ASEAN cần phản ứng trước sự ngang ngược của Trung Quốc

27/04/2020 - 07:27

PNO - Để tránh tạo thêm căng thẳng trong khu vực, bản thân ASEAN cần đưa ra tiếng nói và động thái quyết liệt hơn trước Trung Quốc.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc tự ý đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông là bất thường và vi phạm luật pháp quốc tế. 

Vừa qua, Bắc Kinh đã đặt tên cho 25 hòn đảo, bãi cạn và rạn san hô, cùng 55 ngọn núi và rặng núi chìm dưới đáy biển thuộc khu vực Biển Đông. Lần cuối cùng Trung Quốc thực hiện động thái tương tự là vào năm 1983. Gregory Poling - Giám đốc của tổ chức Sáng kiến ​​minh bạch hàng hải châu Á có trụ sở tại Washington (Mỹ) chuyên thông tin về các vấn đề an ninh hàng hải trên khắp châu Á - cho biết, động thái đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông do Bắc Kinh thực hiện là bất thường và vi phạm luật pháp quốc tế. Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển quy định rằng, các quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền đối với một thực thể dưới nước trừ khi nó nằm trong phạm vi 12 hải lý. 

 

Trung Quốc tự ý bồi đắp và đặt tên cho nhiều thực thể tại Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh: AFP
Trung Quốc tự ý bồi đắp và đặt tên cho nhiều thực thể tại Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh: AFP

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và các nước khác, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định yêu sách của mình đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến vận chuyển thương mại bận rộn nhất thế giới và có ý nghĩa địa chính trị rất lớn. 

Trong sáu năm qua, Trung Quốc tìm cách củng cố tuyên bố đó bằng cách tạo ra nhiều đảo nhân tạo và phát triển cơ sở hạ tầng để sử dụng cho mục đích quân sự, phần lớn đi ngược lại lợi ích cộng đồng quốc tế. Douglas Guilfoyle - Phó giáo sư Luật Quốc tế và an ninh tại Đại học New South Wales Canberra (Úc) - nhận xét: “Nguyên tắc lâu đời của luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp ghi rõ rằng mọi hành động khẳng định chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đối với khu vực đều không có ý nghĩa pháp lý, nếu nó dẫn đến tranh chấp với một quốc gia khác. Quy tắc này tồn tại để ngăn chặn chính xác loại hành vi mà Trung Quốc đã và đang thực hiện”.

Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong những tháng gần đây đã tìm cách đẩy lùi sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước trên Biển Đông. Vào tháng 12/2019, Malaysia đã tiếp cận Ủy ban về giới hạn thềm lục địa của Liên hiệp quốc, tuyên bố kiểm soát vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở phía Bắc Biển Đông sau sự hiện diện của Trung Quốc trong và xung quanh bãi cạn Luconia. 

Vài tuần sau, Indonesia triển khai tàu chiến và tàu ngầm đến vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna sau khi bị tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc xâm lấn. Bắc Kinh lộ rõ âm mưu kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông, bao gồm những nỗ lực thăm dò riêng và gây áp lực cho các quốc gia khác trong việc khảo sát tài nguyên dưới đáy biển. Đội tàu nghiên cứu và cảnh sát biển của Trung Quốc vẫn đang theo sát một tàu thăm dò được điều hành bởi công ty dầu mỏ nhà nước Malaysia Petronas thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Vào cuối tháng Ba, Việt Nam đã đệ trình công hàm ngoại giao lên Liên hiệp quốc phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó nêu rõ rằng, theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - luật duy nhất được quốc tế công nhận về lãnh thổ hàng hải, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn bất hợp pháp. Việc Bắc Kinh cố gắng áp dụng yêu sách lên các bãi đá ngập nước, làm cơ sở cho lãnh thổ hàng hải cũng vô căn cứ. Theo sau vụ việc, vào ngày 2/4, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã va chạm và đánh chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, làm dấy lên làn sóng phản đối từ quốc tế, bao gồm Mỹ và Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng, các sự cố như vừa xảy ra với tàu cá Việt Nam khiến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Vì vậy, để tránh tạo thêm căng thẳng trong khu vực, thu hút thêm sự can thiệp từ các cường quốc bên ngoài, bản thân ASEAN cần đưa ra tiếng nói và động thái quyết liệt hơn trước Trung Quốc.

 Linh La  (theo Asean Today, SCMP, ORF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI