Nỗi buồn nông thôn mới - Bài 1: Những công trình tiền tỷ bị bỏ phí

13/12/2021 - 14:33

PNO - Sau mười năm thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, diện mạo nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cả về cơ sở hạ tầng lẫn cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, những nghịch lý cũng bộc lộ rõ: nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ hoang hoặc ít khi dùng đến, nhiều gia đình sống chật vật sau khi “được” đưa ra khỏi diện hộ nghèo…

Chợ là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Buồn thay, chợ cũng chính là hạng mục công trình bị bỏ hoang nhiều nhất, xảy ra ở nhiều tỉnh thành.

Xây xong, chợ không còn là nơi mua bán

Từ năm 2018 trở về trước, chợ Nà Tấu ở TP.Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn giữ đúng vai trò chợ phiên. Cuối năm 2018, chợ này được đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng lại với diện tích sử dụng gần 2.000m2, có đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua bán: sân trung tâm chợ gồm 60 gian hàng cố định và không cố định, nhà chợ chính gồm 21 gian hàng cố định, nhà làm việc của ban quản lý chợ, nhà để xe… 

Nhưng khi xây dựng xong, thay vì đưa vào hoạt động, chợ lại trở thành… mấy sân bóng chuyền và sân chơi cho trẻ em, còn hoạt động bán mua lại diễn ra ngoài đường. Hàng hóa tràn lan trên vỉa hè; mái che, mái vẩy, ô, dù, biển quảng cáo lấn lòng, lề đường. Phải đến cuối năm 2020, khi Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an TP.Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chợ Nà Tấu mới thực sự đi vào hoạt động.

Đầu tư gần 4 tỷ đồng nhưng  chợ Mai Xá, xã Gio Mai, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bỏ không suốt  một năm qua
Đầu tư gần 4 tỷ đồng nhưng chợ Mai Xá, xã Gio Mai, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bỏ không suốt một năm qua

Không “may mắn” được sử dụng đúng công năng như chợ Nà Tấu, từ khi được xây mới (năm 2013) đến nay, chợ Nhạo Sơn (H.Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) hầu như không hoạt động, các gian hàng cố định trong chợ không có ai thuê. Từ năm 2008, chợ Nhạo Sơn được đầu tư xây dựng trên diện tích lên đến 7.000m2 gồm hai dãy nhà với 30 gian hàng cố định. 

Khi có phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, xã Nhạo Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2013, chợ Nhạo Sơn tiếp tục được đầu tư nâng cấp các gian hàng, xây nhà vệ sinh, nhà ban quản lý chợ và hoàn thành ngay trong năm 2013, đáp ứng đầy đủ tiêu chí “cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn”. Cùng năm đó, xã Nhạo Sơn được công nhận hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Và cũng từ đó, chợ Nhạo Sơn gần như không hoạt động.

Chợ đầu mối Gia Tiến (H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cũng được hoàn thành cùng năm xã Gia Tiến được công nhận là xã nông thôn mới. Song, suốt từ năm 2016 đến nay, chợ đầu mối Gia Tiến lại chưa hoạt động ngày nào. Ngoài hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, chợ Gia Tiến được xác định là nơi trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho toàn xã Gia Tiến và ba xã lân cận, đồng thời giúp địa phương giải tỏa chợ “cóc” trên đê Hoàng Long. Thế nhưng, 5-6 năm qua, công trình chợ đầu mối khang trang, bề thế, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng ngân sách vẫn cứ nằm im giữa cánh đồng.

Bán đất để trả nợ xây dựng cơ bản

Xã Tân Kim, H.Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được công nhận hoàn thành 100% tiêu chí nông thôn mới năm 2019. Bạch Thạch vốn là một thôn nghèo, đặc biệt khó khăn của xã. Từ năm 2018 trở về trước, Bạch Thạch đã có nhà văn hóa, nhưng để được công nhận xã văn hóa, mỗi thôn phải xây mới một nhà văn hóa. Nhà nước hỗ trợ mỗi nhà văn hóa 100 triệu đồng, hơn 400 triệu đồng còn lại là tiền huy động từ người dân và nguồn vốn xã hội hóa. Ở Bạch Thạch, mỗi người phải đóng 600.000 đồng để xây nhà văn hóa thôn, kể cả người thuộc hộ nghèo, gia cảnh khó khăn. Thế là nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.

Sau hai năm được công nhận về đích nông thôn mới, nhà văn hóa thôn Bạch Thạch đứng đó như một minh chứng cho bệnh chạy đua thành tích, bệnh lạm thu. Nhiều người thắc mắc, sao không tu bổ nhà văn hóa có sẵn, đang sử dụng tốt cho đỡ lãng phí mà phải xây mới?

Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình có 109/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để “về đích”, không ít xã liên tục xây dựng cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí kể cả khi chưa có nguồn vốn, dẫn đến tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản, như xã Ninh Khang, H.Hoa Lư đang nợ khoảng 20 tỷ đồng, xã Cúc Phương, H.Nho Quan nợ gần 30 tỷ đồng. H.Yên Mô vừa được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hầu hết các xã trong 16 xã của huyện đều nợ tiền xây dựng cơ bản. Kết thúc năm 2020, nợ xây dựng cơ bản của cả huyện khoảng 242 tỷ đồng, trong đó cấp huyện nợ hơn 107 tỷ đồng và cấp xã nợ gần 235 tỷ đồng. Cả hai huyện Yên Mô và Nho Quan đều xác định, sẽ đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản.

Không chỉ ở Ninh Bình, rất nhiều địa phương khác cũng đang trông vào việc đấu giá đất để trả nợ tiền xây dựng cơ bản. Kết thúc năm 2020, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nợ xây dựng cơ bản trên 96,6 tỷ đồng, chủ yếu là công trình trường học, trụ sở UBND xã, hội trường trung tâm xã, đường giao thông, nhà văn hóa... UBND thị xã Kinh Môn đã yêu cầu UBND các phường, xã phân tích khả năng tạo nguồn thanh toán, yêu cầu các cơ quan chuyên môn giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đấu giá đất. 

Tháng Tám vừa qua, Bình Xuyên là một trong hai xã của H.Bình Giang được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015) nên cơ sở hạ tầng của Bình Xuyên khá hoàn thiện. Những năm đó, thiếu công trình nào là xã cho xây dựng ngay nếu chủ thầu đồng ý cho nợ. Kết quả, sau khi về đích nông thôn mới, Bình Xuyên nợ xây dựng cơ bản 40 tỷ đồng. Năm 2019, UBND xã phải để đấu giá chuyển quyền sử dụng 4ha đất, mới trả được hết khoản nợ trên.

Đầu năm 2017, 66 hộ dân thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam bất ngờ nhận được giấy mời họp của UBND xã. Đến nơi, bà con được thông báo 2,5ha ruộng mà họ đang canh tác nằm trong diện thu hồi để bán đấu giá, lấy tiền trả nợ xây dựng nông thôn mới. Giá đền bù cho bà con là 62 triệu đồng/sào (Bắc bộ), tương đương khoảng 172.000 đồng/m2. UBND xã còn thông báo, hộ nào không chịu “bán”, xã sẽ cưỡng chế. Mãi đến năm 2021, nhiều hộ vẫn không chấp nhận ký giấy “bán” đất cho xã và khoản tiền nợ do xây dựng nông thôn mới của xã chưa biết đến khi nào mới trả xong. 

3,5 tỷ đồng phục vụ 10 sự kiện mỗi năm

Xã Hồng Dụ, H.Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây mới một sân vận động có diện tích 12.000m2. Trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi 2,5 tỷ đồng. Công trình này cũng là tiêu chí “chốt” để Hồng Dụ đạt danh hiệu xã nông thôn mới.

Điều đáng nói là các thôn của xã Hồng Dụ đều đã có sân thể thao riêng, được lập từ ngày xét tiêu chí để được công nhận là thôn văn hóa. Năm sân thể thao với một xã chỉ khoảng 4.000 nhân khẩu là đã rất “xênh xang” so với nhiều xã nông thôn Bắc bộ khác. Thế nhưng, xã cần phải có một sân vận động đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Và một sân vận động với tường bao xung quanh đã được xây dựng, có cả sân khấu và hệ thống thoát nước. Song, chưa bao giờ sân vận động mênh mông ấy được sử dụng hết công suất. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm, sân vận động chỉ có chừng chục sự kiện văn hóa, văn nghệ. Bóng đá là hoạt động thường xuyên nhưng không cần đến chừng đó diện tích. Do vậy, chỉ một khoảng nhỏ giữa sân thường có dấu giày nên nom còn giống sân cỏ, còn phần lớn diện tích là cỏ dại mọc um tùm.

Sân vận động Hồng Dụ chỉ là một trong hơn 50 sân vận động cấp xã được đầu tư xây dựng ở tỉnh Hải Dương. Sau khi xây xong, có sân trở thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm. Những công trình được xây dựng với mục đích hoàn thành tiêu chí nông thôn mới đó thực sự gây lãng phí tiền của, đất đai.

 

Cấp nước sạch là một tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện có khoảng 33 triệu người ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Mười năm qua, cả nước có 16.500 công trình cấp nước được xây dựng nhưng 1/3 số công trình chưa phát huy tác dụng, có công trình bị bỏ hoang. Tại tỉnh Hòa Bình, có 297 công trình cấp nước sạch cho nông thôn thì 64 công trình kém hiệu quả, 66 công trình không hoạt động. Đơn cử, công trình nước sạch xã Ngọc Lương, H.Yên Thủy được đầu tư 6 tỷ đồng, hoàn thành năm 2010 thì năm sau đã “nằm im”.
(Số liệu do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cung cấp tại  tọa đàm trực tuyến về "Tiêu chí nước sạch cho nông thôn" do đơn vị này tổ chức vào giữa tháng 11/2021)


Nhóm phóng viên

Kỳ tới: Học sinh bỏ lớp vì “được” đưa ra khỏi diện hộ nghèo

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI