Ba kịch bản cho nhà máy đóng tàu Dung Quất: Phá sản để đau đớn ngắn hạn

01/12/2016 - 19:50

PNO - PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, cho rằng chỉ có phương án cho phá sản DQS mới mang tính khả thi. Hai phương án còn lại thì hầu như rất khó thực hiện nếu không nói là bất khả thi.

Mới đây, trong Báo cáo định hướng phát triển công nghiệp 3 tháng cuối năm của Bộ Công Thương đã định hướng phát triển ngành dầu khí trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp.

Trong đó, Bộ Công thương cũng đưa ra 3 phương án xử lý các tồn tại của Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS). 3 phương án đó là: Tái cơ cấu; Chuyển nhượng công ty và tính cả phương án phá sản nhà máy này theo quy định.

Chỉ có phá sản DQS mới khả thi...

Đưa ra quan điểm cá nhân trước các phương án xử lý tồn tại của DQS, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trường Dại học Kinh tế - Luật, TP.HCM cho rằng chỉ có phương án cho phá sản DQS mới mang tính khả thi. Còn đối với hai phương án còn lại thì hầu như rất khó thực hiện nếu không nói là bất khả thi.

Lý giải trước nhận định của mình, theo vị chuyên gia, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh về đóng tàu cả về công nghệ, nhân lực và vốn. Do đó, nếu tái cơ cấu thì vẫn chỉ là "bình mới rượi cũ". Còn phương án chuyển nhượng công ty, ông cho rằng hầu như không thể tìm được đối tác sẵn lòng chi trả để tiếp tục hoạt động.

Ba kich ban cho nha may dong tau Dung Quat: Pha san de dau don ngan han
Bộ Công thương đưa ra 3 phương án để xử lý các tồn tại tại nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ảnh: Báo Quảng Ngãi


Trước đó, Bộ Công thương đã xây dựng phương án xử lý các tồn tại của DQS vào cuối năm 2015. Tại thời điểm đó Bộ Tài chính  cũng đã đặt thẳng vấn đề cho phá sản DQS theo quy định của Luật Phá sản năm 2014. Nhưng đề xuất trên cũng không thực hiện được do vấp phải những khó khăn thực tại.

Lật lại vấn đề này, PGS Nguyễn Hồng Nha cho rằng thực chất vấn đề là Bộ tài chính sợ trách nhiệm và sự lo ngại về tiền lệ xấu.

Phân tích thêm về điều này, vị chuyên gia nhìn nhận: "Khó khăn ở đây là còn nhiều rào cản từ các cơ quan chức năng và bản thân lãnh đạo DQS. Tôi xin nhắc lại là chúng ta chưa có một nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể cho việc thực thi phá sản DNNN. Vấn đề cha chung không ai khóc và bi kịch tài sản công đang xuất hiện tại DQS. Việc thất thoát tài sản nhà nước là điều hiển nhiên, việc đẩy nhanh quá trình phá sản sẽ làm giảm tổn thất cho nhà nước và trong trường hợp này kinh tế học gọi là tối thiểu hóa thua lỗ hay tổn thất xã hội.

Đến thời điểm hiện nay, những khó khăn trong việc thực hiện phá sản vẫn chưa được giải quyết thấu đáo cả về kinh tế, luật pháp và chỉ đạo của cấp trên. Cần phải kiên quyết tiếp tục phương án phá sản DQS với các bước thận trọng".

Để thực hiện điều này, PGS thẳng thắn, các bộ ban ngành liên quan cần có các hội nghị liên ngành để xem xét trình chính phủ phương án phá sản hợp lý nhất cả về kinh tế, an ninh kinh tế, luật pháp và các vẫn đề xã hội kéo theo.

 Phá sản DQS để đau đớn ngắn hạn

Theo tính toán đến thời điểm ngày 30/3/2016, nợ phải trả của DQS lên 6.953 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.912 tỷ đồng. Nếu phá sản hay áp dụng các phương án khác, dù DQS có bán thanh lý hết tài sản với giá trị theo giá trị sổ sách, vẫn còn thiếu nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hệ quả về mặt xã hội như 1.300 lao động của DQS đồng thời mất việc làm, không có thu nhập.

Với tình huống này, vị chuyên gia phân tích, việc DQS là DNNN và hầu hết các khoản nợ của nó đều thuộc các DNNN khác, cho nên chúng ta không cần phải huy động vốn để xử lý nợ. Hơn nữa nếu lấy từ NSNN thì sẽ là vấn đề lớn về thâm hụt, còn nếu huy động vốn thì huy động từ nguồn nào, ai đưa và như vậy là bất khả thi.

Suy cho cùng cũng đành phải thực hiện phương án tối ưu hiện nay là tiến hành các thủ tục phá sản cho dù điều này có thể gây ra đau đớn trong ngắn hạn. Nhưng vì mục tiêu dài hạn là đảm bảo cơ thể kinh tế khỏe mạnh và chống chọi được với cạnh tranh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cũng nhiệt liệt hoan nghênh và đồng tình với việc Bộ Công thương tuyên bố sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan tới việc làm ăn thua lỗ kéo dài ở DQS.

Chuyên gia cho rằng, nếu truy trách nhiệm ở DQS thì cần có các cơ quan chức năng vào cuộc để xem xét mức độ trách nhiệm và hậu quả về kinh tế của các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo của DQS. Từ đó, tùy theo mức độ vi phạm và kết luận của các cơ  quan điều tra, sẽ xử lý hành chính và thậm trí trách nhiệm hình sự.

"Ở đây lại liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự tắc trách và không cạnh tranh. Do đó cũng nên xử lý những người ký các quyết định bổ nhiệm. Không để việc bổ nhiệm không dựa trên tài năng và kinh nghiệm quản lý mà chỉ dựa vào mối quan hệ và tiền bạc", PGS nhấn mạnh.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI