Nỗi buồn nông thôn mới - Bài 2: Xã ra khỏi diện khó khăn, học sinh bỏ lớp

16/12/2021 - 06:21

PNO - Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực cả về cơ sở hạ tầng lẫn cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, những nghịch lý cũng bộc lộ rõ: nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ hoang hoặc ít dùng, nhiều gia đình sống chật vật vì mất các khoản hỗ trợ…

Để đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã miền núi cắt giảm tỷ lệ hộ nghèo sai thực tế. Sau khi đạt chuẩn, xã cũng được “thăng hạng” khỏi diện đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học do bị cắt mất tiền ăn ở trường nội trú, tự lo học phí trong khi gia đình phải chạy ăn từng bữa.

Một xã, hai chế độ hỗ trợ

Xã A Mú Sung, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai là xã biên giới. Mấy tuần đầu năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh đi học của Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung đạt từ 97 - 98% nhưng đến cuối tháng Chín, 80 học sinh ở bản Tùng Sáng và Lũng Pô đồng loạt nghỉ học. Nguyên nhân là cuối năm 2020, A Mú Sung hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các xã khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, khi A Mú Sung là xã khu vực I thì 129 học sinh bán trú đến từ các bản Tùng Sáng, Lũng Pô, Y Giang không còn được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn bán trú (theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP) bằng 40% mức lương tối thiểu (596.000 đồng) và 15kg gạo mỗi tháng như trước. Thay vào đó, các em được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 298.000 đồng/học sinh/tháng. 

A Minh - ở bản Tùng Sáng - có mẹ bỏ đi Trung Quốc, bố mới lấy vợ khác. Minh có đến sáu anh chị em đang đi học từ mầm non đến lớp Bảy. Năm nay, Minh phải đóng 100% học phí (540.000 đồng/chín tháng) và 70% tiền mua bảo hiểm y tế bắt buộc (563.200 đồng). Chưa kể tiền thuê nhân viên cấp dưỡng và đóng góp gạo ăn bán trú, số tiền mà Minh phải đóng đầu năm học là hơn 4 triệu đồng. Bố Minh bảo nhà khó khăn lắm, mỗi đứa đi học mà đóng hết mấy triệu đồng thì tiền đâu ra. Thế là cậu bé lớp Sáu và em trai A Thơ lớp Bốn đành ở nhà lao động giúp gia đình dù cả hai anh em đều là học sinh giỏi của trường. 

Nhiều trường phải tăng diện tích trồng rau xanh để đổi lấy thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh
Nhiều trường phải tăng diện tích trồng rau xanh để đổi lấy thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh

Các thầy cô giáo, cán bộ chính quyền, đoàn thể xã A Mú Sung phải đến từng nhà vận động, tuyên truyền nửa tháng trời, 80 học sinh ở Tùng Sáng và Lũng Pô mới trở lại trường đầy đủ. Nhà trường và phụ huynh đã họp, nhất trí mỗi học sinh sẽ đóng 120.000 đồng mua gạo mỗi tháng kể từ tháng Mười, nhưng đến giữa tháng cũng chỉ có một số học sinh đóng đủ tiền gạo, khoảng 50 học sinh nộp tiền mua bảo hiểm y tế bắt buộc, rất ít học sinh đóng học phí. Nhà trường chỉ có thể tuyên truyền, vận động để phụ huynh nộp dần các khoản cho con, học phí thì thu theo từng tháng. 

Cùng trong xã A Mú Sung nhưng học sinh của ba bản đặc biệt khó khăn là Ngải Chồ, Tung Qua, Phù Lao Chải vẫn được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 116. Thế là bữa ăn bán trú dưới cùng một mái trường bỗng có sự khác biệt. Thầy hiệu trưởng Vi Hoài Thanh vẫn chưa biết phải xử trí ra sao, còn phụ huynh thì không đồng tình san sẻ chế độ ăn của con mình cho những học sinh khác. Nhà trường chỉ còn cách chia làm hai khu vực ăn trưa. 

“Sau khi thầy cô tích cực vận động thì có 41 học sinh được gia đình tự nguyện nộp thêm 298.000 đồng để các em được ăn cơm bán trú như trước, còn 88 học sinh khác vẫn phải ăn suất ăn cắt giảm một nửa thực phẩm so với năm học trước” - thầy Vi Hoài Thanh rầu rĩ.

Khó vận động học sinh đến lớp

Không riêng ở A Mú Sung, người dân ở rất nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới bị hụt hẫng khi các khoản hỗ trợ bấy lâu nay bỗng không còn. Sau khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, học sinh ở năm xã Cán Cấu, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế và thị trấn Si Ma Cai của H.Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai không còn được hưởng chế độ hỗ trợ. Năm học này, tất cả học sinh lớp Ba ở các điểm trường lẻ sẽ về trường chính học tập. Huy động học sinh về điểm trường chính là bài toán nan giải cho cả nhà trường và chính quyền địa phương. Việc cắt giảm các nguồn hỗ trợ càng khiến việc vận động học sinh gian nan thêm bội phần.

 

Sau nỗ lực vận động của chính quyền, đoàn thể xã cùng nhà trường, học sinh bản Tùng Sáng và Lũng Pô đã trở lại trường A Mú Sung
Sau nỗ lực vận động của chính quyền, đoàn thể xã cùng nhà trường, học sinh bản Tùng Sáng và Lũng Pô đã trở lại trường A Mú Sung

Trước khi các xã về đích nông thôn mới, H.Si Ma Cai có 23 trường PTDT bán trú. Sau khi các xã được công nhận nông thôn mới, Si Ma Cai chỉ còn chín trường do số học sinh đủ tiêu chuẩn học trường PTDT bán trú đã giảm rất nhiều. Theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh Lào Cai, sau khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, có 135.000 học sinh (chiếm khoảng 60% học sinh toàn tỉnh) không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, học phí; giảm 40/134 trường (30% số trường) PTDT bán trú ở các huyện vùng cao.

Tỉnh Lai Châu hiện có 10.203 học sinh các cấp không được hưởng chế độ hỗ trợ. Năm 2021, xã Nậm Sỏ, H.Tân Uyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng bản Ngam Ca vẫn còn trên 38% hộ nghèo và cận nghèo. Hơn hai tháng sau ngày khai giảng năm học mới, Trường THCS Nậm Sỏ vẫn còn trên 200 học sinh chưa đến lớp, trong đó có 49 em ở bản Ngam Ca. Có hộ nghèo, cô chị đang học lớp Sáu phải nghỉ học để nhường cho hai đứa em được đến trường. Có nhà hai đứa con, một lên lớp Tám, một đã lên lớp 10 mà phải bấm bụng cho cả hai nghỉ học. 

Ở H.Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sau khi các xã về đích nông thôn mới, 718 trẻ mầm non không còn hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND; 359 học sinh tiểu học và THCS không còn hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và 37 học sinh THCS không còn hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND. Trong tuần đầu tiên của năm học mới, tỷ lệ học sinh bán trú đến lớp ngày đông nhất của Trường tiểu học, THCS xã Thu Lũm, H.Mường Tè chỉ được 29%, có ngày chỉ 11% học sinh đến lớp. Sau hai tháng ròng rã tuyên truyền, vận động, toàn huyện vẫn còn mấy trăm học sinh các cấp chưa trở lại lớp do gia đình không đủ khả năng đóng các khoản tiền sau khi chế độ của con cái họ không còn. 

Tỉnh Yên Bái có 2.726 học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ gạo và tiền ăn; 6.041 trẻ mầm non không còn được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa; 10.321 học sinh không được hưởng chính sách miễn, giảm học phí. Ngành giáo dục của tỉnh đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đóng góp, ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thu được 500 triệu đồng, 2.593 bộ sách giáo khoa, hơn 1.700 cuốn vở, 476 bút viết, 276 bút chì, 50 chăn bông, 104 đôi dép, 253 xe đạp, giúp những học sinh khó khăn, bỗng dưng mất chế độ tiếp tục được đến trường. 

UBND tỉnh Lào Cai đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã vận động xây dựng các mô hình hỗ trợ học sinh vùng khó khăn để huy động sự góp sức của phụ huynh. Rất có thể, tỉnh này sẽ quay trở lại với mô hình trường học bán trú dân nuôi để học sinh có thể được đến trường. 

Kỳ cuối: Cần chính sách riêng cho miền núi, vùng sâu

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI