Nỗi buồn nông thôn mới

Bài cuối: Cần chính sách riêng cho miền núi, vùng sâu

17/12/2021 - 07:32

PNO - Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực cả về cơ sở hạ tầng lẫn cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, những nghịch lý cũng bộc lộ rõ: nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ hoang hoặc ít dùng, nhiều gia đình sống chật vật vì mất các khoản hỗ trợ…

 

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã khu vực III (đặc biệt khó khăn) được “thăng hạng” lên khu vực II (khó khăn), xã khu vực II được “lên” khu vực I (bước đầu phát triển) nên những chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho học sinh, giáo viên, cán bộ bị cắt giảm hoặc không còn, dẫn đến tâm lý không muốn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Mặt khác, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng xấu đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí này.

Đời sống người dân H.Trấn Yên, tỉnh Yên Bái khá lên nhờ chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu sang trồng dâu, nuôi tằm
Đời sống người dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái khá lên nhờ chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu sang trồng dâu, nuôi tằm

Cần chú trọng hơn đến “phần mềm”

Tiến sĩ Trần Duy Khanh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thái Bình - nhận định mục tiêu cơ bản nhất của xây dựng nông thôn mới (mang lại đời sống vật chất cho người dân giàu có hơn, sung túc hơn, đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, phong phú hơn, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy tốt hơn…) vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Theo ông, dù đã quy hoạch lại đồng ruộng, cải thiện đường sá nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn vẫn chưa được cải thiện nhiều, tình làng nghĩa xóm ngày càng bị mai một do ảnh hưởng bởi mặt tiêu cực của lối sống đô thị.

Về quy hoạch, đang có sự chênh lệch giữa cơ sở hạ tầng so với các yếu tố khác của nông thôn. Bên cạnh một số địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất tốt, vẫn còn không ít địa phương chỉ chú trọng lấy ý kiến của các đơn vị tư vấn xây dựng, chưa chú trọng quy hoạch về sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Trần Duy Khanh cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới còn yếu. Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ là trang bị máy móc phục vụ nông nghiệp mà còn cải thiện môi trường sống ở nông thôn. Vấn đề xử lý rác thải đã được đưa vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng chưa được quan tâm thực hiện. Ở nhiều nơi, bãi rác ở cuối xã này lại là đầu xã khác và thường là bãi rác lộ thiên. Rác được dồn lại thành đống và... đốt. Theo ông, cần có một mô hình cụ thể để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn.

Tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia vì nó đáp ứng quyền lợi của người dân. 

Tuy nhiên, ông đề nghị, cần tính toán để phân bổ các nguồn kinh phí hợp lý, nhất là kinh phí cho việc xây dựng hạ tầng, tránh tình trạng lãng phí. Không nhất thiết thôn nào cũng có một sân vận động, mà có thể 2-3 thôn có một sân. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn bởi đây là “gốc” để giải quyết nhiều vấn đề. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cũng nhấn mạnh, cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà văn hóa rồi không ai vào sinh hoạt; cần chú trọng xây dựng nông thôn mới ở khu vực khó khăn để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.

Có chính sách riêng cho khu vực đặc thù

Nhiều năm công tác tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, ông Trần Văn Môn cho rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ bị chậm tiến độ so với kế hoạch do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh khiến nguồn thu ngân sách nhà nước ít đi, vốn đầu tư của các tỉnh cũng bị giảm. Các địa phương phải ưu tiên chống dịch, việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của bà con khó khăn hơn, gây khó cho việc huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Dịch bệnh cũng khiến các cuộc họp bàn với người dân bị hạn chế nên khó triển khai công việc.

Ông Trần Văn Môn nhận định, việc xây dựng nông thôn mới ở gần 50% xã còn lại trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, bởi đó là những xã miền núi, vùng sâu vùng xa, chưa có cơ sở hạ tầng, dân nghèo, phân bố thưa, tất cả đều trông vào ngân sách nhà nước. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi lại khó hơn rất nhiều so với ở miền xuôi.

 Nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới
Nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, do không còn là xã khu vực III, khu vực II nữa nên những trợ cấp của Nhà nước đối với học sinh, giáo viên bị cắt giảm đi rất nhiều. Theo ông Trần Văn Môn, không chỉ học sinh, giáo viên mà cả cán bộ cũng bị cắt giảm hệ số khu vực. Do đó, một số lãnh đạo xã cũng không muốn ra khỏi khu vực III vì không muốn… mất chế độ hỗ trợ.

Về y tế, trước đây, Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ nghèo. Khi không còn là xã vùng III nữa, bà con phải tự mua bảo hiểm y tế. Do đó, ông đề nghị Ủy ban Dân tộc cần có chính sách riêng với những đối tượng này để đảm bảo chất lượng và sự công bằng về giáo dục, y tế. 

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, cả nước hiện có trên 62,6 triệu người sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số cả nước. Mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu: việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; các địa phương phải áp dụng các công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải.

Để nông thôn mới thực sự là nơi đáng sống

Mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới là làm cho nông thôn trở thành nơi đáng sống. Thế nhưng, ở rất nhiều khu vực nông thôn, dù là những xã đã được công nhận nông thôn mới, rác thải đang là thảm họa. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí mỗi xã phải có bãi chôn lấp rác thải theo quy định, trong đó phải có hệ thống thu gom nước rỉ rác, hệ thống xử lý khí, phương pháp chôn lấp đảm bảo đúng quy định… là rất khó thực hiện.

Xã Liên Phương, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cách trung tâm TP. Hà Nội chỉ khoảng 20km có một điểm trung chuyển rác nằm sát trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cách các khu dân cư chỉ khoảng 100m. Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm trung chuyển rác lộ thiên này tồn tại khoảng mười năm nay. Từ năm 2015, lượng rác thải đổ về ngày càng lớn, tần suất xe chở rác đến thì dày, chở đi thì thưa nên nơi đây trở thành núi rác, bốc mùi xú uế, nước chảy đen ngòm. Từ năm 2019, không thể chịu được tình trạng ô nhiễm ngày một tăng, 558 hộ dân thuộc xã Liên Phương đã nhiều lần kêu cứu. Mãi đến tháng 4/2021, rác mới không tập kết về đó nữa.

So với không ít công trình tiền tỷ để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (rồi lãng phí) khác, các hạng mục cho xử lý rác thải dường như chưa được quan tâm trong khi đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của người dân nông thôn.

  Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI