Ba tháng, bác sĩ hồi sức chỉ nghỉ ngơi một ngày

05/10/2021 - 06:28

PNO - Phòng hồi sức tại mỗi bệnh viện được xem là nơi cuối cùng quyết định sự sống còn của các bệnh nhân nặng. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư tại TPHCM, các phòng hồi sức luôn hoạt động hết công suất, bác sĩ và điều dưỡng phải căng mình theo từng nhịp thở của bệnh nhân.

Làm việc liên tục 12 giờ/ngày

Những ngày cuối tháng 9/2021, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại TPHCM liên tục giảm dần theo ngày. Tuy vậy, trong phòng hồi sức tích cực của các bệnh viện (BV), số bệnh nhân nặng vẫn còn rất nhiều. 

Trong khu vực hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 của BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Thúy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc - tay cầm bộ đàm, mắt quan sát qua màn hình để hỗ trợ hai đồng nghiệp đang ở buồng bệnh nhân. Từ tháng 7/2021 đến nay, căn phòng có 15 giường này luôn đầy kín bệnh nhân. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thúy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (phải)  - quan sát buồng bệnh từ phòng trực - ẢNH: HIẾU NGUYỄN
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thúy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (phải) - quan sát buồng bệnh từ phòng trực - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trong hơn 75 ngày qua, BS Thanh Thúy gần như không có ngày nghỉ. Thông thường, mỗi đợt làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 của nhân viên y tế kéo dài khoảng 21 ngày, sau đó có hai tuần vừa nghỉ ngơi, vừa cách ly để đảm bảo an toàn.

Vào thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng cao (từ giữa tháng 8/2021), số ngày nghỉ ngơi của lực lượng y tế giảm xuống còn một tuần. Tuy vậy, số ngày nghỉ đó lại được các BS trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu tự rút ngắn hết mức có thể. “Trong hai tháng rưỡi qua, tôi chỉ nghỉ ngơi trong hai buổi chiều Chủ nhật. Đó là do lượng bệnh nhân đông và tôi cảm thấy không yên tâm khi đồng nghiệp của mình đang vất vả” - BS Thanh Thúy kể. 

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Hữu Tuấn - Phó Giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn - cho biết, sự càn quét của virus SARS-CoV-2 chủng Delta khiến hệ thống điều trị lúng túng. Số BS hồi sức tích cực ít ỏi trở thành lực lượng chính trong mỗi tua trực. Khoa Hồi sức tích cực của BV chỉ có năm BS. Lực lượng này là tạm đủ lúc bình thường, nhưng khi số bệnh nhân nguy kịch tăng cao, BV phải chuyển đổi công năng, dành toàn lực tiếp nhận người mắc COVID-19.

Từ vị trí Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BS Nguyễn Thanh Thúy đảm nhận thêm vị trí Trưởng khu Hồi sức cấp cứu COVID-19. Số giường bệnh được giao là 550 nhưng trong những ngày qua, BV tiếp nhận gần 700 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. 15 giường hồi sức luôn kín chỗ, phải triển khai thêm các phòng hồi sức tại các khu điều trị lân cận với sự hỗ trợ chuyên môn của BS hồi sức. 

Để có đủ lực lượng cứu người, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn huy động BS các chuyên khoa như tim mạch, nội tiết, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình tham gia điều trị COVID-19. Trong mỗi tua trực, luôn có mặt ít nhất một BS chuyên ngành hồi sức tích cực để kịp thời xử lý khi có bệnh nhân diễn tiến xấu. 

BS Hữu Tuấn ví von, trong mỗi tua trực ở phòng hồi sức tích cực, mọi người làm việc hệt như cái chong chóng. COVID-19 khiến bệnh nhân trở nặng đột ngột, ngưng tim, ngưng thở bất cứ lúc nào. Khi đang chăm sóc cho ca bệnh này, nghe tiếng máy báo động ở giường bên cạnh, BS phải quay sang ngay lập tức. Có khi, hàng loạt tiếng báo động của máy thở vang lên cùng lúc, tiếng bộ đàm của đồng nghiệp liên tục gọi hội chẩn. Để hỗ trợ cho BS trong buồng bệnh, các BS, điều dưỡng ở phòng trực quan sát qua màn hình để tiếp liệu kịp thời và điều phối các hoạt động qua bộ đàm. 

Tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, BS Nguyễn Quý thuộc Khoa Hồi sức tích cực, chống độc cho biết, mình và các đồng nghiệp đã bám trụ ở BV từ tháng 7 đến nay. Riêng BS Hồ Thanh Phong - Trưởng khoa - chỉ được nghỉ ngơi duy nhất một ngày trong ba tháng qua. BV Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng huy động nhiều BS, điều dưỡng của các chuyên khoa khác để cùng điều trị COVID-19.

Trong 700 giường bệnh COVID-19, có đến 50 giường hồi sức tích cực. Mỗi ngày, BS trưởng khoa phải theo dõi, dự trù số lượng thuốc, hội chẩn ca bệnh nặng, hội chẩn liên viện, xem xét các ca bệnh nặng… BS Nguyễn Quý cho biết, làm công tác hồi sức tích cực thì hết giờ làm không phải là kết thúc ca trực. BS và điều dưỡng chỉ kết thúc ca trực khi bệnh nhân đã ổn định. Nếu bệnh nhân còn đang trong giai đoạn nguy kịch, cả ca trực sẽ phải tiếp tục hồi sức để cứu sống bệnh nhân, sau đó mới giao ca. 

Một BS nhãn khoa tại BV Điều trị COVID-19 Trưng Vương chia sẻ: “Từ khi được điều động tham gia trực cấp cứu với các BS và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức tích cực, tôi rất bất ngờ về sức làm việc của họ. Các bạn làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức mà dường như không biết mệt mỏi. Tôi thật sự khâm phục các đồng nghiệp của mình ở Khoa Hồi sức tích cực và Cấp cứu. Các bạn hoàn toàn xứng đáng là những người hùng trong cuộc chiến chống COVID-19 này”. 

Tự vực mình dậy vì bệnh nhân đang chờ

Từ đầu năm 2021 đến nay, tại TPHCM, đại dịch COVID-19 đã làm chết hơn 14.500 người. Giữa tháng 8, các BV không còn chỗ để tiếp nhận thêm bệnh nhân. Mỗi ngày, các cơ sở y tế đều có ca tử vong. Phòng hồi sức tích cực của các BV là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất. 

Nhớ lại thời điểm đó, BS Nguyễn Thanh Thúy trầm giọng: “Trong phòng hồi sức, chúng tôi luôn phải chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục cũng như sự ra đi của người bệnh. Sự ra đi nào cũng đều để lại nhiều nuối tiếc, đau buồn cho chúng tôi. Tôi tâm niệm bệnh nhân như người nhà của mình. Họ nằm im lặng nhưng rất cần mình. Mình phải tự biết cách kìm nén nỗi đau vì những bệnh nhân khác cũng cần được quan tâm và điều trị”. 

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM  - ẢNH: BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM - Ảnh: Bệnh viện Chợ rẫy

Trải qua hơn 15 năm làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực, BS Nguyễn Trần Hữu Tuấn thấu hiểu cảm giác buồn bã và thất vọng của những thầy thuốc khi để mất đi bệnh nhân mà mình dồn tâm sức cứu chữa: “Không một BS hay điều dưỡng nào muốn thấy bệnh nhân chết trong tay mình. Nhưng đó là thực tế phải chấp nhận khi làm việc ở phòng hồi sức tích cực. Đa phần bệnh nhân vào đây khi đã nguy kịch. Lần đầu chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong, có người không vượt qua được và xin chuyển sang các khoa khác. Trong đại dịch COVID-19 lần này, anh em bị sốc nhiều lắm. Không ai có thể ngờ về những gì xảy ra trước mắt mình”. 

BS Hữu Tuấn nói tiếp: “Lúc trước dịch, cũng có trường hợp tử vong, nhưng ít hơn rất nhiều. Trong đợt dịch COVID-19, bệnh nhân đột ngột suy hô hấp, ngưng tim, ngưng thở và tử vong nhanh chóng. Điều này làm cho anh em bị sốc, nhất là lúc số ca bệnh tăng cao. Có nhân viên y tế bỏ ăn, khi tan ca chỉ ngồi khóc, uống được miếng nước rồi tiếp tục vào làm nhiệm vụ. Tôi biết, mọi người phải vượt qua bản thân, vượt qua nhiều nỗi đau để tiếp tục chiến đấu, vì còn nhiều bệnh nhân cần được tiếp tục sống”. 

Theo BS Hữu Tuấn, chuyên ngành hồi sức tích cực liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau nên dù đã lấy hàng chục chứng chỉ chuyên ngành khác nhau, các BS hồi sức vẫn phải đi học liên tục: “BS hồi sức cấp cứu nhận định tình hình chỉ trong khoảng 5-10 phút, phải ra quyết định nhanh và chính xác để cứu sống bệnh nhân và dành cơ hội phục hồi cho họ về sau. Những thao tác như mở nội khí quản cấp cứu phải chính xác và nhanh nhẹn. Một BS hồi sức hoặc cấp cứu được gọi là giỏi phải mất ít nhất 5 hoặc 10 năm nếu có năng khiếu, bản lĩnh và chịu học hỏi, biết vận dụng kiến thức”. 

BS Nguyễn Quý tâm sự: “Những ngày chống dịch, anh em làm việc được nhờ vào sức mạnh tinh thần. Trước những thương vong, có đêm, các chị điều dưỡng tâm sự với nhau rồi cùng nhau khóc. Cách xa gia đình để toàn tâm cứu chữa bệnh nhân, có lúc, chúng tôi thấy mình vừa căng thẳng, vừa cô đơn. Nhưng nhờ anh em động viên nhau, BS trưởng khoa động viên anh em, sự hồi phục của bệnh nhân… đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để vẫn gắn bó với nghề y dù phải đối mặt với quá nhiều áp lực”. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI