Bà sui rát tai vì chuyện "con dâu mới, má chồng mới"

22/02/2023 - 06:22

PNO - Một tuần 2-3 lần bà nhận điện thoại "mắng vốn" của bà sui, quá mệt mỏi!

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Má chồng My không hài lòng về con dâu, nhưng bà chỉ gọi điện mách bà sui chứ không hề nói thẳng. Ban đầu My còn nghĩ mình là "nàng dâu điểm 10", cho tới khi mẹ ruột cô gọi điện tới, rỉ rả suốt một tiếng đồng hồ.

My mới về làm dâu, cô chưa thể biết rõ nếp nhà chồng. Khi nấu canh chua, theo cách nấu của mẹ chồng thì cá phải chiên sơ rồi mới thêm nước sôi để nấu. Ở nhà cô thì cứ nước sôi là thả cá vào. Về nhà chồng cô cũng nấu theo cách như vậy. Ba chồng khen ngon nên cô không chú ý rằng má chồng đã không đụng tới món canh.

Và má chồng đã nói với mẹ cô: "Nhà chị nấu canh ngộ hen, ăn vậy không thấy tanh ha? Cá nó thuộc giống tanh, phải ướp cho kỹ, chiên cho chín, cho hết mùi rồi mới ăn chứ". Mẹ cô giải thích: "Nhà tui chỉ rửa bằng muối, bằng rượu thôi chứ không chiên". Má chồng thở dài...

Bữa nọ My xắt thịt ba chỉ kho tiêu, cô xắt miếng thịt nhỏ bằng ngón tay út, ướp kỹ, kho nhỏ lửa. Khi thịt chín, miếng thịt se lại nho nhỏ, trong veo, ăn cùng rau sống dưa leo, em chồng My khen thịt kho "bắt cơm", không ngán. Nhưng má chồng chưa vừa ý, bà gọi điện cho sui gia: "Trời ơi, nhà toàn người lớn mà xắt miếng thịt như cọng tăm vậy! Ăn một miếng thì thiếu, ăn hai miếng thì tham, khổ tâm hết sức!".

Mẹ dặn My từ nay nấu gì nhớ hỏi má chồng một tiếng cho bà vui. My nghe lời mẹ, cô hỏi ý kiến má chồng khi nấu những món mới, nhưng bà vẫn không vui với mẹ cô: "Cái gì nó cũng hỏi, tui thấy tui giống tổng đài 1080 quá!".

Thật tình My không biết nói sao cho bà hiểu cô muốn đã chăm chút bữa ăn hết sức. My thương mẹ, cô lấy chồng và cô làm dâu chứ đâu phải mẹ. Một tuần 2-3 lần bà nhận điện thoại "mắng vốn" của bà sui, quá mệt mỏi!

Chiều nay mẹ gọi điện tới. Mẹ phân giải: Thật ra má chồng thương con dâu, nhưng lại không biết nói chuyện, muốn chỉ dạy lại không dám nói sợ mang tiếng mẹ chồng chèn ép nàng dâu, cách bà nói chuyện thẳng tuột không giữ ý cũng dễ gây hiểu lầm.

Như việc cô mua quà cho ba má chồng, bà xót tiền cho con dâu, nhưng lại ngại không dám nói thẳng, mà bắn tiếng qua mẹ “không lo dành dụm, tiêu xài chi hoang phí”… Bà muốn nhờ mẹ nhắc My.

Rồi mẹ cười: "Hiểu tính má chồng rồi nên bây giờ mẹ cũng thoải mái khi nói chuyện. Hôm qua mẹ nói nhà tui làm vậy, ăn vậy đó giờ quen rồi; bà sui cứ chủ động dạy bảo, con nhỏ cũng chịu nghe lắm. Chị sui chưa vừa ý thì cho tui xin lại con My, tui mang nó về dạy thêm!".

Tất nhiên là má chồng phản đối bà sui cái ý "mang về dạy thêm". Con trai bà hơn 30 tuổi mới cưới vợ, My lại ngoan ngoãn dễ bảo, có công ăn việc làm đàng hoàng, biết ý, hoà thuận với chị chồng em chồng.

Chưa kể, mới tuần trước My báo tin mình có thai được hơn một tháng. Bữa đó cả nhà tắt bếp đi nhà hàng ăn mừng.

My nghe mẹ kể thì bật cười. Có những chuyện vì ít kinh nghiệm sống, cô chưa thể hiểu, nhờ 2 bà chuyện trò qua lại mà thêm hiểu nhau, chung quy cũng vì hạnh phúc của con cái.

Từ công ty, My nhắn tin cho má chồng: "Con thấy nhà mình ai cũng ưng ăn canh chua, mà giờ con ngửi mùi cá là con khó chịu. Vậy chiều con ghé chợ mua cá tươi rồi má nấu giúp con nha!".

Má chồng gạt đi: "Con về thẳng nhà rồi nghỉ ngơi, chợ búa cơm nước cứ để má lo!".

My tính rồi, thời gian này má chồng không cho cô vào bếp thì cô sẽ đứng nhìn, xem cách bà nấu nướng, cũng là cách để bà thấy cô ham học hỏi. Chẳng qua do cô là con dâu mới, bà là má chồng mới, còn chưa hiểu nhau nhiều.

Thu Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI