Ba tuổi đã là học sinh cá biệt?

09/07/2014 - 10:51

PNO - PN - Bé Fraser Sydney (hai quốc tịch Việt Nam và Australia) học tại Trường Mầm non Hoa Hồng Nhỏ (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã bị định danh là “học sinh cá biệt” vì không theo nền nếp. Trường đề nghị gia đình cho bé nghỉ học vì… không...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Chị Trần Thu Trang, mẹ bé Fraser Sydney bức xúc: “Lớp học của con tôi có gắn camera. Khoảng gần cuối tháng Tư, khi quan sát giờ ăn của con, tôi thấy giáo viên (GV) giằng co, lôi kéo bé ra khỏi tầm quan sát của camera. Tôi lập tức chạy đến trường thì thấy con đang khóc, nhưng các cô khẳng định không đánh mà do bé tự khóc”.

Một số phụ huynh (PH) cho biết, vì trường gần chỗ ở nên gửi con cho tiện đưa đón, chứ cách dạy dỗ của các cô ở đây thì chưa ổn. Chị Lê Thị Kim L., PH có con học lớp Mầm 1 tại trường nghẹn ngào: “Các bé vừa ăn xong là cô lập tức bắt đi ngủ. Có lần tôi thấy con đi học về mông có những vết đỏ như vết đánh, tôi phản ánh với nhà trường thì các cô cho là do trẻ ngứa nên gãi đỏ". Những PH này còn “dị ứng” với ngôn từ của con sau khi các bé từ trường về nhà. Chị Kim L. kể: “Cháu Dũng nhà tôi mới ba tuổi nhưng về nhà thì xưng bà, tui; chỉ vào mặt tôi và nói biến đi cho đẹp trời; ăn không, không ăn táng vào mặt bây giờ…”.

Ba tuoi da la hoc sinh ca biet?

Bé Fraser Sydney mới ba tuổi nhưng bị xếp loại là học sinh cá biệt

Là người thường quan sát tình hình học tập của con qua camera, chị Trang cho biết: “Tôi phát hiện nhiều lần GV đánh các bé khác, nhốt vào nhà vệ sinh, hay chống nạnh, nói những lời lẽ không hay với trẻ, GV cứ đổi liên tục… nên phản ánh với trường thì GV trả lời là “giỡn” với các bé. Chuyện tôi bức xúc nhất là nghe các PH khác nói con tôi bị gọi là học sinh cá biệt. Tôi thừa nhận con mình khá hiếu động nhưng tôi đã đưa bé đi khám, bác sĩ khẳng định bé không hề bị tăng động mà chỉ hiếu động. Một đứa trẻ ba tuổi sao có thể gọi là cá biệt? Tôi muốn làm rõ vấn đề này với trường. Thế nhưng, ngay trong lần làm việc đầu tiên, nhà trường đã đề nghị tôi nên tìm chỗ khác gửi con vì đã “bó tay” với con tôi".

Trao đổi với bà Phan Thị Hương, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng Nhỏ về vấn đề này, bà Hương giải thích: “Chúng tôi nói cá biệt ở đây là bé Sydney hoàn toàn không chịu vô nề nếp của trường chứ không phải phân biệt đối xử gì với một đứa trẻ. Thậm chí, với bé Sydney, các cô còn chăm kỹ hơn vì rất sợ mẹ bé phản ứng. Ở đây chúng tôi dạy bé từ ba tuổi phải biết tự phục vụ như: ngủ dậy phải biết xếp gối, sử dụng đúng ly uống nước của mình, xếp hàng ngay ngắn… nhưng bé này hoàn toàn khiến các cô giáo bất lực. Giờ vào học trễ lắm thì cũng là 8g nhưng bé Sydney cứ đến 9g hơn mới vào học. Lúc mọi người ăn thì bé chạy mà không chịu ăn. Khi các bé khác ngủ thì bé chạy giỡn, thậm chí đạp vào bụng bé khác. Nhiều PH khác phản ứng, nếu cứ để Sydney học rồi đánh bạn hoài thì họ sẽ cho con nghỉ học. Hơn nữa, mẹ Sydney ít chịu hợp tác để đưa bé vào nề nếp nên chúng tôi gợi ý để bé ở nhà”.

Theo một chuyên viên phụ trách mầm non của Sở GD-ĐT, không thể gọi một trẻ mầm non là học sinh cá biệt. Dù GV có vô tình gọi, dù không có sự phân biệt đối xử, thì việc bị gọi như vậy dễ làm trẻ mặc cảm với bạn bè. Chưa kể bạn bè sẽ chọc ghẹo, trường hợp nặng hơn sẽ bị bạn bè cô lập, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, làm trẻ sợ đến trường... Trong lớp mầm non thường có một vài trẻ rất hiếu động, với những trường hợp này, GV nên tâm lý uốn nắn bé nhẹ nhàng, từ từ. Cũng có khi phải cứng rắn với bé trong trường hợp bé quá nghịch ngợm, nhưng trước khi “mạnh tay” với bé thì GV, nhà trường nên trình bày tình hình của bé với PH để cùng phối hợp, đề xuất giải pháp để PH biết và yên tâm là GV đang dạy dỗ chứ không phải ghét bỏ bé.

Tiêu Hà

Đường dây khẩn 0966.182727 - 0913.159315

Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI