Nghĩ đi nghĩ lại, người xưa sao mà giỏi.

 BẠCH HẠC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI